Dự án SME Trà Vinh: hệ sinh thái khởi nghiệp và là bệ phóng cho doanh nghiệp

Dự án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Trà Vinh (Dự án SME Trà Vinh) trải qua 6 năm triển khai không chỉ xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp mà còn là bệ đỡ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trên địa bàn tỉnh.

Dự án SME được triển khai tại tỉnh Trà Vinh từ năm 2014 đến nay do Chính phủ Canada tài trợ với tổng nguồn vốn 12.100.000 đô-la Canada, trong đó Chính phủ Việt Nam đối ứng 1.100.000 đô-la Canada. Mục tiêu của dự án là đẩy nhanh tốc độ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, lành mạnh cho DNNVV.

6 năm có thêm 4.500 DN, cơ sở kinh doanh

Ông Lâm Hữu Phúc, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT kiêm Giám đốc Dự án SME Trà Vinh, cho biết: Sáu năm qua, dự án đã hỗ trợ tỉnh Trà Vinh xây dựng được 22 chính sách, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư vào tỉnh. Các chính sách lớn có thể kể đến bao gồm: Kế hoạch Phát triển DNNVV giai đoạn 2018-2020 và 2021-2025; Chiến lược Xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2025; Đề án Khởi nghiệp của tỉnh; Kế hoạch hành động phát triển Chuỗi giá trị dừa (2016-2020, 2021-2025) và đậu phộng (2016-2020); Bộ tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở ngành, huyện thị (DDCI) của tỉnh.

Ông Lâm Hữu Phúc – Giám đốc Dự án SME Trà Vinh trao gói tài trợ 1,7 tỷ đồng cho Quỹ tín dụng hỗ trợ Phụ nữ phát triển kinh doanh cho Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Trà Vinh. (Ảnh: H.P)

Ông Lâm Hữu Phúc – Giám đốc Dự án SME Trà Vinh trao gói tài trợ 1,7 tỷ đồng cho Quỹ tín dụng hỗ trợ Phụ nữ phát triển kinh doanh cho Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Trà Vinh. (Ảnh: H.P)

Qua 6 năm, Dự án SME Trà Vinh đã góp phần tăng số lượng doanh nghiệp và hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh từ 1.730 doanh nghiệp và 16.720 cơ sở kinh doanh năm 2015 lên 2.933 doanh nghiệp và 20.025 cơ sở kinh doanh năm 2020. Dự án giúp tạo thêm 20.040 việc làm. Hơn 674 lượt doanh nghiệp đã được hỗ trợ tham gia các hoạt động nâng năng lực, xúc tiến thương mại, tiếp cận dịch vụ phát triển kinh doanh với 39 loại dịch vụ khác nhau. Có 23 doanh nghiệp được nhận hỗ trợ tài chính trực tiếp với tổng vốn tài trợ hơn 15 tỷ đồng...

Điển hình như Cơ sở mây tre lá Nhất Tâm (TP. Trà Vinh) là một trong số các cơ sở đăng ký đề xuất xin hỗ trợ kinh phí để đầu tư máy móc nhằm phục vụ việc nâng cao chất lượng sản phẩm tiểu thủ công nghiệp từ nguyên liệu lục bình. Nhờ dự án, cơ sở góp phần giải quyết việc làm cho 204 lao động, trong đó có 60 lao động dân tộc Khmer.

Vấn đề bình đẳng giới luôn được dự án coi trọng, lồng ghép xuyên suốt trong các hoạt động theo chính sách hỗ trợ bình đẳng giới (FIAP) của nhà tài trợ. Số lượng nữ giới hưởng lợi từ các hoạt động của dự án (nâng cấp chuỗi giá trị, hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao năng lực, cơ sở hạ tầng...) đạt 42.950 người. Trong đó, khoảng 2.450 việc làm được tạo ra cho phụ nữ. Phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Trà Vinh, dự án đã hỗ trợ hình thành mạng lưới phụ nữ khởi nghiệp tại địa phương với 9 CLB phụ nữ khởi nghiệp được thành lập.

SME cải thiện môi trường kinh doanh, xây hệ sinh thái khởi nghiệp

Qua 6 năm, Dự án SME Trà Vinh đã hỗ trợ cho tỉnh xây dựng một nền tảng vững chắc, giúp cải thiện môi trường kinh doanh thông qua việc một loạt các can thiệp của dự án đã được thể chế hóa như đánh giá DDCI, các dịch vụ phát triển kinh doanh, thương mại điện tử, nhất thể hóa và minh bạch hóa cơ sở dữ liệu, đối thoại doanh nghiệp...

Dự án SME Trà Vinh cũng là đơn vị tiên phong trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh khi hỗ trợ các sở ban ngành thực hiện các hoạt động truyền thông, tập huấn nâng cao năng lực về khởi nghiệp cho thanh niên, phụ nữ và các nhóm khởi nghiệp trong tỉnh. Đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển khởi nghiệp, vận động thành lập Quỹ hỗ trợ Khởi nghiệp và mới nhất đầu năm 2021, dự án đã vận hành Vườn ươm doanh nghiệp tỉnh Trà Vinh.

Quang cảnh sản xuất tại Công ty TNHH MTV Út Mừng, doanh nghiệp nhận hỗ trợ từ dự án để phát triển quy trình sản xuất chỉ xơ dừa và các sản phẩm thủ công từ xơ dừa. (Ảnh: H.P)

Quang cảnh sản xuất tại Công ty TNHH MTV Út Mừng, doanh nghiệp nhận hỗ trợ từ dự án để phát triển quy trình sản xuất chỉ xơ dừa và các sản phẩm thủ công từ xơ dừa. (Ảnh: H.P)

Các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp của dự án được thực hiện nhằm góp phần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh Trà Vinh, vận hành và kết nối với các hệ sinh thái khác trong khu vực ĐBSCL, quốc gia, thúc đẩy các ý tưởng khởi nghiệp và hình thành các doanh nghiệp mới, doanh nghiệp sáng tạo. Theo đó, dự án theo đuổi các mục tiêu sau: các chủ nhân chính của khởi nghiệp, các Startups và SMEs sáng tạo phát triển bền vững cả về chất và lượng, hình thành văn hóa khởi nghiệp và tư duy khởi nghiệp cho cộng đồng; cơ sở hạ tầng phục vụ cho khởi nghiệp và ươm tạo được hoàn thiện, đủ năng lực để hỗ trợ các hoạt động chung của khởi nghiệp; các chính sách, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp được xây dựng hoàn chỉnh và đồng bộ, việc thực thi chính sách hiệu quả và linh hoạt; Và mạng lưới chuyên gia kỹ thuật về khởi nghiệp (mentor/nhà đầu tư) và phát triển doanh nghiệp đầy đủ đáp ứng nhu cầu hỗ trợ/gọi vốn

Theo ông Lâm Hữu Phúc, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT kiêm Giám đốc Dự án SME Trà Vinh, giai đoạn dịch bệnh COVID-19 vừa qua, dự án đã xúc tiến các hoạt động hỗ trợ thiết thực để tiếp sức cho doanh nghiệp vượt qua những khó khăn và nắm bắt các cơ hội mới trong bối cảnh mới. Đồng thời, dự án cung cấp các gói hỗ trợ nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và sản phẩm của Trà Vinh được tiếp cận các sàn thương mại điện tử lớn.

Dự án SME Trà Vinh được nhà tài trợ Canada đánh giá cao và là một trong những dự án nổi bật nhất trong những năm gần đây, được kỳ vọng sẽ tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng DNNVV trong nỗ lực phát triển kinh tế xã hội tỉnh Trà Vinh thời gian tới.

VPCT

Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/quan-ly/du-an-sme-tra-vinh-he-sinh-thai-khoi-nghiep-va-la-be-phong-cho-doanh-nghiep-994415.html