Dự án thua lỗ ngành Công Thương: Tạm hồi sinh nhờ… làm gia công
Dù được đánh giá đã bắt đầu có những điểm sáng và nhiều khó khăn trong các hợp đồng EPC được tháo gỡ, nhưng thực tế cho thấy, con đường thoát lỗ của những 'xác chết' đầu tư nghìn tỷ đồng thua lỗ được hồi sinh bước đầu vẫn còn nhiều chông gai và rất bấp bênh.
Theo Bộ Công Thương, Dự án Nhà máy sản xuất sơ xợi polyester Đình Vũ đã hoàn thành đi vào vận hành thương mại từ tháng 5/2014. Tuy nhiên, nhà máy liên tục bị thua lỗ trong quá trình hoạt động do chi phí sản xuất tăng, cao hơn giá bán sản phẩm (giá bán không đủ bù chi phí biến phí) và đến ngày 17/9/2015, nhà máy đã phải dừng sản xuất.
Sau gần 31 tháng phải dừng sản xuất, đến ngày 20/4/2018, Nhà máy xơ sợi polyeste Đình Vũ đã khởi động vận hành lại 3 dây chuyền DTY của Phân xưởng sợi Filament và nâng lên 6 dây chuyền từ ngày 1/11/2018 và hiện đang vận hành 10 dây chuyền theo Hợp đồng hợp tác gia công với đối tác. Trong quý I/2019, tổng sản lượng sản xuất đạt 4.194 tấn sợi các loại, trong đó PVTex tự sản xuất từ 20/4/2018 - 31/10/2018 đến 1.438 tấn và gia công cho Công ty An Sơn (đơn vị thành viên của Công ty An Phát) từ 1/11/2018 đến 31/3/2019 là 2.756 tấn. Tổng doanh thu trong giai đoạn PVTex tự vận hành sản xuất từ 20/4/2018 đến 31/10/2018 là 58,33 tỷ đồng, lợi nhuận trước chi phí cố định là 3,313 tỷ đồng.
Theo thông tin từ PVN, việc khởi động lại nhà máy không hề dễ dàng, từ ngày 18/12/2017, PVTex phát hành hồ sơ đề xuất mời hợp tác tới các đối tác nhưng đến hạn chót chỉ có Tổ hợp An Phát Holdings + Reliance Pte. Ltd. (Ấn Độ) + Fortrec Chemical (Singapore) do An Phát Holdings đứng đầu (APH) trình hồ sơ đề xuất phương án hợp tác. 3 tháng sau đó, ngày 27/4/2018, PVTex và Tổ hợp APH đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác sản xuất, kinh doanh để các bên có cơ sở tiếp tục thương thảo, đàm phán, làm rõ các vấn đề liên quan hợp tác sản xuất và kinh doanh Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ. Đến tháng 11/2018, PVTex mới ký được hợp đồng gia công sợi DTY với đối tác APH/AST.
Theo báo cáo mới nhất của PVTEX, trong quý I/2019, nhà máy đã sản xuất ổn định và liên tục 10 dây chuyền sợi DTY theo đơn đặt hàng của đối tác là Công ty CP Xơ sợi Tổng hợp An Sơn, cung cấp cho thị trường trong nước và các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản gần 2.000 tấn sợi DTY.
Đến ngày 8/5/2019, công ty phối hợp đưa thêm hai dây chuyền sản xuất mới vào vận hành, nâng công suất sản xuất sợi của nhà máy lên khoảng 20% so với trước đây, lên khoảng 900 tấn sợi/tháng. Công ty vẫn đang tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo quản, bảo dưỡng hệ thống thiết bị, máy móc của nhà máy và rà soát thực tế, tính toán chi phí tài chính để xây dựng kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng phục vụ công tác vận hành trở lại toàn bộ nhà máy.
Một dự án khác cũng được hồi sinh nhờ hợp tác làm thuê cho đơn vị bên ngoài là Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, đã vận hành lại từ ngày 14/10/2018 theo Hợp đồng hợp tác gia công với Công ty CP Xuất nhập khẩu tạp phẩm (Tocontap).
Theo Bộ Công Thương, với dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, từ thời điểm nghiệm thu, bàn giao đưa Dự án vào vận hành thương mại vào tháng 1/2014, sau gần 2 năm nhà máy đã vận hành được 7 đợt sản xuất với 151 ngày chạy máy, công suất vận hành chỉ đạt 54% so với công suất thiết kế do hạng mục công trình xử lý nước thải chưa đạt yêu cầu. Đến tháng 4/2015, nhà máy đã dừng sản xuất do không có thị trường tiêu thụ sản phẩm, hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp và thiếu vốn lưu động phục vụ sản xuất.
Theo hợp đồng, hai bên thống nhất kế hoạch chạy máy trong năm đầu tiên ở mức tối thiểu là 42.000 m3 E100, phía Tocontap sẽ cung ứng nguyên liệu sắn và tạm ứng chi phí gia công. Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, từ ngày 14/10/2018, Nhà máy đã vận hành lại đợt 1 và sản xuất cung cấp ra thị trường khoảng gần 1.500 m3 cồn ethanol đạt chất lượng, 183 tấn CO2 thực phẩm và 314 tấn bã sắn thức ăn gia súc. Từ ngày 7/4/2019 đến ngày 13/4/2019, Nhà máy tiếp tục vận hành đợt 2, sản xuất ra 500 m3 ethanol đạt chất lượng.
Dù được đánh giá đang vận hành khá ổn để vượt dần khó khăn, nhưng thực tế, một chuyên gia trong ngành Công Thương cho hay, để giải cứu PVTex và Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và để các nhà máy vận hành được toàn bộ một cách hiệu quả và lâu dài sẽ cần nhiều sự hỗ trợ từ các đơn vị bên ngoài hơn nữa.
Đến nay, trên thực tế, PVTex mới chỉ vận hành trở lại một phần các phân xưởng, chủ yếu là dây chuyền sản xuất sợi DTY, chứ không phải toàn bộ tổ hợp nhà máy. Còn Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi sẽ phụ thuộc rất lớn vào diễn biến thị trường.
Khó khăn vẫn chồng chất
Đánh giá tổng thể về thực trạng của các dự án thua lỗ, kém hiệu quả, trong báo cáo gửi Quốc hội hồi giữa tháng 5 vừa qua, Bộ Công Thương cho hay, trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng thua lỗ, đến năm 2018 đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất, kinh doanh bước đầu có lãi. Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng có lợi nhuận đạt 195,55 tỷ đồng (tăng 180,767 tỷ đồng so với 2017) và Nhà máy thép Việt - Trung có lợi nhuận đạt 456,8 tỷ đồng (tăng 290,6 tỷ đồng so với năm 2017).
Đến hết quý I/2019, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh có lãi (lợi nhuận đạt 18,263 tỷ đồng) và đang được xem xét để đưa ra khỏi danh sách các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả.
4 dự án còn lại, theo Bộ Công Thương, vẫn tiếp tục từng bước khắc phục khó khăn để ổn định sản xuất. Cụ thể, quí I/2019, Nhà máy đạm Hà Bắc giảm lỗ 30,25 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai giảm lỗ 5,47 tỷ đồng; Nhà máy đạm Ninh Bình giảm lỗ 87,2 tỷ đồng so với cùng kỳ 2018. Trong số 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất, kinh doanh đến nay đã có 2 dự án vận hành sản xuất trở lại và 1 dự án đã hoàn tất công tác chuẩn bị để khởi động trở lại nhà máy.
Đáng chú ý, theo báo cáo của Bộ Công Thương, có hai dự án đã vận hành trở lại sau một thời gian dài “đắp chiếu”. Cụ thể, Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ đã vận hành trở lại 3 dây chuyền của phân xưởng sợi Filament từ ngày 20/4/2018 và nâng lên 10 dây chuyền từ ngày 13/1/2019. Ngoài ra, Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ đã xử lý xong vấn đề tranh chấp thực hiện hợp đồng EPC với liên danh nhà thầu EPC. Đứng đầu nhà thầu là Công ty Xây dựng Hyundai (HEC), theo đó PVTex đã ký Biên bản nghiệm thu cuối cùng của Mốc nghiệm thu cuối cùng (FA) của hợp đồng EPC, hoàn thành việc xử lý tranh chấp hợp đồng EPC.
Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam cho hay, để cứu các dự án thua lỗ, cụ thể như dự án của PVTex, phải có các doanh nghiệp “tay to” nước ngoài tham gia thì mới có thể thực hiện tiếp được. Cũng theo đại diện Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, PVTex “chết” cũng một phần do quy mô đầu tư nhỏ, khó có thể cạnh tranh về quy mô với ngay đối thủ láng giềng là Trung Quốc.