Dự án Trung tâm triển lãm quy hoạch TP.HCM: Nhiều gói thầu bê trễ, trách nhiệm do đâu?
Dự án Đầu tư xây dựng Trung tâm triển lãm quy hoạch TP.HCM được phê duyệt từ năm 2014, đến nay vẫn chưa thể hoàn thành do phát sinh nhiều vấn đề từ khâu triển khai, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, phân chia gói thầu, thi công. Đặc biệt, Dự án đã ngưng trệ thi công trong thời gian dài, dẫn tới nhiều hạng mục xuống cấp, lãng phí. Dù được TP.HCM yêu cầu, các bên liên quan vẫn chưa làm rõ trách nhiệm.

Dự án Trung tâm triển lãm quy hoạch TP.HCM được xây dựng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm với tổng mức đầu tư gần 800 tỷ đồng. Ảnh: Hữu Chánh
Dự án trên do Ban Quản lý dự án xây dựng Trung tâm triển lãm quy hoạch Thành phố làm chủ đầu tư, khởi công xây dựng từ năm 2015. Đến năm 2018, Dự án hoàn thành phần khung. Tuy nhiên, các nhà thầu thực hiện những công đoạn cuối của phần hoàn thiện và lắp đặt thiết bị không có mặt bằng để thực hiện, công trình tạm ngưng do nhà thầu thực hiện Gói thầu XL6 Sản xuất và lắp dựng vách kính, mặt dựng, khung đỡ, vách ngăn, lan can, trần và tấm trang trí kim loại không triển khai thi công theo hợp đồng.
Sau khi được chuyển giao làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM đã mất nhiều thời gian để đánh giá thực trạng của công trình dở dang này. Gần đây, Ban có báo cáo đề xuất bổ sung kế hoạch lựa chọn nhà thầu Gói thầu Khảo sát, đánh giá hiện trạng và lập dự toán phát sinh cho dự án này.
Chủ đầu tư cho biết, do công trình tạm ngưng thi công trong thời gian dài (từ năm 2018 đến nay), một số hạng mục công việc, thiết bị có hiện tượng hư hỏng, cần phải kiểm tra, đánh giá, sửa chữa, khắc phục hư hỏng hoặc thay thế để bảo đảm chất lượng. Mặt khác, một số thiết bị của các gói thầu đã nhập về công trình, chưa lắp đặt, nhưng Chủ đầu tư cũ đã nghiệm thu, thanh toán một phần. Đến nay, số thiết bị này đã hết thời gian bảo hành của nhà sản xuất. Đặc biệt, toàn bộ hợp đồng các gói thầu xây lắp, thiết bị là loại hợp đồng trọn gói, nên không được bổ sung chi phí phát sinh công tác sửa chữa cho từng gói thầu vào hợp đồng. Vì vậy, cần khảo sát, đánh giá hiện trạng và lập dự toán phát sinh, tổ chức lựa chọn nhà thầu sửa chữa các hạng mục hư hỏng, xuống cấp của các gói thầu. Chủ đầu tư đã đề xuất UBND TP.HCM phê duyệt, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Về giá trị phát sinh, Chủ đầu tư xác định theo giá trị đề xuất của các nhà thầu khoảng 76,9 tỷ đồng cho 16 gói thầu. Giá trị phát sinh không làm vượt tổng mức đầu tư Dự án được duyệt (tại thời điểm năm 2014). Tuy nhiên, Sở Xây dựng nhận thấy, giá trị phát sinh này chưa có cơ sở xem xét. Việc xác định giá trị sửa chữa, thay thế các hạng mục xuống cấp, hư hỏng do ngưng thi công cần một đơn vị tư vấn độc lập thực hiện (trong đó cần tách riêng các khối lượng, giá trị thuộc trách nhiệm bảo hành, bảo trì, khắc phục, sửa chữa của nhà thầu thi công và khối lượng, giá trị phát sinh, thay thế do quá trình ngưng thi công kéo dài), qua đó mới xác định tính chính xác của chi phí phát sinh.
“Để Dự án có thể tiếp tục triển khai thi công trong thời gian sớm nhất, bảo đảm chất lượng công trình và chi phí đầu tư phù hợp, Sở Xây dựng kiến nghị UBND Thành phố chấp thuận cho phép thuê tư vấn khảo sát, đánh giá, lập dự toán chi phí phát sinh các công tác sửa chữa, thay thế các hạng mục xuống cấp, hư hỏng. Đồng thời, Chủ đầu tư trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu điều chỉnh.
Được biết, năm 2024, Ban QLDA ĐTXD các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM chấm dứt Hợp đồng số 05/2015/HĐTC ngày 28/7/2015 thực hiện Gói thầu XL6 Sản xuất và lắp dựng vách kính, mặt đứng, khung đỡ, vách ngăn, lan can, trần và tấm trang trí kim loại với Công ty CP Thương mại Tam Đại Kim (địa chỉ tại TP.HCM). Lý do là Nhà thầu Tam Đại Kim thiếu hợp tác, 56 ngày liên tục không thực hiện công việc theo hợp đồng mà không có lý do chính đáng, dẫn tới vi phạm tiến độ thực hiện theo thỏa thuận hợp đồng. Gói thầu này sau đó đã được mời thầu lại với giá 114,052 tỷ đồng.
Trong khi đó, nhiều gói thầu thuộc Dự án đã hết thời gian thực hiện hợp đồng từ lâu nhưng chưa hoàn thành. Có thể kể đến Gói thầu PTV31 Sưu tầm dữ liệu, soạn thảo và in ấn sách, biên tập và thiết kế maket, pano, sa bàn, website, thuyết minh - hướng dẫn kịch bản phim (39,801 tỷ đồng); Gói thầu HH12 Hệ thống điều hòa không khí và thông gió (26,535 tỷ đồng); Gói thầu HH9 Màn hình led và lam mặt tiền (38,863 tỷ đồng); Gói thầu HH10 Thang máy các loại (18,629 tỷ đồng)…
Dù để Dự án bê bết kéo dài, nhưng theo đánh giá của Sở Tài chính TP.HCM, trong báo cáo của Ban QLDA xây dựng Trung tâm triển lãm quy hoạch Thành phố, vẫn “chưa làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị (chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát…) tại thời điểm thực hiện Dự án. Điều này là nguyên nhân dẫn tới phát sinh chi phí sửa chữa, thay thế các hạng mục xuống cấp, hư hỏng của từng gói thầu”.