Dự án Xây dựng Trường đại học Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn: 'Treo ngược' quyền lợi của người dân đến bao giờ?
Sau 8 năm được chấp thuận địa điểm, Dự án Xây dựng Trường đại học Du lịch Sài Gòn (tại Khu đô thị Tây Bắc, TP.HCM) của Trường cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn vẫn nằm… trên giấy, còn những hộ dân bị thu hồi đất để thực hiện Dự án vẫn tiếp tục phải chờ đợi bồi thường.
Đến nay, Dự án Xây dựng Trường đại học Du lịch Sài Gòn mới chỉ “đầu tư” được tấm biển.
“Nợ” bồi thường vì ngân hàng không cho vay
Hơn 10 năm trước, chủ trương thành lập Trường đại học Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn (gọi tắt là Trường đại học Du lịch Sài Gòn) trên cơ sở nâng cấp từ Trường cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn đã được UBND TP.HCM chấp thuận tại Công văn số 6850/UBND-VX, ngày 21/12/2009.
Tháng 6/2012, UBND TP.HCM chấp thuận địa điểm xây dựng Trường đại học Du lịch Sài Gòn tại Khu đô thị Tây Bắc (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM) trên diện tích 5,1 ha thuộc sở hữu của 5 hộ dân và phần đất do UBND xã Tân Thông Hội quản lý.
Đến tháng 6/2017, UBND huyện Củ Chi đã ra các
văn bản thông báo thu hồi đất của 5 hộ dân để thực hiện Dự án Xây dựng Trường đại học Du lịch Sài Gòn. Sau đó, phương án bồi thường hỗ trợ Dự án được UBND huyện Củ Chi phê duyệt tại Quyết định số 4400/QĐ-UBND, tháng 4/2018.
Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) huyện Củ Chi đã chiết tính bồi thường cho 5 hộ dân với tổng số tiền gần 12 tỷ đồng. Ngoài ra, Dự án còn phải bồi thường phần đất do UBND xã Tân Thông Hội quản lý, với số tiền 10,9 tỷ đồng. Tổng số tiền bồi thường cho 5 hộ dân và UBND xã Tân Thông Hội là 23,1 tỷ đồng.
Lẽ ra, Trường cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn phải hoàn tất việc bồi thường cho các hộ dân vào tháng 5/2018.
Chờ mãi không thấy tiền về, tháng 12/2018, Ban Bồi thường GPMB huyện Củ Chi đã gửi Văn bản số 960/BBT-KT đề nghị Trường cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn chuyển chi phí bồi thường và chi phí phục vụ công tác bồi thường Dự án. Trước khi ra văn bản này, Ban Bồi thường GPMB huyện Củ Chi đã trao đổi qua điện thoại và nhận được sự thống nhất của Hiệu trưởng nhà trường.
Theo đó, ngoài yêu cầu chi trả hơn 23 tỷ đồng chi phí bồi thường hỗ trợ, Ban Bồi thường GPMB huyện Củ Chi yêu cầu Trường phải chi trả thêm hơn 3,7 tỷ đồng do chậm trả.
Ngày 27/4/2018, ông Vũ Khắc Chương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn ký Văn bản số 27-18/CV-CĐSG gửi Ban Bồi thường GPMB huyện Củ Chi, viện nhiều nguyên nhân để xin miễn giảm chi phí chi trả thêm do chậm trả tiền bồi thường, hỗ trợ.
Đáng nói là, chính Văn bản 27-18/CV-CĐSG đã “lộ” ra sự thật về việc chậm chi trả tiền bồi thường khi nêu lý do rằng, đoàn thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện kiểm tra khu đất đã có ý kiến: “Khu đất chưa phù hợp để xây dựng trường học, do vị trí khu đất nằm cách xa khu dân cư, cơ sở hạ tầng hiện tại chưa có gì và hệ thống giao thông chưa đảm bảo việc đi lại cho học sinh, sinh viên”.
Văn bản này cũng thể hiện: “Trong thời gian từ 5 năm đến 10 năm tới, trường mới có thể hoạt động được. Phía ngân hàng cũng đã có ý kiến không đồng ý việc thực hiện Dự án Xây dựng trường tại khu đất này. Vì vậy, Nhà trường đã không thể thực hiện các bước tiếp theo của việc đền bù cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong Dự án”.
Tháng 1/2019, Trường cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn có thông báo gửi các hộ dân đến nhận tiền bồi thường vào ngày 26/2/2019, nhưng tới ngày hẹn, Trường lại tiếp tục xin gia hạn thời gian thanh toán tiền bồi thường đến ngày 10/3/2019.
Từ đó đến nay, cơ quan chức năng huyện Củ Chi và người dân vẫn… tiếp tục chờ.
Sau 8 năm được chấp thuận địa điểm, Dự án Xây dựng Trường đại học Du lịch Sài Gòn trên thực địa hiện nay chỉ có mỗi tấm bảng ghi tên, dựng nghiêng ngả.
Phải lựa chọn chủ đầu tư
Với các văn bản về hỗ trợ bồi thường GPMB nêu trên, ai cũng nghĩ rằng, Trường cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn là chủ đầu tư Dự án Xây dựng Trường đại học Du lịch Sài Gòn.
Đất xây dựng dự án là một trong những điều kiện hết sức quan trọng để từ đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo chấp thuận trình và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thành lập Trường đại học Du lịch Sài Gòn tại Văn bản 802/TTg-KGVX ngày 7/6/2017.
Thế nhưng, ngày 15/8/2019, tại công văn khẩn gửi các cơ quan liên quan đến Dự án Xây dựng Trường đại học Du lịch Sài Gòn, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã chỉ đạo Ban Quản lý Khu đô thị Tây Bắc phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, UBND huyện Củ Chi… “rà soát, báo cáo UBND Thành phố về phương án sử dụng đất, thủ tục giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án phù hợp quy định pháp luật về đất đai”.
Ngày 10/2/2020, tại Văn bản số 807/STNMT-QLĐ góp ý điều chỉnh Dự án, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM chỉ ra, Dự án Xây dựng Trường đại học Du lịch Sài Gòn nằm trong Khu đô thị Tây Bắc, phải tuân thủ quy định tại Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ. Căn cứ quy định tại nghị định này, Dự án nằm tại phân khu quy hoạch khu giáo dục đại học - cao đẳng của Khu đô thị Tây Bắc, được UBND TP.HCM ra quyết định lựa chọn chủ đầu tư căn cứ trên kết quả đấu thầu, đấu giá hoặc quyết định giao chủ đầu tư trong trường hợp chỉ định trực tiếp.
Cũng theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, Dự án Xây dựng Trường đại học Du lịch Sài Gòn thuộc trường hợp thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, dự án có sử dụng đất trên địa bàn TP.HCM.
Theo Quyết định số 5166/QĐ-UBND ngày 2/10/2017 của UBND TP.HCM về ban hành Quy chế phối hợp giải quyết thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, theo Luật Đầu tư và Quyết định số 39/2015/QĐ-UBND ngày 11/8/2015, Dự án bắt buộc phải “thực hiện lựa chọn nhà đầu tư đáp ứng cao nhất các tiêu chí về quy mô, chất lượng, hiệu quả theo quy định tại pháp luật về đấu thầu và pháp luật về đất đai”.
Liên quan thẩm quyền giao đất, cho thuê đất đối với Dự án, từ ý kiến về lựa chọn chủ đầu tư của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM nêu trên, ngày 18/2/2020 Ban Quản lý Khu đô thị Tây Bắc gửi Văn bản số 17 tới UBND TP.HCM đề xuất Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM “chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện lựa chọn nhà đầu tư đáp ứng cao nhất các tiêu chí về quy mô, chất lượng, hiệu quả theo quy định tại pháp luật về đấu thầu và pháp luật về đất đai…”.
Ban Quản lý Khu đô thị Tây Bắc cho rằng, chỉ khi Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM chủ trì quyết định lựa chọn xong nhà đầu tư, thì mới là căn cứ để hoàn tất thủ tục hồ sơ giao, thuê đất theo quy định.
Xin tiếp tục Dự án
Trước ý kiến của các cơ quan chuyên môn, ngày 21/2/2020, ông Vũ Khắc Chương, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn ký Văn bản số 01-20/CV-CĐSG gửi Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan viện dẫn: Trường thực hiện Đề án Nâng cấp thành Trường đại học Du lịch Sài Gòn, được UBND TP.HCM đồng ý chủ trương. Sau đó, từ đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 802/TTg-KGVX ngày 7/6/2017 đồng ý chủ trương thành lập Trường đại học Du lịch Sài Gòn, thời hạn hoàn thành trong 3 năm (từ ngày 17/6/2017 đến ngày 17/6/2020).
Trong thời hạn 3 năm nêu trên, Nhà trường phải hoàn thiện tất cả điều kiện để có quyết định chính thức.
Theo ông Vũ Khắc Chương, Nhà trường đã hoàn thiện xong các điều kiện, ngoại trừ điều kiện có quỹ đất tại Khu đô thị Tây Bắc.
Trên thực tế, khu đất trên đã được UBND huyện Củ Chi ban hành quyết định
bồi thường hỗ trợ, nhưng theo Trường cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn, lý do đến nay chưa bồi thường cho dân, thực hiện thủ tục giao thuê đất
bởi “UBND TP.HCM có văn bản 7362/VP-DA ngày 15/8/2019 chỉ đạo sở, ngành rà soát, báo cáo UBND TP.HCM về phương án sử dụng đất, thủ tục giao cho thuê đất phù hợp với quy định pháp luật về đất đai”.
Với ý kiến tham mưu của các sở, ngành đã đề cập ở trên, Trường cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn cho rằng, “Nhà trường đã hoàn tất thủ tục giao đất và đang tiến hành đền bù cho dân để được giao và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trường là chủ đầu tư duy nhất của Dự án, nên không phải xem xét chủ đầu tư”.
Từ đó, Trường cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Ban Quản lý Khu đô thị Tây Bắc không phải xác nhận lại chủ đầu tư và xin hỗ trợ việc đền bù, giao đất để Trường hoàn tất thủ tục, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định, đảm bảo điều kiện nâng cấp thành trường đại học trước ngày 7/6/2020.
Như vậy, có thể thấy, quan điểm của phía các cơ quan tham mưu (Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, Ban quan lý Khu đô thị Tây Bắc) và Trường cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn đang có sự khác biệt.
Vụ việc này đến nay vẫn chưa có quyết định cuối cùng, trong khi những người dân bị thu hồi đất để thực hiện Dự án Xây dựng Trường đại học Du lịch Sài Gòn phải chịu “treo ngược” quyền lợi 8 qua vẫn tiếp tục phải chờ đợi.
Theo phương án bồi thường cho 5 hộ dân bị thu hồi đất để thực hiện Dự án Xây dựng Trường đại học Du lịch Sài Gòn do Ban Bồi thường GPMB huyện Củ Chi tính toán, hộ gia đình ông Vương Duy Nhường được bồi thường 3,9 tỷ đồng; hộ gia đình ông Trần Thái Quốc được bồi thường 2,4 tỷ đồng; hộ gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Bích được bồi thường 3,7 tỷ đồng; hộ gia đình ông Võ Hồng Sơn được bồi thường 1,5 tỷ đồng và hộ gia đình bà Võ Thị Thanh Thúy được bồi thường 310,9 triệu đồng.