Dù áp dụng công nghệ hiện đại, quân đội Trung Quốc vẫn bị chê 'lỗi thời'

Tuy đã đạt được bước tiến lớn trong tự động hóa hệ thống vũ khí, song quân đội Trung Quốc vẫn phải nhận một số lời chê bai.

Quân đội Trung Quốc phải mất hai thập niên để tự động hóa hoàn toàn hệ thống vũ khí, chuyển đổi phần lớn các thao tác vận hành thủ công sang áp dụng công nghệ cao.

Dù áp dụng công nghệ hiện đại, quân đội Trung Quốc vẫn bị chê 'lỗi thời'. (Nguồn: SCMP)

Dù áp dụng công nghệ hiện đại, quân đội Trung Quốc vẫn bị chê 'lỗi thời'. (Nguồn: SCMP)

Thông qua việc tự động hóa tất cả hệ thống vũ khí, quân đội nước này đang theo đuổi mục tiêu từ “quân đội lớn nhất thế giới” trở thành "lực lượng chiến đấu nhanh nhẹn và có năng lực".

Theo các chuyên gia, trước đây cần đến khoảng chục binh sĩ để phóng 1 tên lửa, thì nay cần một nửa số đó cũng đủ để vận hành vũ khí hạng nặng.

Tuy nhiên, quân đội Trung Quốc thời gian qua vẫn hứng chịu một loạt chỉ trích dù đã đạt được nhiều thành tựu trong việc nâng cấp khí tài quân sự, chủ yếu là do quá trình đào tạo các binh sĩ không bắt kịp tiến độ phát triển của vũ khí.

‘Lỗi thời’ trong huấn luyện

Tờ PLA Daily trong tháng 4 đã đăng loạt bài “phê bình” một số sĩ quan chỉ huy không tận dụng được công nghệ hiện đại. Trong một số bài viết, hệ thống huấn luyện của lực lượng lục quân Trung Quốc được nhận định là ‘thiếu sót’, nhiều cuộc diễn tập nhìn ‘rất vất vả’, nhưng ‘sự thực là đã lỗi thời và kém hiệu quả’.

Các bài báo cho rằng một số chỉ huy quân sự không thực sự hiểu rõ về công nghệ cũng như ảnh hưởng của công nghệ trong hoạt động tác chiến thời hiện đại.

Zhang Xicheng, nhà nghiên cứu từ Học viện Quân sự Trung Quốc đã chia sẻ trong một bài viết ngày 26/4: “Mọi kẻ thù đều coi trọng và dựa vào công nghệ trong chiến tranh hiện đại. Sẽ khó đánh trúng mục tiêu nếu chúng ta không đột phá trong huấn luyện và cải tiến cách chiến đấu”.

Nhà nghiên cứu tại Viện quân sự Bắc Kinh Zhou Chenming cho biết, lực lượng lục quân đang phải đối mặt với áp lực khiến các đơn vị linh hoạt hơn khi thực hành với vũ khí mới có trọng lượng nhẹ, nhưng có tỷ lệ trúng đích cao hơn và cần ít người vận hành hơn.

Tên lửa DF-26 của Trung Quốc. (Nguồn: Military.com)

Tên lửa DF-26 của Trung Quốc. (Nguồn: Military.com)

Nhà nghiên cứu cho rằng cách huấn luyện của Trung Quốc là” tốn kém và lãng phí, không phù hợp với lý thuyết chiến tranh hiện đại và vi phạm mục tiêu cơ giới hóa”. Thay vào đó, cách để cắt giảm chi phí là thực hành trên các thiết bị mô phỏng chiến thuật.

Hướng phát triển trong tương lai

Bộ Quốc phòng Trung Quốc trong năm 2020 tuyên bố đã hoàn thành mục tiêu tự động hóa vũ khí. Đồng thời, Quân ủy Trung ương Trung Quốc đặt ‘tham vọng’ cho quân đội vào năm 2027 sẽ trở thành lực lượng hiện đại hóa hoàn toàn, trùng với dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập quân đội.

Chuyên gia quân sự Antony Wong Tong tại Macao nhận định, hệ thống vũ khí tự động hóa nằm trong kế hoạch chuyển hướng sang sự phối hợp tác chiến của quân đội Trung Quốc. Thay vì hoạt động riêng lẻ như trước đây, quân đội Trung Quốc yêu cầu các đơn vị hoạt động phối hợp, kết nối với nhau thông qua Lực lượng hỗ trợ Chiến lược (SSF).

Theo PLA Daily, một trong những hoạt động chính của SSF là tích hợp hệ thống chỉ huy của 10 đơn vị lục quân vào hệ thống cảnh báo sớm của không quân thuộc Bộ Chỉ huy chiến khu phía Tây. Chỉ huy đại đội lục quân Li Bolin cho biết việc tích hợp này không chỉ cho phép họ có tầm nhìn xa hơn mà còn hỗ trợ trong việc phát hiện và tấn công kẻ địch trước.

Chính vì vậy, Trung Quốc cần phải có hướng đào tạo binh sĩ một cách hiện đại hơn để đạt được mục tiêu này.

Ông Zhou Chenming nhận định: “Giống như các đồng nghiệp Mỹ, binh sĩ trẻ Trung Quốc thường thể hiện độ chính xác cao kể cả trong tập trận bắn đạn thật hay mô phỏng trên máy tính. Ngay cả khi họ chỉ bắn đạn thật một đến hai lần mỗi năm”. Do đó, các sĩ quan chỉ huy cần phải thay đổi tư duy để theo kịp thế hệ trẻ.

(theo SCMP)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/du-ap-dung-cong-nghe-hien-dai-quan-doi-trung-quoc-van-bi-che-loi-thoi-144299.html