Dự báo doanh nghiệp cao su thiên nhiên duy trì quỹ đạo tăng trưởng

Doanh nghiệp cao su thiên nhiên được cho là sẽ duy trì khả năng tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong năm 2025 nhờ vào giá bán tăng.

Đáng chú ý, thị trường tiêu thụ cao su nội địa cũng được hưởng lợi từ sự phát phát triển của ngành săm lốp.

Theo ông Lê Thanh Hưng Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã chứng khoán: GVR), năm 2025, dự kiến giá bán mủ sẽ đạt bình quân khoảng 40,8 triệu đồng/tấn, cao hơn 16,5% so với mức giá bán kế hoạch của năm 2024. Do đó, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đặt mục tiêu doanh thu 27.494 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 3.929 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính quý IV/2024, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đạt doanh thu thuần hơn 9.300 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023. Cao su tiếp tục là mảng kinh doanh chính, đem về doanh thu hơn 7.500 tỷ đồng.

Công nhân Công ty cổ phần một thành viên Cao su Tây Ninh thuộc VRG cạo lấy mủ cao su. Ảnh: Phương Vy/TTXVN.

Công nhân Công ty cổ phần một thành viên Cao su Tây Ninh thuộc VRG cạo lấy mủ cao su. Ảnh: Phương Vy/TTXVN.

Sau khi trừ đi các khoản chi phí phát sinh và thuế, doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế đạt 2.400 tỷ đồng, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm 2023.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho biết, lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng chủ yếu nhờ giá bán mủ cao su tăng và lợi nhuận nhận được từ các công ty thành viên cũng cao hơn so với cùng kỳ.

Như vậy, năm 2024, doanh thu của tập đoàn đạt 26.254 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế là 5.103 tỷ đồng, lần lượt tăng 19% và tăng hơn 51% so với năm 2023.

Tập đoàn lần lượt hoàn thành 105% mục tiêu doanh thu và 148% mục tiêu lợi nhuận năm đã đề ra. Đây là kết quả kinh doanh cao nhất kể từ năm 2012 đến nay của Tập đoàn.

Với Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (mã chứng khoán: DPR), năm 2024, doanh thu thuần đạt 1.224,5 tỷ đồng, tăng 17,6% so với năm 2023. Lợi nhuận trước thuế đạt 402,7 tỷ đồng, tăng 32%.

Quý IV/2024, Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh hưởng lợi lớn từ việc giá mủ cao su duy trì ở mức cao, không chỉ tại công ty mẹ mà cả công ty con Tây Ninh Siêm Riệp PTCS (Campuchia). Giá bán mủ bình quân đạt hơn 52 triệu đồng/tấn, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước, giúp lợi nhuận trước thuế quý IV/2024 đạt 128 tỷ đồng, tăng 154% so với cùng kỳ năm 2023.

Năm 2024, doanh nghiệp này đạt 753 tỷ đồng doanh thu và 221 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng tăng 34% và 228% so với năm 2023.

Năm 2024, Công ty cổ phần Cao su Bến Thành (mã chứng khoán BRC) ghi nhận doanh thu kỷ lục 419 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2023; lợi nhuận trước thuế đạt 27 tỷ đồng, tăng 12%.

Công ty cổ phần Cao su Bà Rịa (mã chứng khoán: BRR) có lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 151 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2023; Công ty cổ phần Cao su Thống Nhất (mã chứng khoán: TNC) đạt gần 47 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 27%).

Báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS) cho biết, nguồn cung cao su tự nhiên có khả năng tiếp tục khan hiếm trong những năm tới, giúp giá mủ duy trì xu hướng tăng.

Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) còn dự báo lợi nhuận sau thuế của ngành cao su tự nhiên có thể tăng gần 44% trong năm 2025.

Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) nhận định, năm 2025 hứa hẹn tiếp tục là một năm thành công với ngành cao su Việt Nam, dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành sẽ đạt 11 - 11,2 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2024; trong đó, cao su thiên nhiên dự kiến đạt 3,5 tỷ USD; sản phẩm cao su đạt khoảng 5 tỷ USD và gỗ cao su đạt khoảng 2,5 tỷ USD.

Hiệp hội Các nước Sản xuất Cao su Thiên nhiên (ANRPC), tình trạng thị trường toàn cầu thiếu hụt cao su thiên nhiên kiến sẽ kéo dài đến năm 2028 với mức thiếu hụt rơi vào khoảng 600 - 800.000 tấn/năm, trong bối cảnh diện tích trồng cao su tại nhiều quốc gia sản xuất lớn như Thái Lan, Indonesia… đang dần thu hẹp.

Đáng chú ý. Thái Lan - vốn chiếm 33% tổng sản lượng cao su toàn cầu - đã có kế hoạch cắt giảm diện tích đất trồng cao su trong 20 năm tới. Indonesia, quốc gia đứng thứ 2 về xuất khẩu cao su trên thế giới, cũng có xu hướng chuyển đổi đất trồng cao su sang trồng dầu cọ và các loại nông sản khác có giá trị kinh tế cao hơn.

Theo nhận định của Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS), giá bán cao su SVR10 (cao su kỹ thuật, được sản xuất dưới dạng cốm, được tạo từ mủ đông, mủ tạp) khả năng cao sẽ duy trì trên 1,8 USD/kg đến hết quý II/2025, từ đó tiếp tục tạo mức tăng trưởng về giá bán cho các doanh nghiệp cao su của Việt Nam.

Công nhân ông ty cổ phần Cao su Hòa Bình chế biến mủ cao su xuất khẩu. Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN

Công nhân ông ty cổ phần Cao su Hòa Bình chế biến mủ cao su xuất khẩu. Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN

PHS cũng cho rằng, nguồn cung cao su toàn cầu bị ảnh hưởng trong mùa khai thác cao điểm cuối 2024 và khó có thể cải thiện lập tức làm cho tình trạng thiếu hụt sẽ kéo dài đến mùa vụ khai thác mới từ tháng 6/2025 trở đi.

Công ty chứng khoán này cho biết, 3 nông trường cao su lớn là Thái Lan, Indonesia, Bờ Biển Ngà (đóng góp 61% nguồn cung cao su toàn cầu năm 2023) bị suy giảm sản lượng nghiêm trọng từ tháng 12/2024 – 1/2025 do thời tiết mưa bão lớn, dịch bệnh lá và giảm diện tích trồng.

Theo chu kỳ sinh trưởng tự nhiên, cây cao su thường được khai thác đến tháng 1 hàng năm, sau đó ngừng cạo mủ từ 4 - 5 tháng để thay lá trước khi vào vụ khai thác mới. Vì vậy sản lượng mủ chỉ có thể dần được bổ sung trở lại từ tháng 6/2025 trở đi.

Nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu cao su cũng đang duy trì ổn định. Ngành công nghiệp ô tô tại 3 thị trường lớn (Mỹ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc) tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng với cả lĩnh vực tiêu thụ, sản xuất xe ô tô và lĩnh vực săm lốp.

Thị trường ô tô toàn cầu dự báo tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025, theo S&P Global Mobility - hãng chuyên cung cấp dữ liệu ngành công nghiệp ôtô, doanh số bán xe dự kiến đạt 89,6 triệu xe, tăng 1,7% so với năm 2024, tương đương mức tăng trưởng năm 2024./.

Sự kiện căng thẳng thương mại về việc Mỹ áp thuế nhập khẩu 25% hàng hóa từ Canada, Mexico và tăng thêm 10% đối với hàng hóa từ Trung Quốc từ ngày 4/2/2025 dự kiến sẽ không gây gián đoạn đến nhu cầu tiêu thụ mà chỉ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng.

Cụ thể, hoạt động sản xuất săm lốp tại Trung Quốc vẫn có khả năng tăng trưởng, ít bị ảnh hưởng khi Mỹ không là thị trường xuất khẩu trọng yếu. Theo dữ liệu Trung tâm Thương mại quốc tế về sản lượng xuất khẩu lốp của Trung Quốc đến các thị trường toàn cầu, thị phần xuất khẩu đến thị trường Mỹ đã giảm mạnh từ 15% vào năm 2018 xuống chỉ còn 3.6% vào năm 2024.

Trong khi đó, thị trường quan trọng nhất của cao su Việt Nam chính là Trung Quốc. Trong năm 2024, xuất khẩu cao su sang Trung Quốc đạt gần 1,5 triệu tấn, trị giá 2,4 tỷ USD, giám 8,5% về lượng nhưng tăng gần 11% về trị giá so với năm 2023. Trung Quốc chiếm 72% về lượng và 71% kim ngạch xuất khẩu cao su năm 2024.

Thực tế cho thấy, nhờ môi trường kinh doanh thuận lợi, Việt Nam đang thu hút nhiều doanh nghiệp sản xuất lốp xe lớn trên thế giới. Điều này có tác động tích cực tới các doanh nghiệp cao su thiên nhiên.

Các nhà phân tích từ PHS cho biết, 2 tháng cuối năm 2024, tiếp tục có 2 dự án mở rộng lớn được thông báo với tổng công suất lốp xe tăng thêm 15 triệu lốp, tương ứng 39% sản lượng lốp ô tô sản xuất tại Việt Nam năm 2023.

Cụ thể vào tháng 12/2024, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Shandong Haohua Tire (đây là công ty lốp xe top 10 của Trung Quốc) đã khánh thành và đưa vào vận hành giai đoạn 1 của nhà máy tại tỉnh Bình Phước, với công suất 14,4 triệu lốp/năm, tổng vốn đầu tư 500 triệu USD.

Ngay trong lễ khánh thành, công ty tiếp tục đầu tư 280 triệu USD cho giai đoạn 2, mở rộng công suất 10 triệu lốp/năm. Khi hoàn thành 2 giai đoạn vào năm 2026, tổng công suất sản xuất sẽ đạt 24.4 triệu lốp/năm, tương đương 61% sản lượng lốp ô tô sản xuất tại Việt Nam năm 2023.

Kumho Tire (Hàn Quốc) cũng mở rộng tại tỉnh Bình Dương. Trong buổi làm việc với chính quyền tỉnh Bình Dương vào tháng 11/2024, đại diện Kumho Tire chia sẻ kế hoạch đầu tư thêm 300 triệu USD để mở rộng nhà máy giai đoạn 3, tăng công suất thêm 5 triệu lốp/năm, dự kiến vận hành từ 2026.

Với kế kế mở rộng này, tổng công suất nhà máy sẽ tăng từ 13 triệu lốp/ năm lên 18 triệu lốp/năm vào năm 2026.

Như vậy có thể thấy rằng, môi trường kinh doanh đang tạo ra lợi thế cho doanh nghiệp cao su thiên nhiên Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tích cực.

Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/du-bao-doanh-nghiep-cao-su-thien-nhien-duy-tri-quy-dao-tang-truong/363815.html