Dự báo đợt ô nhiễm không khí ở miền Bắc sẽ kéo dài đến đầu năm sau
Tình trạng ô nhiễm không khí đã quay trở lại Hà Nội làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân khi hàng loạt các điểm đo cảnh báo nguy hại.
Hà Nội tiếp tục ô nhiễm không khí
Nhiều ngày nay, ở Hà Nộ tình trạng ô nhiễm không khí vẫn kéo dài và chưa có dấu hiệu cải thiện. Trong những ngày đầu tháng 10, không khí đặc quánh, mù mịt là điều mà người dân có thể dễ dàng quan sát. Theo hệ thống quan trắc không khí, chất lượng không khí rất kém và có nguy hại cho sức khỏe của người già và trẻ nhỏ, người mắc bệnh hô hấp.
Sáng hôm nay (ngày 11/10), theo bảng xếp hạng của ứng dụng kiểm soát ô nhiễm không khí AirVisual, Hà Nội tiếp tục ô nhiễm không khí, trở thành thành phố ô nhiễm thứ hai thế giới với AQI ở mức 176.
Trên ứng dụng theo dõi chất lượng không khí theo thời gian thực PamAir, 11h30 sáng hôm nay, nhiều điểm ở Hà Nội ô nhiễm không khí đạt đến mức màu tím - mức nguy hại cho sức khỏe. Theo đó, tại điểm đo Cụm chung cư Văn phòng Quốc hội ở Nam Từ Liêm có chỉ số AQI lên đến 203. Phố Đội Cấn có mức độ ô nhiễm không khí rất cao khi AQI lên đến 22. Một số điểm ô nhiễm không khí nghiêm trọng khác như Kim Mã có AQI 184, phố Chùa Láng có AQI là 176, phố Nguyễn Chế Nghĩa có AQI là 153...
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bên cạnh không khí ẩm từ vịnh Bắc Bộ theo đới gió Đông Nam tràn vào, tình trạng mù mịt của Hà Nội sáng qua còn do bụi mịn gây ra. Nguyên nhân là do điều kiện thời tiết nghịch nhiệt khiến chất ô nhiễm không phát tán được mà dồn nén sát mặt đất, gây ra hiện tượng mưa phùn, sương mù và ô nhiễm không khí. Bên cạnh đó, tình trạng lặng gió cũng làm cho không khí ít bị xáo trộn, tập trung ở bề mặt.
Nguyên nhân ô nhiễm được cơ quan chức năng chỉ ra là do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết không thuận lợi, dẫn đến các chất ô nhiễm trong không khí hạn chế khuếch tán, đặc biệt là bụi PM10 và bụi mịn PM2.5. Thêm vào đó, trong nhiều năm, việc người dân đốt rác thải, đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp ngoài cánh đồng diễn ra rất phổ biến, thường xuyên mà chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu để ngăn chặn, làm tăng thêm tình trạng ô nhiễm không khí, khói mù cho khu vực đô thị, dân cư tập trung.
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đề nghị các Sở TN&MT khẩn trương chỉ đạo, tăng cường tần suất quan trắc, công bố kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí trên cổng thông tin điện tử và phương tiện truyền thông của tỉnh, thành phố, khuyến cáo người dân áp dụng ngay các giải pháp bảo vệ sức khỏe, đặc biệt với nhóm đối tượng có hoạt động ngoài trời vào 5h-7h sáng và 14h-19h tối.
Đồng thời yêu cầu các địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát các nguồn thải khí thải (nhất là các điểm đốt mở, đốt rác thải, đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp, công trình xây dựng, cơ sở sản xuất công nghiệp). Trong đó, yêu cầu các cơ sở sản xuất công nghiệp kiểm soát, bảo đảm xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, đặc biệt là các cơ sở có phát sinh nguồn bụi, khí thải lớn. Đôn đốc, giám sát các cơ sở sản xuất thuộc đối tượng phải lắp đặt quan trắc khí thải tự động và truyền dữ liệu về Sở TN&MT theo quy định.
Mùa ô nhiễm không khí sẽ kéo dài
Theo TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, qua theo dõi nhiều năm có thể thấy, cứ đến mùa đông chất lượng không khí tại Hà Nội sẽ kém đi. Vào mùa này, khói thải, bụi mịn khó thoát ra khỏi vùng khác mà bị đọng lại ở các vùng thấp. Trong khi đó, các nguồn ô nhiễm từ giao thông, xây dựng, vẫn không ngừng phát thải, do đó có thể đợt ô nhiễm không khí sẽ kéo dài cho đến đầu năm sau.
Theo các chuyên gia đánh giá, khí thải ô nhiễm môi trường ở đô thị có tới 70% bắt nguồn từ các phương tiện giao thông. Bên cạnh đó còn có cát bụi, đất đá tồn đọng trên đường do chuyên chở các vật liệu xây dựng, chở rác hay do chất lượng đất kém. Tiếng ồn cũng là dạng ô nhiễm phổ biến ở đô thị và các phương tiện giao thông, gây tác hại lớn đến toàn bộ cơ thể người nói chung và cơ quan thính giác nói riêng.
TS Hoàng Dương Tùng cho biết, mùa ô nhiễm không khí thường diễn ra từ tháng 10 đến hết tháng 3 năm sau. Ở những thời điểm không có mưa, trời lặng gió, bụi mịn PM2.5 sẽ khuếch tán mạnh.
TS Hoàng Dương Tùng cho hay, để cải thiện chất lượng không khí, ngoài kiểm soát nguồn thải, cần phải xử lý nghiêm các hành vi đốt rác, rơm rạ theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Thêm vào đó, các địa phương cần tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân xử lý phế phẩm sau thu hoạch, rác thải sinh hoạt và rác thải từ làng nghề phải đưa đến nơi xử lý. Tăng cường dọn dẹp vệ sinh, rửa đường, đặc biệt những khu vực có nhiều công trình xây dựng.
Chất lượng không khí xấu khiến cho người bệnh thấy khó thở, ho nhiều, kèm theo tức ngực và các dấu hiệu của đợt cấp sẽ xuất hiện. Chính vì vậy, trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm những người đã mắc bệnh về hô hấp không nên ra ngoài khi không có việc thật sự cần thiết. Bệnh nhân hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cần phải tuân thủ, duy trì thuốc hằng ngày theo chỉ định của bác sĩ. Khi có các dấu hiệu hoặc triệu chứng khó chịu, khó thở cần phải tăng liều thuốc giãn phế quản theo hướng dẫn của bác sĩ.