Dự báo đường đi của ATNĐ sắp thành bão đi vào Biển Đông: Tương tự bão Yagi
Áp thấp nhiệt đới Crising đã hình thành ở gần Philippines. Hiện tại, các mô hình lớn đều dự báo nó sẽ thành bão và di chuyển vào Biển Đông. Trong trường hợp đó, nước ta sẽ gọi đó là cơn bão số 3 của năm nay. Đáng chú ý là đường đi dự báo của nó rất giống với đường đi của bão Yagi - cơn bão số 3 của năm ngoái.
Liệu có sự trùng hợp nào về “bão số 3” không, khi mà áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) Crising đang ở gần Philippines được dự báo sẽ sớm mạnh lên thành bão và đi vào Biển Đông, với đường đi có thể rất giống một cơn bão số 3 khác - là bão Yagi (cơn bão số 3 năm 2024)?
Ở phía Đông của Philippines hiện đang có một ATNĐ, được cơ quan khí tượng Philippines (PAGASA) gọi là Crising. Các mô hình lớn nhất thế giới và Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia của nước ta đều nhận định, Crising có khả năng sớm mạnh lên thành bão và đi vào Biển Đông vào đêm 18/7 hoặc trong ngày 19/7.
Nếu/ khi Crising đi vào Biển Đông, ở nước ta sẽ gọi nó là cơn bão số 3 năm 2025, còn tên quốc tế của nó là bão Wipha.

Dự báo của JMA về đường đi của ATNĐ Crising (dự báo sẽ thành bão Wipha). Xin lưu ý là JMA mới đưa ra dự báo đến ngày 21/7 chứ không phải bão tan ngày 21/7. Ảnh: JMA.
Có một dự báo rất đáng chú ý về Crising, đó là dự báo của Trung tâm Dự báo thời tiết hạn vừa Châu Âu (ECMWF) - đây là mô hình đã được coi là chính xác nhất trong dự báo về những cơn bão ở Tây Bắc Thái Bình Dương từ đầu mùa bão năm nay. Theo ECMWF, Crising - rồi sẽ thành bão Wipha - di chuyển về cơ bản là theo hướng Tây, qua phía Nam Trung Quốc rồi hơi vòng xuống và đi vào miền Bắc nước ta vào ngày 22/7. Tức là, gần giống đường đi của bão Yagi năm ngoái.

Dự báo của ECMWF về đường đi của ATNĐ Crising (dự báo sẽ thành bão Wipha). Ảnh: Windy, ECMWF.

Đường đi của bão Yagi (cơn bão số 3 năm 2024). Ảnh: Zoom Earth, NASA.
Hiện tại rất khó có thể nói là dự báo của ECMWF có độ chắc chắn đến đâu, vì nhiều mô hình khác mới chỉ dự báo đến ngày 21/7. Tuy nhiên, trước thiên tai, không một ai, dù ở bất kỳ đâu, có thể chủ quan.
Người dân cần lưu ý theo dõi các cập nhật về ATNĐ Crising và thực hiện hướng dẫn của các cơ quan chức năng địa phương (nếu có) để phòng chống thiên tai hiệu quả.