Dự báo năm 2050 đồng bằng sông Cửu Long sẽ mất tới 1 triệu ha đất nông nghiệp

Chia sẻ tại hội thảo 'Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp thông qua cơ chế thị trường', sáng ngày 17/9, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, ngành nông nghiệp đang đối mặt với các thách thức lớn. Dự báo đồng bằng sông Cửu Long sẽ mất từ 500.000 đến 1 triệu ha đất nông nghiệp vào năm 2050.

Phát triển nông nghiệp xanh, hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, nền nông nghiệp hiện đóng góp khoảng 12% GDP của Việt Nam, cung cấp sinh kế cho khoảng 30% lực lượng lao động.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp đang đối mặt với các thách thức lớn như biến đổi khí hậu, với dự báo khu vực đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa lớn nhất cả nước - sẽ mất từ 500.000 đến 1 triệu ha đất nông nghiệp vào năm 2050 do nước biển dâng, gây thiệt hại hàng năm lên tới 3% GDP.

Vì vậy, nông nghiệp xanh đang nổi lên như một giải pháp tất yếu cho sự phát triển bền vững tại Đông Nam Á. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, khu vực này đang phải đối mặt với những thách thức về môi trường và biến đổi khí hậu, đòi hỏi sự chuyển đổi mạnh mẽ trong ngành nông nghiệp.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại hội thảo.

Việt Nam với lợi thế là quốc gia nông nghiệp có tiềm năng lớn để phát triển nông nghiệp xanh. Sự đầu tư vào công nghệ, cùng với lực lượng lao động trẻ và chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam thực hiện thành công chuyển đổi xanh trong nông nghiệp.

“Để khai thác hết tiềm năng này, Việt Nam cần vượt qua một số rào cản. Một trong những thách thức lớn chính là nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao của ngành nông nghiệp vẫn còn hạn chế, tồn tại vấn đề thiếu chuyên gia, đội ngũ có thể làm chủ công nghệ, kỹ thuật cao”, bà Ngọc nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ lao động nông thôn chưa qua đào tạo vẫn lớn. Những người nông dân cần được đào tạo bài bản về các phương pháp canh tác tiên tiến, quản lý đất đai bền vững và sử dụng hiệu quả tài nguyên.

Các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp xanh gặp khó khăn trong việc kết nối với các chuyên gia, tiếp cận thị trường và mở rộng quy mô sản xuất. Thiếu hụt cơ sở hạ tầng và nguồn lực cũng là một rào cản lớn cần được giải quyết để thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp này.

Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Hội Trí thức và Chuyên gia Việt Úc (VASEA) ký biên bản ghi nhớ hợp tác.

Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Hội Trí thức và Chuyên gia Việt Úc (VASEA) ký biên bản ghi nhớ hợp tác.

Trong khuôn khổ hội thảo, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Hội Trí thức và Chuyên gia Việt Úc (VASEA) đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác, hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp tại Việt Nam một cách hiệu quả. Đồng thời, tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, thách thức về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao của ngành nông nghiệp.

Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và VASEA kỳ vọng, hợp tác này có thể hỗ trợ, tạo động lực thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp xanh, nhất là trong việc kết nối với các chuyên gia, tiếp cận thị trường và mở rộng quy mô sản xuất. Đồng hành, tìm hướng giải quyết thiếu hụt cơ sở hạ tầng và nguồn lực để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp.

Hà Anh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/chinh-sach/du-bao-nam-2050-dong-bang-song-cuu-long-se-mat-toi-1-trieu-ha-dat-nong-nghiep/20240917121046136