Dự báo phải kịp thời, chính xác để giảm thiệt hại
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những năm gần đây thiên tai diễn ra ngày càng bất thường, khốc liệt và không theo quy luật. Ðể chủ động phòng, chống hiệu quả, việc dự báo từ sớm, từ xa các hình thái của thiên tai có ý nghĩa rất quan trọng để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Cà Mau là tỉnh chịu nhiều tác động của các loại hình thiên tai như: dông lốc, mưa lớn, triều cường, sạt lở đất ven sông, ven biển... gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất của người dân, nhất là đối với các địa phương ven biển. Vì vậy, công tác dự báo thiên tai đối với địa phương càng mang tính quan trọng. Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, từ công tác dự báo đúng tình hình, tỉnh chủ động được từ sớm, từ xa, công tác chỉ đạo nhanh, kịp thời. Ðặc biệt, các cấp, các ngành và người dân đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm, cách làm sáng tạo trong công tác ứng phó, phòng, chống thiên tai, từ đó góp phần giảm thiểu đáng kể thiệt hại.
Mùa khô năm 2023-2024, được các cơ quan dự báo khí tượng thủy văn đánh giá là đợt hạn hán tương đối khốc liệt, với nền nhiệt độ cao, nắng nóng kéo dài, ít xảy ra mưa trái mùa, diễn ra đúng quy luật cách nhau 4 năm và ở mức độ gay gắt tương đương các đợt hạn hán trước đây: 2015-2016, 2019-2020.
Theo thống kê, trong mùa khô 2015-2016, có gần 53.000 ha lúa, 158.000 ha nuôi thủy sản, 1.500 ha cây ăn trái và cây trồng khác bị thiệt hại; sụt lún, sạt lở đất, hư hỏng 112 km đường giao thông; hơn 12.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Tỉnh đã công bố thiên tai mức độ 1 trên lúa và mức độ 2 trên tôm nuôi; ước thiệt hại trên 1.400 tỷ đồng. Ðối với mùa khô 2019-2020, có trên 20.500 ha lúa, trên 16.500 ha nuôi thủy sản, trên 11.500 con gia súc bị thiệt hại; gần 21.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt; xảy ra trên 1.350 điểm sụt lún với tổng chiều dài hơn 43 km. Tỉnh đã công bố tình huống khẩn cấp hạn hán cấp độ 2 tại vùng ngọt hóa thuộc địa bàn huyện U Minh và Trần Văn Thời; ước thiệt hại khoảng 800 tỷ đồng.
Từ những con số trên cho thấy, dù tình hình hạn hán qua các năm có mức độ gay gắt tương đương nhau, nhưng thiệt hại giảm dần qua từng đợt (từ 1.400 tỷ đồng mùa khô 2015-2016, xuống còn 800 tỷ đồng mùa khô 2019-2020 và tiếp tục xuống còn 28 tỷ đồng ở mùa khô 2023-2024). Có được kết quả tích cực này là nhờ sự dự báo, chủ động từ sớm, từ xa với độ chính xác khá cao, giúp các địa phương đưa ra giải pháp ứng phó sát thực tế, từ đó giảm thiệt hại do thiên tai đến mức thấp nhất.
Theo nhận định, tình hình thiên tai và dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ tháng 7 đến tháng 9/2024, hiện tượng ENSO (chỉ cả 2 hai hiện tượng El Nino và La Nina và có liên quan với dao động của khí áp giữa 2 bờ phía Ðông Thái Bình Dương với phía Tây Thái Bình Dương - Ðông Ấn Ðộ Dương) có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina. Số lượng các cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Ðông xấp xỉ trung bình nhiều năm, khoảng 11-13 cơn, trong đó có 5-7 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền của nước ta, tập trung nhiều vào nửa cuối mùa mưa bão.
Xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời là địa phương ven biển, thường xuyên hứng chịu các loại hình thiên tai, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất của người dân. Ông Trần Văn Dũng, người dân ấp Kinh Hòn, cho rằng: “Các thông tin dự báo, cảnh báo về thời tiết được cung cấp kịp thời, giúp người dân chủ động ứng phó với thời tiết nguy hiểm, từ đó biết cách phòng chống hiệu quả, bảo vệ tính mạng và tài sản cho gia đình, góp phần làm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất do ảnh hưởng thiên tai”.
Ông Dũng đánh giá, các bản tin dự báo thời tiết không chỉ dừng lại ở những con số nhiệt độ, lượng mưa trung bình mà còn có thể cung cấp số giờ nắng, độ ẩm, nhiệt độ, lượng mưa chi tiết theo từng vùng, từng khu vực; xa hơn là các dự báo, cảnh báo về thời tiết bất lợi đề phòng sâu bệnh trên cây trồng, vật nuôi và dự báo năng suất cây trồng theo điều kiện thời tiết.
Có thâm niên hơn 20 năm làm nghề khai thác thủy sản trên biển, ông Bùi Vũ Phong, xã Khánh Hội, huyện U Minh, chia sẻ: “Những thông tin về dự báo thời tiết được dự báo từ xa, từ sớm, rất hữu ích cho ngư dân trong việc quyết định vươn khơi, đặc biệt là khi gặp dông bão, giúp ngư dân biết hướng phòng tránh an toàn”.
Ðể làm tốt hơn nữa công tác thông tin, dự báo, cảnh báo thiên tai, tại hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2023 và triển khai công tác này năm 2024 vừa qua, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chỉ đạo, công tác dự báo phải kịp thời, chính xác, chủ động từ xa, từ sớm, để giảm thiệt hại đến mức thấp nhất. Ðặc biệt, kiện toàn tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự các bộ, các cấp ở địa phương theo Luật Phòng thủ dân sự, đảm bảo hoạt động liên tục, hiệu quả; tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý để triển khai các mặt công tác phòng, chống thiên tai hiệu quả.
Phó thủ tướng giao Bộ Quốc phòng sớm phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng nghị định hướng dẫn thi hành Luật Phòng thủ dân sự. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác PCTT&TKCN, trong đó chú trọng phát huy hiệu quả các trang mạng xã hội. Các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra; rà soát, tính toán lại các phương án PCTT&TKCN, nhằm nâng cao chất lượng công tác dự báo thiên tai cũng như năng lực điều hành công tác PCTT&TKCN các cấp; huy động nguồn lực đầu tư và các nguồn lực khác cho công tác này.
Phó thủ tướng cũng mong muốn, các tổ chức quốc tế tiếp tục quan tâm hỗ trợ, đồng hành cùng Việt Nam trong công tác PCTT&TKCN, nhất là trong công tác dự báo khí tượng, thủy văn và hỗ trợ đầu tư trang thiết bị, phương tiện, hạ tầng nâng cao năng lực PCTT&TKCN cho Việt Nam./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/du-bao-phai-kip-thoi-chinh-xac-de-giam-thiet-hai-a32580.html