Dự báo quý III/2024, doanh nghiệp tư nhân trong nước đứng cuối danh sách về độ lạc quan
Khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước đứng cuối danh sách về độ lạc quan khi nhìn nhận tình hình kinh doanh quý III/2024, so với khu vực FDI và doanh ngiệp nhà nước.
Dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý III dễ thở hơn
Thông tin từ khảo sát của Tổng cục Thống kê, 40,7% doanh nghiệp dự báo hoạt động sản xuất kinh doanh quý III sẽ tốt hơn quý II; 17,1% lo khó khăn hơn.
Tuy nhiên, tỷ lệ này không đồng đều giữa các khu vực doanh nghiệp. Khu vực doanh nghiệp nhà nước lạc quan hơn cả, với 43% doanh nghiệp nhìn thấy tình hình tốt hơn. Khu vực FDI đứng thứ hai, với 42,6% cùng quan điểm.
Trong khi đó, chỉ có 39,6% doanh nghiệp tư nhân trong nước cho rằng, quý III dễ thở hơn quý II/2024. Tỷ lệ doanh nghiệp thấy khó khăn ở nhóm doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng cao nhất, là 17,3% so với 16,4% của khu vực doanh nghiệp nhà nước và 16,8% của khu vực doanh nghiệp FDI.
Đây là kết quả Điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh hằng quý do Tổng cục Thống kê thực hiện, với sự tham gia của 6.114 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và 6.056 doanh nghiệp ngành xây dựng. Các doanh nghiệp này do Tổng cục Thống kê chọn mẫu.
Lãi suất tiếp tục làm đau đầu doanh nghiệp
Dù không phải là khó khăn đầu bảng, nhưng “lãi suất vay vốn cao” lại làm khó thêm nhiều doanh nghiệp hơn so với quý trước.
Cụ thể, trong khảo sát quý II/2024, có 22,3% doanh nghiệp thấy khó khăn, tăng 3,9 điểm phần trăm so với quý I/2024. Để giảm áp lực chi phí đầu vào tăng cao cho doanh nghiệp, 50,1% doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất cho vay để doanh nghiệp có nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh.
28,2% doanh nghiệp kiến nghị các ngân hàng tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục và điều kiện vay vốn để doanh nghiệp nhanh chóng có nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh.
Tính tổng thể, hai khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là “nhu cầu thị trường trong nước thấp” và “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao” với tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn lần lượt là 53,4% và 50,4%.
Đây là lý do 28,9% doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước cần tiếp tục có các biện pháp kích cầu trong nước hiệu quả, tăng cường tuyên truyền để “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Ngoài ra, 26,1% doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ,bộ, ngành, địa phương cần tăng cường xúc tiến thương mại, tìm thị trường mới, đối tác mới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tăng lượng tiêu thụ hàng hóa ở các thị trường trong và ngoài nước.
Doanh nghiệp dệt may, da giày lại có nỗi lo riêng, khi có tới 57,7% doanh nghiệp sản xuất trang phục; 55,8% doanh nghiệp sản xuất da và các sản phẩm có liên quan và 47,1% doanh nghiệp dệt gặp khó khăn do nhu cầu thị trường quốc tế thấp.
Bên cạnh đó, có 54,7% doanh nghiệp sản xuất trang phục, 36,5% doanh nghiệp sản xuất da và các sản phẩm có liên quan và 24,1% doanh nghiệp dệt gặp khó khăn do không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu.
Các doanh nghiệp dệt may, da giày có lẽ chiếm phần lớn trong số 18,6% doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, nâng cao tay nghề người lao động để đáp ứng các yêu cầu trong sản xuất.
Bên cạnh đó, 24,5% doanh nghiệp kiến nghị cần tiếp tục cải thiện chất lượng dịch vụ logistic; 23,4% doanh nghiệp kiến nghị giảm tiền thuê đất cho sản xuất kinh doanh; 22,4% doanh nghiệp kiến nghị phải đảm bảo nguồn điện ổn định cho sản xuất.
Về thủ tục hành chính, có 31,5% doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan Nhà nước cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để thời gian chờ đợi và thực hiện các thủ tục hành chính của doanh nghiệp được rút ngắn đến mức tối đa.