Dự báo sản lượng hành khách tăng trưởng bền bỉ trong 2025, tiềm năng nào cho cổ phiếu hàng không?
Bước sang năm 2025, VDSC kỳ vọng sản lượng hành khách nội địa và quốc tế sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng dương, tạo động lực cho ngành hàng không. Riêng với khách quốc tế, xu hướng du lịch của người dân Hàn Quốc và Trung Quốc được kỳ vọng sẽ là yếu tố dẫn dắt lưu lượng khách quốc tế đến Việt Nam...
2024 được đánh giá là năm phục hồi mạnh mẽ của ngành hàng không sau giai đoạn 2020-2023 chịu tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19 và lạm phát leo thang trên toàn cầu. Trong báo cáo ngành mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá nhu cầu lữ hành qua đường hàng không đã tìm lại được quỹ đạo tăng trưởng như thời kỳ trước dịch, bất chấp giới hạn về cung tải. Sản lượng hàng hóa vận chuyển qua đường hàng không cũng có diễn biến tích cực nhờ nhu cầu hồi phục từ mức nền thấp của 2023 và sự dịch chuyển từ đường biển qua đường hàng không trong bối cảnh giá cước vận tải biển tăng cao.
“Sản lượng tăng trưởng mạnh mẽ đã tô điểm “những nét tươi sáng” cho bức tranh tài chính của các doanh nghiệp hàng không như ACV (cảng hàng không), HVN, VJC (vận tải hàng không), SCS (cảng hàng hóa) trong năm 2024”, báo cáo của VDSC nhận định.
Nhìn lại bức tranh vận tải hàng không 2024, lũy kế 11 tháng năm qua, sản lượng hành khách nội địa qua đường hàng không ước đạt 63 triệu lượt, giảm 16% so với cùng kỳ 2023. Các chuyên gia VDSC chỉ ra rằng sự sụt giảm diễn ra phần lớn trong 6 tháng đầu năm do các hãng hàng không gặp khó khăn về đội tàu bay nên phải điều chỉnh giảm cung ứng trên các đường bay nội địa. Cụ thể là Bamboo Airways, Pacific Airlines thực hiện quá trình tái cơ cấu lại đội tàu/tuyến/tần suất bay do gặp khó khăn về vấn đề tài chính.
VDSC kỳ vọng sản lượng hành khách nội địa sẽ tăng trưởng dương một chữ số trong năm 2025, khi có dấu hiệu thu hẹp đà giảm so với cùng kỳ trong những tháng cuối năm 2024. Nhờ các hãng hàng không bổ sung trở lại đội tàu bay để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán nên nguồn cung được gia tăng. Vietnam Airlines và Vietjet Air nhận thêm 6 máy bay mới, đồng thời thuê ướt (thuê ngắn hạn) 6 – 10 máy bay. Tương tự, Bamboo Airways đã thuê thêm một chiếc Airbus A320, nâng tổng số máy bay lên 8 chiếc.
Cùng đó, ước tính Việt Nam đón tổng cộng 15,8 triệu khách quốc tế qua đường hàng không trong 11 tháng năm 2024, tăng 36% cùng kỳ. Đáng chú ý, hai quốc gia Hàn Quốc và Trung Quốc chiếm tỷ trọng gần 50% tổng lượt khách quốc tế đến với Việt Nam.
Dự báo cho 2025, VDSC kỳ vọng xu hướng du lịch của người dân Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ là yếu tố dẫn dắt lưu lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Theo đó, các chuyên gia cho rằng sản lượng du khách Hàn Quốc sẽ tiếp tục tăng trưởng dương trong năm 2025 khi mà Việt Nam vững vàng là điểm đến ưa thích của nhóm khách này nhờ một số yếu tố như chi tiêu của du khách cho mỗi chuyến đi thấp hơn so với trước dịch do ảnh hưởng của lạm phát leo cao nên sẽ phù hợp với chi phí du lịch giá rẻ tại nước ta, cùng đó là chính sách miễn Visa đối với khách Hàn Quốc.
Trong khi đó, về vận tải hàng hóa qua đường hàng không, ước lũy kế 11 tháng 2024, tổng sản lượng xuất nhập khẩu đạt 982 triệu tấn (+20% svck). Trong khi đó, ước tính kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 197 tỷ USD (+12% svck). Nhóm hàng dệt may, giày dép, vải có giá trị thấp nhưng khối lượng lớn, đây là có xu hướng được vận chuyển nhiều hơn bằng đường hàng không trong giai đoạn giá cước vận tải biển tăng cao, dẫn đến tăng trưởng sản lượng nhanh hơn giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu.
Bước sang 2025, các chuyên gia dự báo nhu cầu tiêu dùng tại hai thị trường chính là Mỹ và Châu Âu sẽ được cải thiện, nhất là vào nửa cuối năm khi chính sách tiền tệ nới lỏng dần thẩm thấu vào nền kinh tế sẽ tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng cho sản lượng hàng hóa XNK. Tuy nhiên, việc giá cước vận tải biển dự kiến sẽ giảm làm giảm nhu cầu vận chuyển qua đường hàng không.
Nhìn chung, các chuyên gia dự báo trong năm 2025, sản lượng hành khách quốc tế và hàng hóa XNK vẫn sẽ tăng trưởng bền bỉ nhờ nhu cầu du lịch, tiêu dùng tiếp tục cải thiện nhưng có khả năng mức tăng chậm lại về mức bình thường hóa do không còn hiệu ứng nền thấp.
Đáng chú ý, 2025 cũng là năm chuẩn bị cho dự án trọng điểm là Sân bay quốc tế Long Thành dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2026.
VDSC đánh giá sau khi hoàn thành ba dự án trọng điểm (Sân bay Long Thành, Mở rộng nhà ga T2 - Nội Bà và Nhà ga T3 – Tân Sơn Nhất ), công suất ước tăng thêm 48 triệu lượt/năm, nâng tổng công suất lên hơn 150 triệu lượt/năm và tương ứng mức tăng 42%, giảm tình trạng quá tải diễn ra từ lâu tại Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Gia tăng công suất khai thác sẽ giúp giải quyết vấn đề quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất. Theo đó, cơ hội tăng trưởng sẽ mở ra đối với các doanh nghiệp được tín nhiệm để vận hành dịch vụ phi hàng không tại Sân bay Long Thành.
Từ những phân tích trên, VDSC đánh giá tích cực đối với triển vọng của ngành hàng không cho năm 2025 nhưng đồng thời lưu ý rằng những tiềm năng đó đã được phản ánh tương đối đầy đủ vào giá của cổ phiếu như ACV, GMT, và SCS.