Dự báo thị trường khó khăn, Gỗ Trường Thành lên kế hoạch lãi năm 2023 tăng 14,86 lần
Sau một năm không hoàn thành kế hoạch, CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (mã TTF - sàn HoSE) tiếp tục đặt kế hoạch kinh doanh tham vọng trong năm 2023.
Gỗ Trường Thành vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, đại hội dự kiến tổ chức ngày 26/4 tại Bình Dương.
Trong năm 2023, Gỗ Trường Thành đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 2.222 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 54 tỷ đồng, tăng 14,86 lần so với thực hiện trong năm 2022.
Được biết, trong năm 2022, Gỗ Trường Thành đặt kế hoạch tổng doanh thu 2.268,85 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 72,76 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết thúc năm 2022 với lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 1,23 tỷ đồng, Công ty đã không hoàn thành kế hoạch năm mà Đại hội đồng cổ đông giao Ban điều hành.
Thêm nữa, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Gỗ Trường Thành đã đưa ra kịch bản tươi sáng khi cho rằng, Công ty đã qua điểm hòa vốn, từ bây giờ là giai đoạn Gỗ Trường Thành tăng trưởng. Nếu không bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trong năm 2021 thì báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của Công ty đã đẹp hơn rất nhiều. Nhiệm kỳ 2022-2027 sẽ là nhiệm kỳ tăng tốc của Gỗ Trường Thành.
Về dự báo năm 2023, Gỗ Trường Thành cho biết sẽ là một năm tiếp tục khó khăn cho ngành chế biến gỗ nói chung và Công ty nói riêng, tình hình thiếu đơn hàng còn kéo dài. Mặc khác, do tình trạng thiếu đơn hàng kéo dài, nên các doanh nghiệp cạnh tranh về giá bán sản phẩm để lấy đơn hàng sản xuất bằng mọi giá, làm mặt bằng chung giá bán sản phẩm đầu ra càng thấp, sẽ gây khó cho Gỗ Trường Thành trong việc tìm kiếm đơn hàng sản xuất.
Quay lại nội dung các tờ trình, một nội dung đáng chú ý khác, CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành dự kiến đổi tên thành CTCP TTF.
Miễn nhiệm 2 thành viên HĐQT
Đặc biệt, Gỗ Trường Thành trình cổ đông đồng thời miễn nhiệm 2 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027 đối với ông Dương Quốc Nam và bà Trần Thị Hường do đã có đơn từ nhiệm.
Đồng thời giảm số thành viên HĐQT từ 7 xuống còn 5, Công ty không bầu bổ sung thành viên HĐQT thay thế.
Ở một diễn biến khác, ngày 3/4, Gỗ Trường Thành cho biết nhận được đơn xin từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022 2027 của bà Trần Thị Hường (sinh năm 1982).
Được biết, bà Trần Thị Hường mới được bổ nhiệm vào thành viên HĐQT Gỗ Trường Thành trong tháng 4/2022. Trong đó, theo giới thiệu, bà Trần Thị Hường cũng đang là Phó Chủ tịch HĐQT tại CTCP Đầu tư KSFinance.
Trước đó, ngày 28/2, Gỗ Trường Thành nhận được đơn từ nhiệm thành viên HĐQT độc lập của ông Dương Quốc Nam (sinh năm 1972) nhiệm kỳ 2022-2027 với lý do bận công việc cá nhân không sắp xếp được thời gian để đảm nhiệm công việc được phân công.
Được biết, ông Dương Quốc Nam có trình độ tiến sỹ quản trị kinh doanh, bắt đầu tham gia vào vào Gỗ Trường Thành từ tháng 4/2020. Thêm nữa, hiện tại ông Dương Quốc Nam còn đang là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc tại Hoàng Nam Group.
Theo tìm hiểu, Hoàng Nam Group được thành lập từ năm 2001, sở hữu thương hiệu nội thất Phố Xinh với 7 cửa hàng trên toàn quốc, tổng diện tích mặt bằng gần 200.000 m2; sở hữu nhà hàng Con Gà Trống với 3 chi nhánh đặt tại TP. HCM và một nhà hàng đặt tại Bình Dương.
Hoàng Nam Group đang cộng tác với các thương hiệu nội thất quốc tế lớn như Ashley (Mỹ), Roche Bobois (Pháp), Natuzzi Italia (Ý), Hilker (Đức). Trong đó, Natuzzi có thâm niên hơn 60 năm và công ty thành viên là Natuzzi Singapore đã được Gỗ Trường Thành mua lại 20% vốn điều lệ vào năm ngoái.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT chia sẻ Gỗ Trường Thành đang bắt tay với Phố Xinh để mở rộng các showroom lớn tại các tỉnh thành tại Việt Nam thông qua thương hiệu gỗ Casadora và tham gia vào phân khúc đồ gỗ cao cấp nội địa.
Như vậy, với việc Dương Quốc Nam chia tay Gỗ Trường Thành sau gần 3 năm tham gia, điều này có thể bỏ ngỏ khả năng hợp tác giữa hai bên.
Chuyển lãi sang lỗ sau kiểm toán BCTC năm 2022
Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam vừa thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2022 đối với CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành.
Sau kiểm toán, Gỗ Trường Thành ghi nhận doanh thu giảm 0,9% so với báo cáo tự lập, tương ứng giảm 17,26 tỷ đồng, về 2.001,28 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 7,25 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, chuyển từ lãi 6,02 tỷ đồng sang lỗ 1,23 tỷ đồng.
Trong đó, biến động mạnh sau kiểm toán chủ yếu phát sinh do khoản mục doanh thu tài chính giảm 41,7% so với báo cáo tự lập, tương ứng giảm 17,68 tỷ đồng, về 24,73 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 24,5% so với báo cáo tự lập, tương ứng giảm 24,43 tỷ đồng, về 75,22 tỷ đồng; lợi nhuận khác giảm 22% so với báo cáo tự lập, tương ứng giảm 5,23 tỷ đồng, về 18,57 tỷ đồng và các mục khác biến động không đáng kể sau kiểm toán.
Như vậy, sau kiểm toán năm 2022, Gỗ Trường Thành đã chuyển từ lãi sang lỗ.
Lũy kế trong năm 2022, Gỗ Trường Thành ghi nhận doanh thu đạt 2.001,28 tỷ đồng, tăng 24,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 1,23 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 2,51 tỷ đồng, tức giảm 3,74 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 17,1% về còn 15,4%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 11,9%, tương ứng tăng thêm 32,71 tỷ đồng, lên 307,59 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 58,9%, tương ứng giảm 35,4 tỷ đồng, về 24,73 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 15,8%, tương ứng tăng thêm 10,27 tỷ đồng, lên 75,22 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 16,3%, tương ứng giảm 22,77 tỷ đồng, về 117,14 tỷ đồng; lợi nhuận khác giảm 14,6%, tương ứng giảm 3,18 tỷ đồng, về 18,57 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Thêm nữa, tính tới cuối năm 2022, tổng lỗ lũy kế của Gỗ Trường Thành là 3.070 tỷ đồng, bằng 74,7% vốn điều lệ.
Một điểm đáng chú ý, sau báo cáo kiểm toán năm 2022, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) quyết định giữ nguyên diện cảnh báo với cổ phiếu TTF và tiếp tục đưa cổ phiếu vào danh sách cổ phiếu không được cấp margin do lỗ lũy kế tới 31/12/2022 lên tới 3.070,2 tỷ đồng.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/4, cổ phiếu TTF tăng 290 đồng lên 4.470 đồng/cổ phiếu.