Dự báo thị trường logistics tại Việt Nam trong nửa cuối năm 2025
Theo chuyên gia, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và FDI vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ gia tăng nếu mức thuế Việt Nam đạt được trong thỏa thuận với Hoa Kỳ thuận lợi hơn so với một số nước khác.

Các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp tham gia phiên thảo luận tại Diễn đàn. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)
Dự báo thị trường logistics tại Việt Nam trong nửa cuối năm 2025 tiếp tục tăng trưởng nhờ triển vọng chung từ quy mô thương mại và tiềm lực của các khu công nghiệp mới với quy mô lớn sau khi thực hiện sáp nhập các địa phương.
Đặc biệt, Chính phủ đang thúc đẩy mạnh mẽ tiến độ đầu tư công, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia để nâng cao hiệu quả dịch vụ logistics tại Việt Nam.
Đây là thông tin được nhiều chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn Logistics 2025 do Vụ Phát triển thị trường nước ngoài, Bộ Công Thương tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, chiều 25/7.
Theo các chuyên gia, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và FDI vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ gia tăng nếu mức thuế mà Việt Nam đạt được trong thỏa thuận với Hoa Kỳ thuận lợi hơn so với một số nước khác trong khu vực châu Á. Tuy nhiên, ngành logistics cũng đối mặt với thách thức về chi phí vận hành tăng do giá hàng hóa tăng chung và doanh nghiệp cần thời gian để làm quen với quy định pháp lý mới trong nước và quốc tế vừa đồng loạt được ban hành trong thời gian gần đây.
Cụ thể, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương Đinh Thị Bảo Linh chỉ ra rằng là một nền kinh tế có độ mở cao, hoạt động logistics tại Việt Nam có mối liên hệ rất chặt chẽ với môi trường bên ngoài.
Bên cạnh đó, quy mô hoạt động xuất nhập khẩu, dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng như một phần dự án đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài sẽ đòi hỏi ngành logistics có những giải pháp cho chuỗi cung ứng bền vững và ổn định.
Hơn thế nữa, trong bối cảnh thương mại-đầu tư toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp từ tháng 4/2025 đến nay, cộng đồng doanh nghiệp ngành logistics liên tục phải thay đổi, dự đoán, thích ứng và không ngừng nỗ lực nâng cao năng lực chống chịu, năng lực cạnh tranh để tồn tại trong một môi trường thay đổi nhanh chóng.
Song song với đó, mức thuế quan khác nhau mà Hoa Kỳ áp dụng với từng đối tác cũng đi kèm với yêu cầu tương ứng về xuất xứ hàng hóa để xác định rõ được mức thuế đã được áp đúng cho danh mục nhóm hàng từ các nước khác nhau.
Mặt khác, không gian mới sau sáp nhập các địa phương đòi hỏi chiến lược mới và rõ ràng trong khai thác hạ tầng, phân bổ trung tâm kho vận và xây dựng khả năng tích hợp vận tải-lưu trữ-phân phối. Vì vậy, bên cạnh nỗ lực chung của ngành công thương và lực lượng hải quan, việc kiểm soát tốt xuất xứ hàng hóa, hoạt động chuyển tải hợp pháp và minh bạch rất cần sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp vận tải, logistics của Việt Nam.
Có thể kể đến giải pháp điều chỉnh mô hình kinh doanh dịch vụ logistics như xây dựng trung tâm phân phối vệ tinh (mini-hub) tại những điểm trung chuyển chiến lược, gồm Dĩ An, Bình Dương (cũ); Nhơn Trạch, Đồng Nai, Phú Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu (cũ)… giúp rút ngắn thời gian giao hàng, giảm tải cho kho chính và tăng khả năng phục vụ đa điểm. Hay dịch chuyển một số cơ sở logistics lớn ra ngoài vùng lõi đô thị để giảm chi phí thuê mặt bằng, phù hợp với chiến lược phát triển logistics xanh, hướng đến vận hành tiết kiệm năng lượng và giảm khí thải.

Đại diện Bộ Công Thương cập nhật thông tin về thị trường logistics tại Việt Nam. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)
Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương Nguyễn Thảo Hiền cho biết ngoài phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất nhập khẩu, Bộ luôn quan tâm thúc đẩy hoạt động, dịch vụ logistics bởi đây là những lĩnh vực không thể tách rời nhau.
Với chủ đề "Giải pháp logistics cho chuỗi cung ứng bền vững, ổn định," Diễn đàn không nằm ngoài mục tiêu đồng hành cùng doanh nghiệp chuyển đổi số-xanh và đưa những yếu tố phát triển bền vững để duy trì thị phần, cũng như đa dạng thị trường.
Điển hình, bối cảnh logistics toàn cầu trong nửa cuối năm 2025 đang được định hình bởi một số xu hướng chính là số hóa, tự động hóa, thay đổi tuyến, luồng thương mại và logistics. Do đó, logistics toàn cầu đang đặt ra những yêu cầu mới như đảm bảo khả năng tuân thủ quy định, chính sách mới; chủ động, hợp tác, ứng dụng công nghệ, đổi mới quản trị để khắc phục những gián đoạn, sự cố, phục hồi; hướng đến phát triển bền vững…
Trước thực tế này, chuỗi cung ứng toàn cầu trong nửa cuối năm 2025 dự kiến sẽ tiếp tục phức tạp và gián đoạn, do bất ổn địa chính trị, thay đổi chính sách thương mại và sự tích hợp liên tục công nghệ mới.
Doanh nghiệp phải chủ động tối ưu hóa nguồn cung ứng, xây dựng quan hệ đối tác bền vững và tận dụng công nghệ để nâng cao khả năng chống chịu, ứng phó và phát triển như hệ thống quản lý vận tải (TMS - Transportation Management System), hệ thống quản lý kho (WMS - Warehouse Management System), hệ thống quản lý đội tàu (FMS - Fleet Management System) và công nghệ định tuyến bằng AI.
Ở góc độ hiệp hội, ông Juergen Weber, Chủ tịch Tiểu ban vận tải và hậu cần, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) khuyến nghị Việt Nam cần tăng tốc phát triển hạ tầng và hiện đại hóa ngành logistics thông qua cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho dự án logistics thu hút đầu tư theo đa dạng hình thức và nhận chuyển giao công nghệ. Cơ chế chính sách phát triển và quản lý ngành logistics cũng cần đảm bảo quy hoạch phát triển đồng đều trên cả nước hoặc những vùng trọng điểm tiềm năng, mới có thể khơi thông chuỗi cung ứng logistics.

Đại diện hiệp hội doanh nghiệp đề xuất giải pháp logistics tại Diễn đàn. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)
Ông Juergen Weber cũng cho rằng trong quá trình thu hút nhà đầu tư nên có cơ chế chính sách ưu tiên những công nghệ mới có khả năng thích ứng và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu để kéo giảm chi phí cho ngành logistics.
Một vấn đề quan trọng nữa là đào tạo nguồn nhân lực cho chuyên môn cho ngành logistics đáp ứng yêu cầu thích ứng nhanh chóng với hội nhập thương mại tự do, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và vận hành hệ thống logistics số-xanh.
Dựa trên kinh nghiệm 8 năm phát triển sâu rộng trong lĩnh vực logistics Trung Quốc-Việt Nam, ông Trương Tồn Vĩ, Tổng Giám đốc Công ty Việt Thông (Viet Nam Express) bày tỏ mong muốn hợp tác sâu rộng hơn với các doanh nghiệp logistics và hiệp hội ngành hàng Việt Nam trong tương lai.
Khi nguồn lực logistics của hai nước được hội nhập sâu rộng và mạng lưới vận tải đa phương thức thông suốt hơn thì tiềm năng thương mại Trung-Việt sẽ được mở rộng hơn nữa.
Thống kê 6 tháng đầu năm 2025, khối lượng vận chuyển hàng hóa của Việt Nam đạt 1.438,59 triệu tấn, tăng 14,28% so với cùng kỳ năm 2024.
Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước nhận định thúc đẩy vận tải đa phương thức, nhất là khai thác vận tải đường sắt khi Chính phủ đang có nhiều chính sách phát triển và kết nối con đường vận chuyển của Việt Nam, cùng với đó là những chương trình thúc đẩy cải thiện chuỗi cung ứng logistics Việt Nam, mang lại không ít cơ hội cho cả địa phương lẫn doanh nghiệp./.