Dự báo thời tiết Tết Giáp Thìn 2024: Ba miền diễn biến khác biệt
Dự báo thời tiết Tết Giáp Thìn 2024, Bắc Bộ rét nhưng ít khả năng xảy ra rét đậm rét hại, Trung Bộ mưa, Tây Nguyên và Nam Bộ nắng.
Chiều 26/1, tại Hà Nội, Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) tổ chức Hội thảo thông tin báo chí dự báo xu thế khí tượng thủy văn năm 2024; triển khai kế hoạch phối hợp thông tin giữa cơ quan Khí tượng thủy văn và các cơ quan báo chí.
* Dự báo chi tiết thời tiết Tết bắt đầu vào ngày 2/2
Nhận định xu thế thời tiết dịp Tết Giáp Thìn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho biết, giai đoạn trước Tết, từ 29/1-5/2/2024 (tức từ 19-26 tháng Chạp), nền nhiệt cả nước có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm; trong giai đoạn này chưa có đợt không khí lạnh mạnh nào tác động. Do vậy, khu vực Bắc Bộ đêm và sáng có sương mù, sương mù nhẹ, trưa chiều có thể hửng nắng, trời rét nhưng ít khả năng xảy ra rét đậm, rét hại.
Giai đoạn từ tuần gần và trong Tết, từ 6-12/2 (27 tháng Chạp đến mùng 3 Tết), nền nhiệt độ ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, có khả năng có không khí lạnh, nhưng ít khả năng có không khí lạnh mạnh như đã và đang xảy ra, gây rét hại ở Bắc Bộ và các tỉnh miền Trung. Vì vậy, khu vực Bắc Bộ có khả năng rét nhưng ít khả năng rét đậm, rét hại.
Khu vực Trung Bộ, trọng tâm là khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có mưa, ít khả năng xuất hiện mưa lớn. Khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến ít mưa, ngày nắng; miền Đông Nam Bộ có nắng nóng cục bộ.
Từ ngày 8-14/2/2024 (29 tháng Chạp năm Quý Mão đến ngày 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn), tại các tỉnh ven biển Nam Bộ chịu ảnh hưởng của một đợt triều cường cao, nguy cơ xảy ra ngập úng tại các vùng trũng, thấp, vùng ven sông và vùng ngoài đê bao.
Thông tin về kế hoạch dự báo thời tiết Tết, ngày 2/2/2024 (tức 23 tháng Chạp), Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia chính thức phát tin dự báo thời tiết Tết; cập nhật một lần/ngày vào buổi chiều.
*Nửa đầu năm 2024, nguy cơ thiếu nước ở các khu vực
Đánh giá về diễn biến thời tiết thời gian tới, ông Hoàng Phúc Lâm cho hay, từ 20/1, khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ bắt đầu chịu ảnh hưởng của khối không khí lạnh có cường độ mạnh nhất của mùa Đông 2023-2024. Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã xảy ra rét hại trên diện rộng (nhiệt độ trung bình ngày thấp dưới 13 độ C). Nhiều nơi ở vùng núi cao phía Bắc (Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh) đã xảy ra băng giá. Nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ ghi nhận được là tại Mẫu Sơn: -2,9°C vào đêm 23, rạng sáng 24/1/2024. Dự báo, đợt rét đậm, rét hại diện rộng hiện nay có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 28/1.
Sau đợt không khí lạnh mạnh cuối tháng 1/2024, dự báo không khí lạnh sẽ hoạt động yếu hơn so với trung bình nhiều năm nên khả năng xảy ra rét đậm, rét hại trong tháng 2-3 ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Tuy nhiên, người dân cần đề phòng các đợt không khí lạnh có cường độ mạnh, nhất là trong tháng 2, có thể gây rét đậm, rét hại trên diện rộng và nguy cơ xảy ra băng tuyết ở khu vực vùng núi cao Bắc Bộ. Ngoài ra, hiện tượng mưa nhỏ, mưa phùn ở khu vực Bắc Bộ trong mùa Đông Xuân 2023-2024 có khả năng xuất hiện nhiều hơn trung bình nhiều năm.
Theo dự báo, hiện tượng El Nino xuất hiện từ giữa năm 2023 và sẽ còn duy trì đến tháng 4/2024 với xác suất trên 90%, sau đó El Nino suy yếu và có khoảng 60% cơ hội chuyển sang pha trung tính trong giai đoạn từ tháng 5-7/2024 và khoảng 50-60%, khả năng chuyển sang La Nina vào cuối năm 2024.
Ông Hoàng Phúc Lâm lưu ý, với diễn biến như trên, năm 2024, bão, áp thấp nhiệt đới sẽ tập trung nhiều hơn vào nửa cuối mùa bão (khoảng tháng 9-11). Bão, áp thấp nhiệt đới hình thành trên biển Đông có thể sẽ nhiều hơn. Trong khi đó, nắng nóng tại khu vực Nam Bộ, khu vực Tây Bắc Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng đến sớm và xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm.
"Cảnh báo nửa đầu năm 2024, nguy cơ thiếu nước xảy ra ở khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ", ông Hoàng Phúc Lâm cho hay.
*Xâm nhập mặn cao hơn trung bình nhiều năm
Đối với tình hình xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Giám đốc Hoàng Phúc Lâm cho rằng, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm nhưng không khốc liệt như năm 2015-2016, 2019-2020. Các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 2-3/2024 (từ 8-13/2, từ 22-27/2, từ 18/3-25/3). Các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3-4/2024 (từ 8-13/3, từ 22-27/3, từ 7-12/4, từ 21-26/4).
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia sẽ phối hợp với các Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ phát hành các bản tin dự báo xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Căn cứ vào tình xâm nhập mặn tại địa phương, các Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, thành phố phát hành các bản tin dự báo mặn vào các ngày 10, 20 và ngày cuối tháng, thời gian phát hành bản tin từ tháng 1-5/2024.
Ngoài ra, để phục vụ Tỉnh ủy, cơ quan phòng, chống thiên tai địa phương, một số Đài Khí tượng thủy văn tỉnh đã và sẽ phát hành thêm 1 bản tin vào giữa tuần. Trong bản tin dự báo sẽ dự báo chi tiết độ mặn cao nhất đến các trạm quan trắc mặn trên địa bàn tỉnh; ranh mặn 1g/l, 4g/l trên các cửa sông trong tỉnh, khả năng ảnh hưởng của xâm nhập mặn sâu vào nội đồng các huyện, xã, ấp của địa phương.
*Đẩy mạnh chuyển đổi số đáp ứng thông tin thiên tai cộng đồng
Đề cập đến nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn nêu rõ, đơn vị đã phối hợp, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc liên tục theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thủy văn, hải văn trên phạm vi cả nước, đặc biệt là công tác theo dõi, cảnh báo, dự báo sớm các đợt thiên tai; cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin dự báo, cảnh báo cho Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành, địa phương; các cơ quan thông tấn, báo chí để truyền tải sớm nhất cho nhân dân, góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Cùng với đó, chỉ đạo các đơn vị liên quan theo dõi, truyền đầy đủ, kịp thời các loại số liệu đo đạc tự động (mưa, mực nước, các yếu tố khí tượng thủy văn khác) với số liệu vệ tinh, radar thời tiết; chú trọng vào việc ứng dụng ước lượng mưa lớn từ radar, vệ tinh phân giải cao, mạng lưới quan trắc mưa tự động để cảnh báo chi tiết, dự báo nguy cơ tác động của mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất đến từng khu vực nhỏ, huyện, xã, vùng trọng điểm có nguy cơ cao chi tiết đến các khu vực nhỏ, huyện, xã, vùng trọng điểm có nguy cơ cao.
Cùng với đó, Tổng cục sẽ tăng cường cảnh báo trực tuyến, đẩy mạnh chuyển đổi số để từng bước đáp ứng yêu cầu thông tin thiên tai đến cộng đồng, trong đó có trang thông tin cảnh báo nguy cơ sạt lở đất được cập nhật hàng giờ; đồng thời đưa vào thử nghiệm cảnh báo các điểm nguy cơ sạt lở thông qua ứng dụng trên điện thoại di động.
Tổng cục phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương trong việc rà soát các điểm xung yếu để tập trung theo dõi, cảnh báo, đặc biệt là các khu vực có ảnh hưởng đến dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng.
Năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng bắt đầu phối hợp với địa phương để triển khai “Đề án Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1262/QĐ-TTg ngày 27/10/2023. Đây là một đề án lớn thực hiện trong 5 năm tới với kỳ vọng sẽ giải quyết được các vấn đề liên quan đến thiên tai lũ quét, sạt lở đất.
Tại Hội thảo, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cũng đã giới thiệu và hướng dẫn khai thác thông tin cảnh báo trực tuyến mưa dông, sạt lở đất... cho các phóng viên nhằm làm rõ hơn những vấn đề liên quan đến công tác thông tin trong thời gian tới.