Dự báo thời tiết Tết Quý Mão 2023: Bắc Bộ trời rét, Trung Bộ, Tây Nguyên có mưa, Nam Bộ nắng ráo
Chiều 9/1, tại Hà Nội, Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức Hội thảo khai thác và sử dụng thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phục vụ cộng đồng.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Khí tượng thủy văn cho biết, các bản tin dự báo, cảnh báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia có nhiều đổi mới theo hướng nhanh, sát thực tế.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia tiếp tục mở rộng thời hạn dự báo thời tiết, cảnh báo sớm thiên tai tới 10 ngày; nội dung và hình thức bản tin tập trung cung cấp các thông tin dự báo ở quy mô nhỏ hơn (cấp huyện, cấp xã) và thời gian dài hơn. Các sản phẩm dự báo mùa cũng được mở rộng; hàng năm đã có bản tin nhận định thiên tai năm (ban hành 2 lần/năm).
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đối với bão, áp thấp nhiệt đới, Trung tâm đã nâng dự báo bão, áp thấp nhiệt đới lên 3 ngày, cảnh báo 5 ngày; dự báo, cảnh báo mưa lớn trước 2-3 ngày, cảnh báo dông sét trước từ 30 phút đến 2-3 giờ. Các đợt rét đậm, rét hại được cảnh báo trước 5-7 ngày, dự báo trước 2-3 ngày.
Không chỉ tăng hạn dự báo, thời điểm phát tin của Trung tâm cũng sớm hơn. Thời điểm ban hành các bản tin bão hiện nay sớm hơn trước đây từ 30 phút đến 1 giờ. Các bản tin thiên tai khác như nắng nóng, không khí lạnh, mưa lớn đều được ban hành sớm hơn 30 phút so với trước.
Đề cập đến thời tiết trước và trong Tết Quý Mão 2023, Trưởng phòng dự báo thời tiết Nguyễn Văn Hưởng cho biết, trước Tết, Bắc Bộ có khả năng xảy ra rét đậm, sau đó, trời vẫn ở duy trì ở ngưỡng rét, vùng núi có rét đậm. Nền nhiệt trên phạm vi toàn quốc phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Trong dịp Tết, mưa có khả năng xảy ra tại khu vực Trung và Nam Trung Bộ; Nam Bộ trời nắng ráo.
Cụ thể, tại Bắc Bộ, không khí lạnh có khả năng bổ sung từ ngày 15-18/1 (từ 24-27 tháng Chạp); thời tiết chủ đạo là nhiều mây, có khả năng xảy có mưa nhỏ, rét đậm ở vùng núi và trung du. Khu vực Trung và Nam Trung Bộ có mưa, mưa rào. Tây Nguyên, Nam Bộ có khả năng xảy ra mưa rào cục bộ vào chiều tối, ngày có nắng.
Từ ngày 19-24/1 (tức 28 Tết đến 3 Tết), miền Bắc chịu tác động của không khí lạnh, nền nhiệt độ ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm, trời rét, vùng núi có rét đậm, phía Đông Bắc Bộ có ngày có mưa nhỏ, mưa phùn. Khu vực Bắc Trung Bộ có mưa nhỏ vài nơi, trời rét. Trung và Nam Trung Bộ có mưa, mưa rào rải rác. Khu vực Tây Nguyên phổ biến ít mưa. Nam Bộ có khả năng xảy ra mưa rào cục bộ vào chiều tối, ngày có nắng.
Từ ngày 25-29/1 (tức 4-8 tháng Giêng), không khí lạnh có khả năng được tăng cường, Bắc Bộ có ngày có mưa nhỏ, trời rét, vùng núi rét đậm, có nơi rét hại. Khu vực miền Trung tiếp tục có mưa, mưa rào rải rác tại khu vực thuộc Trung và Nam Trung Bộ. Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến ít mưa, ngày nắng.
Thông tin về các hình thái thời tiết trong năm 2023, Trưởng phòng Nguyễn Văn Hưởng cho rằng, năm 2023, dự báo có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông, trong đó có 5-6 cơn ảnh hưởng đến đất liền. Các tháng đầu mùa, bão và áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng đến khu vực miền Bắc, từ khoảng tháng 9-11, bão và áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung.
Những tháng đầu năm, nền nhiệt độ có xu hướng xấp xỉ so với trung bình nhiều năm, các tháng nửa cuối năm nhiệt độ có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm.
Nắng nóng ở mức nhiều hơn và gay gắt hơn năm 2022. Các đợt nắng nóng chủ yếu tập trung từ tháng 4 đến tháng 8 tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ. Tổng lượng mưa ở mức thấp hơn đến tương đương trung bình nhiều năm. mưa lớn cục bộ vẫn xuất hiện nhiều trong các tháng mùa mưa.
Ông Hưởng lưu ý, thời tiết, khí hậu thường có những biến động mạnh nên các khu vực trên phạm vi toàn quốc cũng như khu vực Biển Đông cần đề phòng bão mạnh, hướng di chuyển phức tạp, mưa lớn cục bộ, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác, đặc biệt trong các tháng chuyển mùa và trong thời kỳ mùa mưa bão năm 2023.
Từ tháng 2-7/2023, nguồn nước trên các sông, suối của hệ thống sông Hồng-Thái Bình thiếu hụt từ 20-40%, thiếu hụt nhiều trên lưu vực sông Đà, sông Thao, hạ lưu sông Lô. Riêng hạ lưu sông Hồng, sông Thái Bình trong tháng 1-2 xấp xỉ trung bình nhiều năm từ 10-20% do các hồ thủy điện cấp nước tăng cường phục vụ đổ ải vụ Đông-Xuân. Đỉnh lũ trên các sông phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm, riêng các sông suối nhỏ lớn hơn trung bình nhiều năm.
Trong mùa khô năm 2023, lượng dòng chảy trên các sông ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên phổ biến thiếu hụt từ 20-40% so với trung bình nhiều năm, có sông thiếu hụt trên 50%; riêng một số sông ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi ở mức cao hơn trung bình nhiều năm.
Xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở mức tương đương trung bình nhiều năm (2012-2022) và không gay gắt như mùa khô năm 2019-2020, thấp hơn so với năm 2022. Các đợt xâm nhập cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng tháng 2-3/2023; các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3-4/2023. Các địa phương ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn.
Từ nửa cuối tháng 1-3/2023, khu vực ven biển Nam Bộ sẽ xuất hiện 5 đợt triều cường: Đợt 1 từ 21-26/1, đợt 2 từ 7-10/2, đợt 3 từ 19-24/2, đợt 4 từ 9- 11/3, đợt 5 từ 20-25/3. Độ cao mực nước tại trạm hải văn Vũng Tàu sẽ ở mức cao trên 4,1m.
Các đợt triều cường cuối năm 2023 (từ tháng 10-12/2023), mực nước trạm Vũng Tàu có khả năng ở trên 4,3m, nguy cơ cao gây ngập úng vùng trũng, thấp, khu vực ngoài đê bao các tỉnh ven biển Đông Nam Bộ (với xác suất trên 70%)./.