Dù bão tố qua đi…
'Có lý do để tin rằng: Khi đại dịch kết thúc, bất ổn có thể bùng phát trở lại ở những địa điểm mà nó đã từng xảy ra trước đây' - một nhóm các nhà nghiên cứu đã đưa ra lời cảnh báo ấy, trong một báo cáo gần đây của Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF). Vào thời điểm mà hiệu ứng từ những liều vắc-xin ngừa Covid-19 đã bắt đầu có những tác động tích cực đến các nền kinh tế phát triển, đó thật sự là một nhận xét đáng chú ý.
“Có lý do để tin rằng: Khi đại dịch kết thúc, bất ổn có thể bùng phát trở lại ở những địa điểm mà nó đã từng xảy ra trước đây” - một nhóm các nhà nghiên cứu đã đưa ra lời cảnh báo ấy, trong một báo cáo gần đây của Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF). Vào thời điểm mà hiệu ứng từ những liều vắc-xin ngừa Covid-19 đã bắt đầu có những tác động tích cực đến các nền kinh tế phát triển, đó thật sự là một nhận xét đáng chú ý.
Ngày 4-5, chính quyền đương kim Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn (Joe Biden) tuyên bố: Họ đặt mục tiêu sẽ tiêm được ít nhất một mũi vắc-xin ngừa Covid-19 cho 70% số công dân Mỹ trưởng thành, vào thời điểm được xác định là ngày Quốc khánh Mỹ 4-7. Thậm chí, ông chủ hiện tại của Nhà trắng còn hướng tới cái đích tham vọng gấp bội: Tiêm chủng xong hoàn toàn (hai mũi) cho khoảng 160 triệu người Mỹ trưởng thành, vào đúng thời điểm ấy.
Điều đó có nghĩa là trong 60 ngày tới, nước Mỹ phải tiêm thêm được khoảng 100 triệu liều vắc-xin. Đáp ứng nhu cầu đó (và cả những nhu cầu mỗi lúc một bức thiết từ các quốc gia khác), hai hãng dược phẩm hàng đầu thế giới BioNTech cùng Pfizer, từ tháng 3, đã nâng cấp chuỗi cung ứng, nhằm đáp ứng mục tiêu sản xuất 2,5 tỷ liều vắc-xin trong năm 2021.
Đến nay, liên doanh Pfizer và BioNTech đã bán được 1,4 tỷ liều, đạt doanh thu 3,5 tỷ USD trong quý I, và dự báo đạt doanh thu 26 tỷ USD. Trong khi đó, theo tờ The Economist, nhiều chuyên gia dự báo rằng nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng khoảng 7% trong năm 2021 này.
Mỹ chắc chắn không phải cường quốc kinh tế duy nhất hưởng lợi và “hồi sinh” nhanh chóng từ việc những liều vắc-xin ngừa Covid-19 được ào ạt đưa ra thị trường. Liên hiệp châu Âu (EU) hay Vương quốc Liên hiệp Anh cũng đã sẵn sàng cho một giai đoạn “bùng nổ” mới, với việc chuẩn bị xem xét cho phép nhập cảnh rộng rãi hơn, dựa trên cơ sở là “hộ chiếu vắc-xin”.
Và thật ra, trong lịch sử loài người, những giai đoạn kinh tế phát triển mạnh sau đại dịch lại không phải là điều xa lạ. Thí dụ, sau khi đại dịch tả chấm dứt năm 1830, nước Pháp theo chân nước Anh tiến vào kỷ nguyên công nghiệp cận đại.
Tựu trung, theo nghiên cứu của giới kinh tế - xã hội học quốc tế, việc tích lũy tiền tệ nhằm tránh rủi ro trong thời gian dài sẽ dẫn đến việc các nguồn đầu tư trở nên dồi dào, khi tình hình đã thuận lợi trở lại. Bên cạnh đó, đại dịch cũng thúc đẩy mạnh mẽ hơn xu hướng tự động hóa bằng các ứng dụng công nghệ trong sản xuất (bởi các hệ thống máy móc thì không bao giờ lây nhiễm virus). Hơn cả, so với dịch bệnh hay chết chóc, mọi ý tưởng hay hành động phiêu lưu cũng đều có vẻ bớt mạo hiểm.
Thế nhưng, viễn cảnh lạc quan ấy, thực tế, lại không dành cho tất cả mọi người. Không phải đất nước nào ở châu Mỹ cũng có thể mơ đến con số tăng trưởng của Mỹ hay Ca-na-đa (Canada), không phải quốc gia thành viên EU nào cũng có thể có tiềm năng hồi phục nhanh như Pháp hay Đức. Và ngay trong khối Thịnh vượng chung (Commonwealth of Nations) do nước Anh dẫn đầu, Ấn Độ - nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới, nhà cung cấp biệt dược lớn thứ ba thế giới, nơi sản xuất tới 60% lượng vắc-xin toàn cầu - vẫn còn chưa biết sẽ lún sâu tới đâu vào những hệ lụy ghê rợn của Covid-19, khi đường phố hằng ngày vẫn tràn ngập những gương mặt thẫn thờ trước các tấm biển “Hết vắc-xin”.
Theo một nghiên cứu, dịch Ebola trong giai đoạn 2013 - 2016 đã làm tăng 40% bạo lực dân sự ở khu vực Tây Phi. IMF, gần đây, cũng nghiên cứu về ảnh hưởng của năm đại dịch, trong đó bao gồm Ebola, SARS và Zika, tại 133 quốc gia kể từ năm 2001. Kết luận: Các đại dịch ấy dẫn đến sự gia tăng đáng kể tình trạng bất ổn xã hội.
Suốt chiều dài lịch sử nhân loại, bất bình đẳng (giữa các khu vực, các quốc gia, các tầng lớp trong cùng một xã hội…) đã luôn hiện hữu, và luôn được bộc lộ rõ nhất trong chiến tranh hay thảm họa, để sẵn sàng bùng phát thành bất ổn. Và éo le thay, hệ lụy ấy lại có thể nhanh chóng làm tổn thương các thành tựu kinh tế vừa manh nha được vãn hồi…
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/su-kien-binh-luan/du-bao-to-qua-di-645188/