Đủ cách người Việt học tiếng của người bản xứ

Nhiều người nghĩ rằng sống tại Mỹ nhưng vẫn trong cộng đồng người Việt Nam, đi đâu cũng gặp người Việt, từ đi ngân hàng, gặp bác sĩ, luật sư, cho đến mua sắm, ăn uống, thậm chí đi hãng hàng không của Việt Nam..., nói chung là không khác gì ở Việt Nam thì đâu cần học tiếng Anh làm gì.

Giới trẻ thường hòa nhập nhanh vào xã hội cho dù thời gian định cư chưa lâu. Nhưng với người có tuổi và ít có điều kiện học tiếng Anh từ trước thì khi định cư ở Mỹ, việc học tiếng bản xứ quả thật là vấn đề nan giải.

Thực tế, cộng đồng người Việt tại bang California rất đông đảo nên nhiều người nghĩ không cần phải biết tiếng Anh. Nếu xin vào công ty Mỹ làm việc thì cũng không tiếp xúc nhiều, chỉ cần làm theo đúng công việc của mình rồi về nhà, miễn sao đóng thuế đầy đủ.

Ông Đan Nguyễn, một người Việt ở Houston, bang Texas, cho biết, ông sang Mỹ ở lứa tuổi gần 50 cách đây 20 năm cùng 2 con nhỏ. Ông làm một lúc 2 công việc, từ 4 giờ sáng đến 10 giờ đêm, ròng rã gần 10 năm. Khi con tốt nghiệp thành tài thì ông đã ở tuổi ngoài 60, và ông vẫn không biết tiếng Anh. Đi đâu cần giao tiếp với người bản xứ thì ông dùng Google dịch trợ giúp, hay nhờ con cháu, người thân phiên dịch. Ông Đan Nguyễn nói: “Do vất vả mưu sinh nên tôi không có thời gian nghĩ đến việc học tiếng Anh”.

Ở một khía cạnh khác, do cách giảng dạy tiếng Anh tự phát trong cộng đồng người Việt nên nhiều người qua vài khóa học nhưng vẫn không thể nói chuyện bằng tiếng Anh, phần vì cách phát âm, phần do thiếu tự tin.

 Một lớp học tiếng Anh dành cho người gốc Việt ở Mỹ

Một lớp học tiếng Anh dành cho người gốc Việt ở Mỹ

Ông Anh Trần, năm nay gần 70 tuổi, sống ở Nam California, kể: “Tôi có học vài khóa tiếng Anh giao tiếp do người quen dạy nhưng không khá hơn gì, cũng thấy không có nhu cầu đến các lớp học chuyên sâu”. Nhiều người chọn cách tự học qua các nền tảng Internet như YouTube, phim, nhạc… như anh Huy Đặng, ở thành phố San Antonio, bang Texas.

“Lúc mới qua Mỹ, tôi không biết một chữ tiếng Anh nào hết nên đi làm bị người ta cười. Giận quá, tôi học tiếng Anh trên YouTube, vừa nghe vừa viết, bây giờ vốn tiếng Anh đủ xài”. Ngoài ra, nhiều người chọn sống xa khu người Việt để có cơ hội thực hành tiếng Anh.

Cũng có không ít người khi sang Mỹ định cư làm lao động phổ thông, ví dụ làm móng (nail), thường xuyên tiếp xúc khách hàng nên họ phải học giao tiếp tiếng Anh và đa số diễn đạt rất tốt.

Theo anh Don Trần, chủ một cơ sở làm móng ở Santa Ana, bang California, việc học ngoại ngữ của các nhân viên là tự nguyện, trình độ giao tiếp của mỗi người tùy vào năng khiếu và sự chịu khó học hỏi chứ không chỉ xét về trình độ học vấn. Chưa kể là riêng ở bang California, ngoài người Việt còn có rất đông cộng đồng người nói tiếng Hoa và Tây Ban Nha, nên việc sử dụng tiếng Anh theo phong cách của từng cộng đồng đôi khi gây khó khăn cho những người muốn học và giao tiếp tiếng Anh chuẩn.

Mặt khác, nhiều người nhập cư từ Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam... chịu học tiếng Anh, có trình độ chuyên môn sẽ kiếm được công việc tốt hơn, có thể mua nhà, xe mới, đời sống thuộc loại trung lưu khá. Vì vậy, anh cho rằng tiếng Anh quan trọng, nhưng có trình độ chuyên môn thì tốt hơn nữa.

Tin vui cho người Mỹ gốc Việt và là một thuận lợi không nhỏ cho những người biết ít hoặc không biết tiếng Anh là vào tháng 6 vừa qua, thành phố San Francisco, bang California đã đưa tiếng Việt vào danh sách ngôn ngữ chính thức, trong nỗ lực mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ công tới những người nói tiếng Việt.

Từ nay, tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức của thành phố này, cùng với tiếng Hoa, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Philippines. San Francisco ban hành quy định năm 2001, yêu cầu các sở phải dịch các dịch vụ công sang bất kỳ ngôn ngữ nào được sử dụng bởi ít nhất 10.000 người có vốn tiếng Anh hạn chế trong thành phố. San Francisco là một trong gần 20 thành phố (đa số thuộc bang California và Texas) có trên 10.000 người gốc Việt sinh sống.

PHẠM THƯ

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/du-cach-nguoi-viet-hoc-tieng-cua-nguoi-ban-xu-post752458.html