'Dư chấn' của chính sách lãi suất Mỹ đối với đồng nội tệ Malaysia
Đồng ringgit (RM) của Malaysia đã trải qua một năm khó khăn trên thị trường ngoại hối do nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu này phải đối mặt với 'dư chấn' của việc tăng lãi suất mạnh ở Mỹ.
Đồng ringgit (RM) của Malaysia đã trải qua một năm khó khăn trên thị trường ngoại hối do nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu này phải đối mặt với "dư chấn" của việc tăng lãi suất mạnh ở Mỹ và sự trở lại chậm hơn dự kiến của đối tác thương mại hàng đầu Trung Quốc sau một thời gian dài phải tự cách ly bởi đại dịch COVID-19.
Đồng RM có diễn biến tồi tệ nhất trong các đồng tiền ở khu vực Đông Nam Á kể từ đầu năm đến nay. Theo báo cáo của Reuters, đồng RM đã chạm mức thấp nhất trong bảy tháng qua vào ngày 30/6, khi giao dịch ở mức 4,672 RM đổi 1 USD. Sang đến tuần đầu tiên của tháng Bảy, đồng RM đã hồi phục nhẹ sau khi Ngân hàng trung ương Malaysia (BNM) cho hay sẽ can thiệp để hạn chế các chuyển động dòng tiền “quá mức”, đồng thời cho biết thêm rằng giá trị của đồng RM không phản ánh các nguyên tắc kinh tế cơ bản của đất nước.
Các chuyên gia cho rằng các nhà xuất khẩu và du lịch sẽ được hưởng lợi từ tình trạng đồng RM yếu, với các khách hàng nước ngoài và khách du lịch có xu hướng tận dụng đồng tiền mạnh hơn của họ. Trong khi đó, người dân địa phương phải cầm cự vì giá của mọi mặt hàng nhập khẩu đều tăng, từ bánh quy nhập khẩu cho đến mỹ phẩm và thậm chí cả gà tươi.
Chỉ còn vài tuần nữa là chính quyền của Thủ tướng Anwar Ibrahim phải đối mặt với thử thách thực sự đầu tiên trong các cuộc bầu cử cấp bang, sự suy yếu của đồng ringgit cũng có thể đặt ra một thách thức chính trị.
Tại sao đồng ringgit tăng giá?
Các chuyên gia cho rằng sự yếu kém của đồng RM bắt nguồn từ những áp lực nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ hoặc ngân hàng trung ương khi các nhà đầu tư tránh xa các thị trường mới nổi trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất và sự phục hồi chậm của Trung Quốc.
Nhu cầu từ Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia - đã giảm mạnh nhất trong 5 tháng đầu năm nay ở hầu hết mọi lĩnh vực.
Giáo sư kinh tế Yeah Kim Leng tại Sunway của Malaysia, cho biết: “Mặc dù Malaysia không phải là quốc gia duy nhất trải qua sự suy yếu của đồng nội tệ so với USD, nhưng đồng RM sụt giảm mạnh hơn so với các nước thành viên ASEAN khác có thể là do nước này có quan hệ kinh tế nhiều hơn với Trung Quốc và chịu sự tác động từ đồng NDT”.
Sức mạnh của đồng USD phần lớn được cho là nhờ những nỗ lực tích cực của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhằm kiềm chế lạm phát, cuối cùng cũng gây ra sự hoang mang đối với các nền kinh tế phát triển đang nhanh chóng muốn thoát khỏi tình trạng lạm phát đình trệ - nơi tăng trưởng trì trệ gặp lạm phát tăng cao.
Điều này khiến tâm trạng của người tiêu dùng trở nên tồi tệ ở nhiều nền kinh tế phương Tây, vốn là những thị trường trọng điểm xuất khẩu hàng điện tử từ Malaysia và các quốc gia Đông Nam Á khác.
Bên cạnh đó, đồng RM cũng dễ bị kéo xuống do giá hàng hóa toàn cầu giảm, với các mặt hàng xuất khẩu như dầu cọ, dầu thô ngọt và khí đốt tự nhiên chiếm một phần lớn trong các lô hàng của Malaysia.
Các nhà kinh tế cho biết, Malaysia đã làm những gì cần thiết để củng cố nền kinh tế, đồng thời kiềm chế lạm phát - mục tiêu chính của Ngân hàng trung ương Malaysia khi quyết định tăng lãi suất cơ bản. Tuy nhiên, theo Giáo sư Yeah, các nhà đầu tư thận trọng "đã áp dụng thái độ “chờ xem”... dẫn đến nhu cầu đồng RM yếu hơn.
Ai đang bị tổn thương?
Trên thực tế, người tiêu dùng Malaysia - đặc biệt là những người thuộc tầng lớp trung lưu - ngày càng phải đưa ra những quyết định khó khăn hơn khi họ mua sắm vì đồng ringgit yếu có nghĩa là hàng hóa đắt hơn.
Đối với A. Raman, một chuyên gia công nghệ thông tin sống tại Kuala Lumpur, ăn uống lành mạnh luôn được ưu tiên hàng đầu, nhưng giờ đây anh thậm chí còn phải dành nhiều thời gian hơn để tìm kiếm những lựa chọn thay thế giá rẻ hơn. Anh nói: “Tôi đã ngừng mua thực phẩm nhập khẩu vì chúng quá đắt. Tôi đã tìm kiếm trên Google nhiều công thức nấu ăn sử dụng các nguyên liệu rẻ hơn có thể tìm thấy tại địa phương”.
Tuy nhiên, đồng RM yếu cũng tạo ra một con đường hướng tới doanh thu tiềm năng cao hơn cho một số lĩnh vực. Tuần trước, Hiệp hội chủ sở hữu khách sạn Malaysia (Maho) đề xuất rằng, những khách sạn của họ nên được phép tính phí người nước ngoài bằng USD để tăng doanh thu khi họ đối phó với tình trạng phục hồi chậm sau đại dịch và chi phí cao hơn từ mức lương tối thiểu do chính phủ quy định và thuế quan điện cao hơn.
Báo New Straits Times dẫn lời Chủ tịch Maho, Teo Chiang Hong cho hay: “Các khách sạn bây giờ nên làm gì đó để có doanh thu tốt hơn và tăng sản lượng vì chi phí kinh doanh… đã tăng rất cao. Tỷ lệ phòng được thuê cũng không được cải thiện nhiều, khoảng 45-55%”.
Tác động tới các nhà xuất khẩu
Những giai đoạn RM suy yếu trước đây nhìn chung đã mang lại lợi ích cho xuất khẩu khi các quốc gia đích mua nhiều sản phẩm của Malaysia hơn với giá rẻ.
Nhà kinh tế Geoffrey Williams của Đại học Khoa học và Công nghệ Malaysia, trao đổi với tờ “This Week in Asia” rằng: “Các nhà xuất khẩu được hưởng lợi nhiều nhất từ sự mất giá cũng như việc các tập đoàn khác nắm giữ ngoại tệ”. Tuy nhiên, điều đó có thể không xảy ra lần này, khi các thị trường trọng điểm của phương Tây tăng lãi suất để chống lại cuộc khủng hoảng lạm phát của chính họ, làm giảm nhu cầu đối với các lô hàng linh kiện bán dẫn và hàng điện tử khác của Malaysia.
Trong quý đầu tiên của năm nay, các công ty công nghệ địa phương làm việc trong lĩnh vực bán dẫn và điện tử tiêu dùng đã gặp khó khăn do nhu cầu nhập khẩu từ các nước phương Tây giảm và việc Trung Quốc mở cửa trở lại không dẫn đến sự bùng nổ xuất khẩu của Đông Nam Á.
Có những lựa chọn nào?
Lần cuối cùng Ngân hàng trung ương Malaysia can thiệp vào thị trường, cơ quan này đã cấm giao dịch RM ra nước ngoài sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Điều này đã gây ra một đợt bán tháo toàn cầu tại các thị trường mới nổi.
Động thái này đã gây ra một cuộc nổi dậy giữa các nhà đầu nước ngoài, mặc dù cuối cùng họ đã quay trở lại khi BNM cải thiện các cơ sở giao dịch trong nước. Lần này, không có nhiều không gian chính sách - hoặc lý do - để BNM phản ứng quyết liệt như vậy, vì ngân hàng thiếu dự trữ ngoại tệ đủ để tác động một cách có ý nghĩa lên đồng ringgit, trong khi việc tăng mạnh lãi suất chính sách sẽ có tác động hạn chế đối với đồng ringgit.
Ông Williams nói: “Vì vậy, duy trì lập trường chính sách độc lập, tuân thủ nhiệm vụ và thúc đẩy các nguyên tắc cơ bản là lựa chọn tốt nhất cho BNM. Việc khuyến khích các công ty mua đồng RM bằng dự trữ ngoại tệ của họ cũng sẽ giúp ích trong ngắn hạn như một phản ứng do thị trường định hướng”.
Trong nỗ lực tìm kiếm sự ổn định, đã có những tin đồn về việc quay trở lại việc sử dụng tỷ giá cố định đồng RMt với USD. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Ahmad Maslan đã bác bỏ ý tưởng này, cho rằng Bộ sẽ hủy bỏ bất kỳ tiến bộ nào đạt được từ việc tăng lãi suất cơ bản của BNM và hạn chế dòng vốn.
Đề cập đến vấn đề này, Giáo sư Yeah của Đại học Sunway đồng ý và cho rằng: “Lý do thuyết phục nhất để không dùng đến tỷ giá hối đoái cố định là đất nước không gặp khủng hoảng kinh tế hoặc tài chính”.
Điều gì sẽ ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử 6 bang?
Liên minh Perikatan Nasional đối lập đã yêu cầu những người đứng đầu phải lật tẩy điều mà họ mô tả là sự thất bại của chính phủ trong việc quản lý nền kinh tế.
Hafidzi Razali, Phó Giám đốc phụ trách các vấn đề chính phủ và công ty tư vấn chính sách công BowerGroupAsia, cho biết: “Câu chuyện của phe đối lập thiên về việc chính phủ không thực hiện được những gì họ đã hứa hoặc chủ trương thực hiện khi còn ở phe đối lập”.
Tuy nhiên, khi liên minh của Anwar phải đối mặt với sáu cuộc bầu cử cấp bang sắp diễn ra, những vấn đề về tiền tệ có thể là vấn đề nhỏ nhất của ông. Ông Razali nói rằng sự suy yếu của RM sẽ là một điểm bị chỉ trích, nhưng không phải là yếu tố chính khiến các cử tri dao động. Nó sẽ được liên kết với chi phí sinh hoạt vì điều đó phù hợp hơn với số đông./.