Dư chấn động đất 'phơi bày' chất lượng thi công chung cư?

Rung chấn từ động đất Myanmar hé lộ nguy cơ tại các chung cư thi công kém chất lượng, tiềm ẩn rủi ro mất an toàn nghiêm trọng tại Việt Nam.

Thi công ẩu, động đất dễ thành thảm họa

Ngày 28/3 vừa qua, một trận động đất có độ lớn lên tới 7,6 độ richter đã xảy ra tại Myanmar, được đánh giá là trận động đất mạnh nhất tại quốc gia này kể từ năm 1946. Tâm chấn nằm gần đới đứt gãy Sagaing - một cấu trúc kiến tạo lớn hình thành từ va chạm giữa tiểu lục địa Ấn Độ và châu Á. Dư chấn không chỉ ảnh hưởng đến Thái Lan mà còn lan xa tới Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều khu vực khác ở Việt Nam, khiến người dân cảm nhận được sự rung lắc rõ ràng.

Theo TS Nguyễn Xuân Anh - Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), trận động đất này có vùng ảnh hưởng rộng hàng nghìn km. Hệ thống quan trắc của Việt Nam ghi nhận độ lớn 7,6 độ richter và đánh giá "cấp độ rủi ro thiên tai bằng 0", tức không gây thiệt hại trực tiếp.

Nhà cao tầng ở Việt Nam chịu được động đất 6-8 richter. Ảnh minh họa

Nhà cao tầng ở Việt Nam chịu được động đất 6-8 richter. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, ông Xuân Anh cảnh báo, các công trình nhà cao tầng, chung cư vẫn có thể bị tác động, đặc biệt tại những khu vực có nền đất yếu.

"Với những đô thị như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh - nơi tập trung nhiều tòa nhà cao tầng, tác động từ các trận động đất lớn, dù xảy ra ở ngoài lãnh thổ, vẫn có thể tạo ra rung động rõ rệt", ông nói.

Không chỉ ảnh hưởng các dư chấn từ nước ngoài, Việt Nam trong quá khứ từng ghi nhận nhiều trận động đất mạnh như: Trận động đất năm 1935 ở lòng chảo Điện Biên có độ lớn lên tới 6,75 độ richter, hay trận động đất Tuần Giáo năm 1983 với độ lớn 6,8 độ.

Đây đều là các trận được xếp vào nhóm động đất mạnh, có khả năng gây nứt vỡ công trình nếu không được thiết kế để chịu lực tốt.

Trước băn khoăn của nhiều người dân sau trận động đất ở Myanmar - liệu các tòa nhà cao tầng ở Việt Nam có chịu được động đất mạnh, kiến trúc sư Nguyễn Văn Toán - Công ty 207, Bộ Quốc phòng - cho biết, thiết kế hiện nay cho phép các công trình chịu được động đất từ 6 - 8 độ richter, tùy khu vực và cấp công trình.

Hà Nội nằm trong vùng phân loại động đất cấp 7, vì vậy, theo quy chuẩn, các công trình cao tầng tại đây phải đảm bảo khả năng kháng chấn tối thiểu cấp 7 và có thể kiểm soát tới cấp 8 trong một số kịch bản cực đoan.

Vết nứt dài hơn 2m xuất hiện trên tường một căn hộ tại chung cư Diamond Riverside (TP. Hồ Chí Minh) sau trận động đất ở Myanmar. Ảnh: Anh Tuấn

Vết nứt dài hơn 2m xuất hiện trên tường một căn hộ tại chung cư Diamond Riverside (TP. Hồ Chí Minh) sau trận động đất ở Myanmar. Ảnh: Anh Tuấn

Tuy nhiên, theo kiến trúc sư Nguyễn Văn Toán, thiết kế chỉ là một phần của câu chuyện. Đó là con số được tính toán trên lý thuyết, còn thực tế lại phụ thuộc rất nhiều vào quá trình thi công, chất lượng vật liệu và địa chất từng khu vực. Nói cách khác, một công trình dù được thiết kế để kháng chấn 7 độ, nhưng nếu vật liệu không đạt chuẩn, thi công không đúng kỹ thuật thì vẫn có thể bị ảnh hưởng nặng nề nếu địa chấn xảy ra.

"Nếu xảy ra động đất khoảng 6 độ richter, các công trình cao tầng ở Việt Nam có thể chịu đựng được. Nhưng nếu lên tới 7 độ, nhiều tòa nhà sẽ đối diện với nguy cơ mất an toàn, đặc biệt là những công trình thi công kém chất lượng, đã xuống cấp hoặc đang xây dở dang", ông Toán nhận định.

Thiên tai không thể ngăn, nhưng thiệt hại có thể kiểm soát

Theo các chuyên gia, động đất là hiện tượng không thể ngăn chặn, nhưng thiệt hại mà nó gây ra hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ thiết kế đến vận hành.

Việt Nam không phải là quốc gia thường xuyên có động đất mạnh, nhưng đô thị hóa theo chiều cao, nhất là tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đang đặt ra yêu cầu cao hơn về an toàn công trình.

Kiến trúc sư Lê Việt Sơn - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - cho biết, các công trình cao tầng tại Việt Nam hiện được thiết kế theo TCVN 9386:2012 - dựa trên nền tảng Eurocode 8, tiêu chuẩn động đất của châu Âu. Tiêu chuẩn này quy định rõ cách tính tải trọng động đất tác động lên công trình, đặc biệt với nhà cao tầng.

Hiện tại, Việt Nam cũng đã xây dựng bản đồ gia tốc nền, phân loại thành ba mức độ: động đất mạnh, yếu và rất yếu.

Tùy vào vị trí địa lý, quy mô và tầm quan trọng của công trình, yêu cầu kháng chấn sẽ khác nhau. Một số công trình đặc biệt như nhà máy điện hạt nhân, đập thủy điện, công trình ngoài khơi... sẽ phải tuân thủ tiêu chuẩn khắt khe hơn.

Dù hệ thống tiêu chuẩn khá đầy đủ, nhưng theo ông Sơn, bài toán đặt ra là chi phí. "Công trình kháng chấn thường có chi phí cao hơn nhiều, trong khi xác suất xảy ra động đất lớn ở nhiều khu vực lại khá thấp. Điều này khiến chủ đầu tư cân nhắc", ông nói.

Về mặt kỹ thuật, ông Sơn cho biết, tác động nhẹ của động đất có thể gây nứt tường, xô lệch cửa, nhưng không ảnh hưởng đến kết cấu. Tuy nhiên, nếu xuất hiện tình trạng cột nứt, khung cong vênh, nhà nghiêng, thì công trình cần được đánh giá lại toàn diện vì có thể mất an toàn nghiêm trọng. Khi nền móng lún lệch, nguy cơ sụp đổ là hiện hữu.

Một dự án nhà cao tầng đang trong quá trình thi công. Ảnh minh họa

Một dự án nhà cao tầng đang trong quá trình thi công. Ảnh minh họa

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh, thiên tai là điều không thể kiểm soát, nhưng thiệt hại là thứ hoàn toàn có thể giảm thiểu nếu có sự chuẩn bị phù hợp.

Theo đó, giải pháp đầu tiên là cần xây dựng bản đồ nguy cơ động đất chi tiết cho từng khu vực đô thị, nhất là tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh - nơi tập trung hàng trăm tòa nhà cao tầng và hàng triệu người dân sinh sống. Trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý có thể xây dựng các kịch bản ứng phó cụ thể, đồng thời ưu tiên kiểm tra định kỳ các công trình có rủi ro cao.

Thứ hai, cần tăng cường lắp đặt thiết bị quan trắc địa chấn tại các tòa nhà cao tầng, nhằm theo dõi và cảnh báo sớm nếu xuất hiện rung lắc bất thường. Những thiết bị này có thể giúp đánh giá mức độ ảnh hưởng của mỗi trận động đất đến từng công trình, từ đó đưa ra giải pháp sửa chữa, gia cố kịp thời.

Thứ ba, cần nâng cao ý thức cộng đồng, thông qua diễn tập ứng phó thiên tai, hướng dẫn cư dân các kỹ năng sơ tán, thoát hiểm khi có động đất xảy ra. Trong những giây phút nguy cấp, ý thức và kỹ năng của người dân chính là "lá chắn" đầu tiên bảo vệ tính mạng.

Động đất mạnh hơn 7 độ ở Myanmar xảy ra lúc 13h20 ngày 28/3, khiến TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội bị rung chấn. Trong đó, hiện tượng rung lắc ở TP. Hồ Chí Minh được ghi nhận diện rộng tại nhiều tòa nhà cao tầng, kéo dài gần 20 giây.

Sau rung chấn, một số căn hộ chung cư ở khu vực quận 6, 7, 8 và thành phố Thủ Đức xuất hiện vết nứt dài, bong tường, nghi do ảnh hưởng của rung lắc, khiến cư dân hoang mang.

Tại chung cư Diamond Riverside, phường 16, quận 8 ghi nhận có 342 căn hộ bị nứt tường, một số vị trí hành lang, sân thượng nền bị phồng, bong gạch... Các căn bị nứt nằm rải rác ở cả 4 block, tùy vị trí có các vết nứt nhẹ hoặc sâu.

Nguyên Thảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/du-chan-dong-dat-phoi-bay-chat-luong-thi-cong-chung-cu-380905.html