Đủ chiêu trò gian lận móc túi người mua xăng
Nghị định mới về xử lý vi phạm trong lĩnh vực xăng dầu với các chế tài nghiêm khắc và mạnh tay hơn sắp có hiệu lực.
Tại tọa đàm “Xăng dầu giả, thiệt hại thật” do cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 29-11, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), cho biết: Tổng cục đã phối hợp một số tỉnh, thành để kiểm tra và phát hiện có địa phương 50% mẫu xăng dầu không đạt chất lượng.
Theo ông Trần Hữu Linh, tình trạng gian lận kinh doanh xăng dầu rất phức tạp, gây khó khăn cho công tác quản lý. Nhiều vụ việc bị phát hiện có quy mô lớn. Đơn cử năm 2017 tại Nghệ An, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện doanh nghiệp pha chế, tiêu thụ 2 triệu lít xăng dầu kém chất lượng. Năm 2019, Công an tỉnh Đắk Nông đã triệt phá được một đường dây pha chế xăng giả với chất dung môi hòa với chất tạo màu để tạo thành xăng A95 và xăng E5 của doanh nghiệp Trịnh Sướng.
“Đây cũng là vụ việc gian lận nghiêm trọng, ảnh hưởng động cơ xe và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, gây thất thu thuế cho Nhà nước” - ông Linh nhấn mạnh.
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cũng chỉ ra các chiêu trò, hành vi vi phạm về xăng dầu. Điển hình là bán xăng dầu kém chất lượng qua hệ thống; tác động đến phương tiện đo đếm để làm sai lệch, buôn lậu bất chính.
Đáng chú ý, có tình trạng bán xăng dầu không phù hợp với quy chuẩn, tức xăng đã bị pha trộn hoặc làm giả. Ngoài ra, còn một số cơ sở kinh doanh xăng dầu cố tình treo biển “không bán hàng” trong ngày điều chỉnh giá xăng để chờ giá tăng rồi mới bán. Thậm chí một số cơ sở kinh doanh lợi dụng giờ cao điểm để bơm tròn số, tự điều chỉnh giá xăng.
“Để ngăn chặn tình trạng gian lận kinh doanh xăng dầu, dự kiến trong tháng 12 tới, một nghị định mới thay thế Nghị định 67/2017 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xăng dầu và khí với các chế tài nghiêm khắc và mạnh tay hơn sẽ có hiệu lực. Qua đó góp phần hạn chế tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại trong lĩnh vực này” - ông Linh cho hay.
Thông tin tại tọa đàm cũng cho hay từ năm 2012, tại nhiều địa phương đã xảy ra các vụ phương tiện giao thông “bỗng dưng bốc cháy”. Có nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân gây cháy là do chất lượng xăng dầu bán trên thị trường không đảm bảo. Thậm chí có ý kiến quy kết cho xăng sinh học E5 là thủ phạm.
Tuy nhiên, ông Bùi Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (Quảng Ngãi), khẳng định: Việc sản xuất xăng sinh học E5 được thực hiện theo quy trình khép kín. Chất lượng sản phẩm luôn được kiểm tra từ đội ngũ kỹ sư có kinh nghiệm trước khi xuất bán. Do đó, một số thông tin cho rằng xăng sinh học E5 là nguyên nhân gây cháy xe là không có căn cứ.
“Thực tiễn khoa học chứng minh xăng E5 không phải nguyên nhân xảy ra cháy xe. Các cơ quan chức năng đã nghiên cứu và chỉ ra nhiều nguyên nhân gây cháy ô tô, xe máy, trong đó có thể do chập điện, thậm chí là cấu tạo xe chứ không phải là tại xăng” - ông Tiến nói.
Về vấn đề này, ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, khẳng định xăng E5 hay A95 đạt tiêu chuẩn đều không phải nguyên nhân dẫn đến những sự cố trên. “Nghiên cứu cho thấy có nhiều nguyên nhân gây ra cháy xe. Trong đó có nguyên nhân về cơ học, chập điện, cấu tạo xe…” - ông Tuấn nói.
Bán lẻ tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất
Ông Nguyễn Anh Toàn, Phó Tổng giám đốc PV Oil, cho rằng khâu bán lẻ là khâu tiềm ẩn rủi ro nhất. Tình trạng bán xăng kém chất lượng chủ yếu xảy ra ở các cửa hàng nhỏ lẻ.
“Vẫn còn tình trạng bán lẻ xăng dầu không xuất hóa đơn, nhất là đối với những khách hàng mua nhỏ lẻ. Điều này khiến cho các đại lý xăng dầu rất dễ hợp thức hóa khi mua xăng dầu trôi nổi trên thị trường” - ông Toàn cho hay.
Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te/quan-ly/du-chieu-tro-gian-lan-moc-tui-nguoi-mua-xang-873858.html