Dù có Nghị định 116, nhiều ngành sư phạm vẫn chật vật tuyển sinh

Trường Đại học Sư phạm HN 2 đã dừng tuyển sinh ngành Sư phạm Công nghệ, trong khi Trường Đại học Sư phạm TPHCM cũng gặp khó khăn trong tuyển sinh ngành học này.

Những năm gần đây, tuyển sinh nhóm ngành đào tạo giáo viên được đánh giá là chuyển biến tích cực khi Chính phủ có chính sách mới để thu hút người giỏi vào trường sư phạm như Nghị định 116/2020/NĐ-CP.

Dẫu vậy, một số ngành học vẫn còn khó tuyển sinh vì chưa được người học quan tâm đến.

Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt chỉ tiêu theo các phương thức xét tuyển sớm. Ảnh: NTCC

Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt chỉ tiêu theo các phương thức xét tuyển sớm. Ảnh: NTCC

Ngành Sư phạm Công nghệ khó tuyển sinh

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, năm 2023, nhà trường bổ sung xét tuyển theo phương thức kết quả kỳ thi đánh giá năng lực và xét học bạ đối với một số ngành học, tăng tỷ lệ này lên tối đa 30%.

Chỉ tiêu dành cho các phương thức xét tuyển sớm dao động từ 40-60% tùy từng ngành, và đến nay, trường đã đạt được chỉ tiêu xét tuyển sớm.

Với các ngành đào tạo giáo viên, những năm qua, có một số ngành khó tuyển sinh như Sư phạm tiếng Nga, sư phạm tiếng Pháp. Dù nhu cầu xã hội vẫn cần nhiều nhưng ít thí sinh quan tâm đến những ngành học này.

Hay với một số ngành mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong khi số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên, Sư phạm Lịch sử và Địa lý rất đông thì ngành Sư phạm Công nghệ lại khó tuyển, không thu hút được người học.

Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Phân tích rõ hơn, thầy Quốc cho biết: “Trước đây, giáo viên được đào tạo ngành Sư phạm Kỹ thuật nông nghiệp và Sư phạm kỹ thuật công nghiệp sẽ dạy môn Công nghệ. Hay ở một số trường phổ thông, các thầy cô giáo dạy Vật lý, Sinh học sẽ được giao phụ trách dạy học môn học này.

Đối với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh tiểu học đến học sinh trung học phổ thông đều được học môn Công nghệ (trong đó Tiểu học có môn Tin học và Công nghệ), chúng ta rất cần đội ngũ giáo viên được đào tạo đúng theo năng lực, chuyên môn. Như vậy, nhu cầu giáo viên môn học này là rất lớn.

Thế nhưng, phải chăng vì tên gọi hoặc do thí sinh chưa tìm hiểu kỹ nên số lượng hồ sơ xét tuyển vào ngành Sư phạm Công nghệ đang rất ít.

Năm 2022 là năm đầu tiên Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh mở ngành này nhưng phải xét tuyển bổ sung, dù vậy chỉ tiêu cũng chỉ đạt hơn 50%.

Trong khi đó, ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên, Sư phạm Lịch sử và Địa lý, kết quả tuyển sinh rất tốt, năm nay đã có khóa đầu tiên ra trường, bước sang năm thứ 5 tuyển sinh, thí sinh vẫn quan tâm rất nhiều, số lượng hồ sơ xét tuyển cực lớn”.

Tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Sư phạm Công nghệ cũng là một trong những ngành đào tạo giáo viên khó tuyển sinh nhất.

Chia sẻ với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thụ - Trưởng phòng Đào tạo của trường cho biết, năm 2023, trường được giao chỉ 919 chỉ tiêu cho nhóm ngành đào tạo giáo viên, đến nay công tác xét tuyển sớm đang thực hiện theo đúng kế hoạch.

Đây là năm đầu tiên nhà trường tuyển sinh ngành Sư phạm Lịch sử và Địa lý theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Còn ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên, đến nay, trường vẫn đang chờ quyết định chính thức của Bộ Giáo dục và Đào nên chưa thể cho thí sinh đăng ký xét tuyển.

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Ảnh: Website nhà trường

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Ảnh: Website nhà trường

Thầy Thụ cho biết, trong các ngành đào tạo giáo viên, ngành sư phạm Tiểu học rất thu hút thí sinh, trong khi ngành Sư phạm Công nghệ lại rất khó tuyển. Có thể do tâm lý người học lo ngại về đầu ra, khó tìm việc làm.

Tuy nhiên, theo định hướng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chương trình đào tạo ngành Sư phạm Công nghệ là rất mới so với chương trình đào tạo Sư phạm Kỹ thuật nông nghiệp và Sư phạm Kỹ thuật công nghiệp trước đây, nhằm đào tạo đội ngũ giáo viên đúng chuyên môn đáp ứng chương trình mới.

Đối với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, ngành Sư phạm Công nghệ không tuyển sinh được nên năm 2022 và năm nay đã dừng tuyển sinh.

Cũng theo Phó Giáo sư Nguyễn Văn Thụ, từ khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, các ngành Sư phạm Sinh học, Sư phạm Hóa học, Sư phạm Vật lý cũng rất khó tuyển sinh.

Lý do là theo chương trình hiện hành, các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học là môn bắt buộc nhưng theo chương trình mới, các môn này trở thành môn lựa chọn ở bậc trung học phổ thông, còn ở bậc trung học cơ sở đã được tích hợp theo môn Khoa học tự nhiên.

Có thể người học nghĩ nhu cầu giáo viên các môn này đã bị thu hẹp nên ít thí sinh lựa chọn. Tuy nhiên, thực trạng này cũng dẫn tới lo ngại thiếu giáo viên trong tương lai.

Phó Giáo sư Nguyễn Văn Thụ thông tin, mùa tuyển sinh năm 2022, hầu hết các ngành sư phạm của trường đều không tuyển được đủ chỉ tiêu vì lượng thí sinh ảo nhiều, có nhiều em trúng tuyển nhưng không nhập học.

Một số ngành ngoài như sư phạm như ngành Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc, Việt Nam học và Công nghệ thông tin lại tuyển sinh rất tốt.

Thí sinh cần thao tác đúng trong quá trình đăng ký xét tuyển để đảm bảo quyền lợi

Thạc sĩ Lê Phan Quốc cho rằng, quy định tuyển sinh những năm qua đã tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh, vì khi các em biết kết quả học tập, kết quả các kỳ thi thì mới lựa chọn nguyện vọng vào các cơ sở giáo dục đại học, các em được quyền điều chỉnh nguyện vọng nên cơ hội trúng tuyển rất cao.

Còn với các trường đại học, dù công tác tuyển sinh thực hiện từ tháng 2 nhưng phải đến khoảng tháng 8, khi đã có kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì mới đủ điều kiện để xác nhận thí sinh trúng tuyển chính thức. Như vậy, so với kế hoạch năm học có phần chậm, nhưng các trường phải linh động để có kết quả tốt trong hoạt động tuyển sinh.

Thực hiện chuyển đổi số, số hóa các quy trình thì quá trình tuyển sinh cũng thuận lợi với cả người học và nhà trường, khi xét tuyển sớm, thí sinh không phải đến nộp hồ sơ trực tiếp tại trường.

Tuy nhiên, thầy Quốc lưu ý, khi tương tác với môi trường mạng, thí sinh phải đảm bảo các thao tác thật cẩn thận, thực hiện đúng quy trình, quy định để đảm bảo quyền lợi của mình. Vì kết quả thực thi rồi, khi không còn thời hạn điều chỉnh thì sẽ không thể thay đổi.

Đối với việc sắp xếp nguyện vọng, nếu thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 và trúng tuyển rồi thì các em không được xét các nguyện vọng tiếp theo, vì vậy, tương tác trên cổng thông tin, các em cần tìm hiểu kỹ để tránh ảnh hưởng tới quyền lợi và cơ hội học tập của mình.

“Năm nay cách thức đăng ký cũng đã khác. Nếu các năm trước, thí sinh chọn nguyện vọng phải chọn tương ứng phương thức đối với từng ngành, thì năm nay thí sinh chọn nguyện vọng tương ứng với chọn ngành (dù ngành đó có nhiều phương thức thì cũng chỉ 1 nguyện vọng), hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tự động lọc các phương thức xét tuyển, đây cũng là điều thí sinh cần phải lưu ý.

Đặc biệt, phụ huynh và thí sinh cũng phải thống nhất với nhau khi thực hiện thao tác, những năm trước đã có trường hợp con trúng tuyển trường đại học này nhưng bố mẹ lại muốn con theo học trường đại học khác, sau đó phản ánh với các trường yêu cầu giải quyết, nhưng các trường chỉ dựa vào kết quả đăng ký của thí sinh”, thầy Quốc chia sẻ.

Đối với vấn đề thí sinh ảo, Thạc sĩ Lê Phan Quốc cho rằng, các trường phải có tính toán trong quá trình lọc ảo, hạn chế tối đa số lượng thí sinh ảo. Vì ngay từ đầu, trường đại học đã được xác định chỉ tiêu tuyển sinh dựa theo năng lực đào tạo nên trường phải chủ động vấn đề này.

Đối với những ngành khó tuyển sinh cần tăng cường rà soát, cải tiến chương trình đào tạo. Hay với những ngành xã hội gần như không quan tâm, không có nhu cầu thì có thể tính đến việc đóng ngành đó.

Trong những năm qua, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cũng có một số ngành khó tuyển sinh như ngành Sư phạm Tiếng Nga, hay các ngành khoa học cơ bản như: Địa lý học, Vật lý học.

Qua khảo sát thấy nhu cầu xã hội không quá nhiều hoặc số lượng thí sinh quan tâm ít thì trường đã dừng tuyển sinh 1 năm. Các ngành này 2 năm sẽ tuyển sinh 1 lớp.

Còn năm 2023, trường vẫn tuyển đầy đủ các ngành này, chỉ tiêu với ngành Sư phạm Tiếng Nga, Địa lý học, Vật lý học dao động trong khoảng 30 chỉ tiêu, và hiện nay, trường đã điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp.

Phạm Minh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/du-co-nghi-dinh-116-nhieu-nganh-su-pham-van-chat-vat-tuyen-sinh-post236645.gd