Dù còn 'trồi sụt' quý III, nhưng dự báo quý IV tỷ giá sẽ hạ nhiệt dần

Từ đầu quý III đến nay, chỉ số Dollar-Index (DXY) có chiều hướng đi xuống. Trong trường hợp FED cắt giảm lãi suất và ở trong nước, các yếu tố hỗ trợ được cải thiện, nên tỷ giá VND/USD được kỳ vọng sẽ tiếp tục ổn định hơn vào những tháng cuối năm.

Nhiều yếu tố hỗ trợ cho tỷ giá bình ổn

Nhờ các biện pháp can thiệp của cơ quan quản lý và chỉ số đồng USD giảm đáng kể, tỷ giá đã dần hạ nhiệt. Kể từ đầu tháng 8/2024, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại trong nước đã liên tục giảm, với mức giá thấp hơn nhiều so với trần do Ngân hàng Nhà nước quy định. Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đồng Việt Nam từng mất giá gần 5% so với USD từ đầu năm 2024. Tuy nhiên, đến đầu tháng 8, tỷ lệ này đã giảm còn 3,85%.

Tỷ giá trung tâm thời điểm cuối tháng 6/2024 được NHNN công bố ở mức khoảng 24.264 VND/USD. Nhưng đến ngày 17/8, tỷ giá trung tâm đã giảm về mức 24.254 VND/USD.

Tỷ giá sẽ có thêm nhiều dư địa để bình ổn dần về cuối năm. Ảnh: Minh họa.

Tỷ giá sẽ có thêm nhiều dư địa để bình ổn dần về cuối năm. Ảnh: Minh họa.

Dự báo về xu hướng của tỷ giá VND so với USD trong thời gian tới, ông Trương Hiền Phương - Giám đốc Cấp cao Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định rằng, nhà đầu tư không cần quá lo lắng về tình hình tỷ giá.

“Tỷ giá từ cuối năm sẽ bình ổn, bởi thời điểm cuối năm là giai đoạn lượng kiều hồi đổ về nhiều nên lượng cung ngoại tệ khá lớn. Ngoài ra, cũng bắt đầu có một số doanh nghiệp FDI giải ngân dần vào Việt Nam dựa trên các cam kết đầu tư được ký kết, thống nhất từ đầu năm đến nay” - ông Phương nói.

“FED giảm lãi suất thì sức hấp dẫn đồng USD cũng suy giảm, từ đó dòng vốn đầu tư tài chính trên toàn cầu đảo chiều. Từ trước đang rút khỏi thị trường mới nổi, cận biên, thì giờ dòng vốn đảo chiều quay lại đến những quốc gia trong đó có Việt Nam. Nguồn ngoại tệ sẽ tìm đến Việt Nam, dòng vốn đầu tư tìm đến và thị trường chứng khoán Việt Nam hưởng lợi” - ông Trương Hiền Phương.

Theo chuyên gia này, tỷ giá trong thời gian vừa qua biến động một phần do vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) rút khỏi thị trường chứng khoán (TTCK) vì vốn ngoại rút ròng các quỹ ETF. Thời gian gần đây, việc bán ròng tuy vẫn còn song đã dần suy yếu. Thậm chí, nhà đầu tư nước ngoài ở một số phiên còn mua ròng.

“Đặc biệt, với nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ các cơ quan quản lý, tôi tin rằng sẽ tạo cơ hội hút ròng vốn ngoại. Với dòng ngoại tệ đảo chiều và quay trở lại Việt Nam từ FDI – FII (đầu tư gián tiếp) – kiều hối sẽ giúp nguồn cung ngoại tệ ổn định và dồi dào, lo lắng tỷ giá biến động mạnh sẽ khó xảy ra và không đáng kể. Mặt khác, dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất trong tháng 9 (khả năng là 0,5 điểm phần trăm) sẽ tạo tâm lý tích cực với thị trường tài chính toàn cầu, hỗ trợ đáng kể cho chính sách nới lỏng tiền tệ của NHNN” - ông Phương cho hay.

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng dự báo, tỷ giá sẽ hạ nhiệt vào cuối năm khi FED thực hiện việc hạ lãi suất. Dù có thể còn có các biến động trồi sụt trong quý III, song nhóm phân tích này kỳ vọng bước sang quý IV, tỷ giá sẽ giảm dần và đạt mức 25.120 VND/USD, tương đương với mức tăng 3,5% so với đầu năm.

Cùng chung quan điểm, Công ty Chứng khoán Vietcombank cũng cho rằng, với kỳ vọng FED sớm cắt giảm lãi suất, đồng thời, trong nước có thể ghi nhận dòng ngoại tệ tích cực, VND có thể thu hẹp mức giảm giá dao động quanh 3 - 4% so với USD. Đây vẫn được coi là mức mất giá hợp lý so với nhiều nước trong khu vực.

Dựa trên triển vọng đồng USD duy trì sức mạnh tương đối và áp lực về cầu ngoại tệ trở lại, VDSC cho rằng, con đường ổn định tỷ giá có thể sẽ còn một nhịp gập ghềnh phía trước.

"Kịch bản cơ sở đối với tỷ giá USD/VND thị trường liên ngân hàng có thể tăng lên 25.500 VND/USD và giảm trở lại còn 25.300 VND/USD vào cuối năm. Kịch bản lạc quan hơn xảy ra với điều kiện hai áp lực kể trên đều được kiểm soát, khi đó, tỷ giá có thể giảm về mức 25.000 VND/USD vào cuối năm" - VDSC dự báo.

Mang lại triển vọng tích cực cho doanh nghiệp

Theo các chuyên gia, việc tỷ giá VND/USD ổn định và có xu hướng giảm trong thời gian tới mang lại nhiều triển vọng tích cực cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có khoản vay bằng USD và có nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu.

Các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng USD cao về cuối năm sẽ "dễ thở" hơn khi tỷ giá hạ nhiệt. Ảnh: Minh họa.

Các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng USD cao về cuối năm sẽ "dễ thở" hơn khi tỷ giá hạ nhiệt. Ảnh: Minh họa.

Tỷ giá VND/USD ổn định và có xu hướng giảm trong thời gian tới sẽ hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có khoản vay bằng USD và có nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu.

Điển hình với Tập đoàn Hòa Phát (mã Ck: HPG), tính đến cuối quý II/2024, doanh nghiệp có khoản lỗ ròng chênh lệch tỷ giá đã và chưa thực hiện là 135 tỷ đồng. Được biết, nguyên liệu của Hòa Phát đến chủ yếu từ nguồn nhập khẩu, trong khi thị trường tiêu thụ chính lại là nội địa, đồng thời vẫn duy trì tỷ trọng vay nước ngoài nhất định trong cơ cấu nợ vay, Hòa Phát phải trả lãi và nợ bằng USD.

Ở nhóm dệt may, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex; mã Ck: VGT) cho biết, ngành dệt may có dấu hiệu phục hồi trong nửa đầu năm 2024 nhờ đơn hàng nhiều mặc dù đơn giá còn thấp. Tập đoàn chủ yếu vay bằng USD để phục vụ sản xuất - kinh doanh, nên với việc tỷ giá tăng trong 6 tháng đầu năm, Vinatex phát sinh lỗ tỷ giá lớn khi đánh giá lại tỷ giá các khoản gốc vay ngoại tệ (6 tháng đầu năm lỗ tỷ giá 17,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 0,7 tỷ đồng).

Hay ở đại diện nhóm ngành khác, trong nửa đầu năm 2024, Tổng công ty Phát điện 3 - CTCP (EVNGenco3, mã Ck: PGV) ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính chỉ đạt 53 tỷ đồng, giảm 275 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, còn chi phí tài chính tăng 586 tỷ đồng lên 1.202 tỷ đồng, chủ yếu do lỗ chênh lệch tỷ giá tăng 620 tỷ đồng./.

Hướng Cẩm

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/du-con-troi-sut-quy-iii-nhung-du-bao-quy-iv-ty-gia-se-ha-nhiet-dan-157555.html