Dù đã bị rút số công bố sản phẩm, nhiều mỹ phẩm vẫn bán trên thị trường
Gần đây, việc một số doanh nghiệp mỹ phẩm tự nguyện thu hồi số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm hàng loạt mỹ phẩm đã làm dấy lên nghi vấn liệu có hay không chuyện doanh nghiệp đang âm thầm 'rút lui', tìm cách né tránh các đợt kiểm tra? Hay liệu có phải các sản phẩm này không đạt tiêu chuẩn hoặc có khuất tất khiến doanh nghiệp phải tự thu hồi?
Đơn cử, tính sơ bộ từ tháng 12/2024 đến nay, Cục Quản lý Dược Bộ Y tế đã ra quyết định thu hồi hơn 100 số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm (PCBSPMP) đối với sản phẩm mỹ phẩm Obagi.
Gần nhất, ngày 26/4/2025, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế đã có Quyết định (số 228/QĐ-QLD) về việc thu hồi một lần tới 64 số tiếp nhận PCBSPMP do Cục Quản lý Dược cấp đối với sản phẩm mỹ phẩm của thương hiệu Obagi (có danh mục bị thu hồi kèm theo).

Hóa đơn mua 2 sản phẩm kem dưỡng ẩm Obagi Hydrate Luxe Moisture - Rich Cream và OBAGI Professional-C Serum 15%.
Việc thu hồi này bắt nguồn từ đề nghị tự nguyện của doanh nghiệp chịu trách nhiệm đưa các sản phẩm ra thị trường là Công ty TNHH MTV Thương mại xuất nhập khẩu Obagi Việt Nam (Công ty Obagi Việt Nam, địa chỉ: Tầng 2, Hà Đô Airport Building, số 2 Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình (hiện là phường Tân Sơn Hòa, TP Hồ Chí Minh)…
Tuy nhiên, để tìm hiểu thực tế về tình hình thu hồi các sản phẩm, chúng tôi đã tìm tới một số cửa hàng mua bán mỹ phẩm và điều đáng ngạc nhiên là khi hỏi mua các sản phẩm mỹ phẩm Obagi (có trong danh sách vừa bị thu hồi PCBSPMP như kể trên) thì cửa hàng đều có sẵn sản phẩm để bán cho khách hàng.
Đơn cử, ngày 9/7, chúng tôi đến cửa hàng Watsons Bitexco (số 2 Hải Triều phường Bến Nghé, quận 1) hỏi mua sản phẩm kem dưỡng ẩm Obagi Hydrate Luxe Moisture - Rich Cream, nhân viên của cửa hàng đã nhanh chóng đưa ra sản phẩm bán cho khách hàng.


Sản phẩm Obagi-C Fx C-Clarifying Serum đã bị yêu cầu thu hồi trên toàn quốc do chứa chất cấm nhưng vẫn bán rầm rộ trên các trang mạng.
Theo đó, kem dưỡng ẩm Obagi Hydrate Luxe Moisture - Rich Cream được bán với giá 1,735 triệu đồng, do được giảm giá 10% cho đơn hàng đầu tiên nên sản phẩm còn 1,561 triệu đồng. Trên bao bì sản phẩm này được ghi có xuất xứ Mỹ, hạn sử dụng 22/4/2027. Công ty sản xuất là G.S. Cosmeceutical, USA, INC. 131 Pullman Street, Livermore, CA 94551, USA, dưới sự cho phép của Obagi Cosmeceuticals, LLC (USA).
Sản phẩm này được nhập khẩu và chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường là Công ty Obagi Việt Nam (12-12A Núi Thành, phường 13, quận Tân Bình; hiện là phường Tân Bình, TP Hồ Chí Minh).
Cùng ngày, chúng tôi đến cửa hàng Guardian (ở địa chỉ: 18C Nguyễn Thị Minh Khai, phường Sài Gòn, TP Hồ Chí Minh) để hỏi mua sản phẩm OBAGI Professional-C Serum 15%, sản phẩm này cũng được cửa hàng bán cho chúng tôi với giá 1,050 triệu đồng…
Tiếp tục tìm hiểu trên các trang mạng bán các sản phẩm Obagi có trong danh sách thu hồi PCBSPMP, chúng tôi không khó để thấy không ít các loại mỹ phẩm trong danh sách thu hồi vẫn được quảng cáo bán công khai như sản phẩm Obagi Medical (Kem hỗ trợ dưỡng trắng da giảm nám số 5Rx Obagi Nu-Derm Blender 57g) được (trang vuahanghieu.com) rao bán với giá 2,450 triệu đồng; hay sản phẩm Obagi Nu-Derm Clear 3 - Kem giảm nám tàn nhang đồi mồi được (trang sieuthilamdep.com) bán với giá 2,385 triệu đồng…

Loại kem dưỡng ẩm Obagi Hydrate Luxe Moisture - Rich Cream được bán với giá 1,735 triệu đồng.
Đáng nói, trong danh sách sản phẩm mỹ phẩm Obagi bị thu hồi thời gian qua, Cục Quản lý Dược đã yêu cầu thu hồi trên toàn quốc lô sản phẩm Obagi-C Fx C-Clarifying Serum (dung tích 30ml) do không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Trước đó, kết quả kiểm nghiệm từ Viện Kiểm nghiệm thuốc TP Hồ Chí Minh chỉ ra rằng sản phẩm này có chứa hydroquinone vượt mức cho phép (0,027%), mà theo báo cáo của Công ty Obagi Việt Nam thì chất này phát sinh từ quá trình phân hủy của thành phần arbutin khi sản phẩm tiếp xúc với nhiệt độ cao hoặc ánh sáng trong thời gian dài. Tuy nhiên, đây là một chất bị cấm sử dụng trong mỹ phẩm không kê đơn tại Việt Nam, vi phạm các quy định về an toàn mỹ phẩm vì có nguy cơ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Cục Quản lý Dược đã yêu cầu Công ty Obagi Việt Nam phải tiến hành thông báo và thu hồi toàn bộ sản phẩm này đã phân phối ra thị trường. Bên cạnh đó, công ty có trách nhiệm phối hợp với các cơ sở kinh doanh để tiếp nhận sản phẩm trả lại từ người tiêu dùng, đồng thời tổ chức tiêu hủy toàn bộ số sản phẩm thu hồi theo đúng quy định.


Hơn 13.000 đơn vị sản phẩm nhãn hiệu Obagi bị phát hiện là mỹ phẩm nhập lậu đã bị cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh tiêu hủy (vào năm 2022).
Ngoài ra, Cục Quản lý Dược cũng đã yêu cầu các Sở Y tế trên toàn quốc giám sát chặt chẽ quá trình thu hồi sản phẩm này tại các cơ sở kinh doanh, trường hợp phát hiện vi phạm, các đơn vị chức năng phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Riêng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh được yêu cầu giám sát Công ty Obagi Việt Nam trong việc thực hiện thu hồi và tiêu hủy lô sản phẩm không đáp ứng quy định.
Cục Quản lý Dược khuyến cáo người tiêu dùng nên ngừng sử dụng sản phẩm thuộc lô Obagi-C Fx C-Clarifying Serum. Những khách hàng đã mua sản phẩm cần nhanh chóng mang sản phẩm đến các cơ sở kinh doanh để được hỗ trợ trả lại hoặc hoàn tiền. Việc tiếp tục sử dụng sản phẩm này có thể gây ra các nguy cơ không mong muốn do tác động của hydroquinone, một chất có thể gây kích ứng hoặc tổn thương da nếu sử dụng lâu dài mà không có chỉ định y tế.
Tuy nhiên, thực tế khách hàng lại có thể dễ dàng tìm kiếm mua loại sản phẩm Obagi-C Fx C-Clarifying Serum trên các trang mạng bán mỹ phẩm với đủ các mức giá từ dưới 2 triệu đồng đến hơn 2,9 triệu đồng, tùy nơi bán; trong đó sản phẩm này ở trang sieuthilamdep.com được bán với giá hơn 2,6 triệu đồng…
Từ thực tế trên, việc các sản phẩm mỹ phẩm của Obagi, dù đã có quyết định thu hồi các số tiếp nhận PCBSPMP, vẫn được bán công khai trên thị trường.
Trao đổi về vấn đề này, ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, việc rút số PCBSPMP là hợp pháp nếu sản phẩm không còn lưu hành. Tuy nhiên, ông thừa nhận việc xin rút ồ ạt trong thời gian ngắn là điều “bất thường” và cần được theo dõi kỹ lưỡng.
Theo quy định hiện hành, số tiếp nhận PCBSPMP là điều kiện pháp lý bắt buộc để mỹ phẩm được phép lưu hành trên thị trường. Do đó, hành động thu hồi số tiếp nhận PCBSPMP đồng nghĩa với việc sản phẩm không còn được phép lưu hành. Nhưng việc có số PCBSPMP lại không đồng nghĩa với việc sản phẩm đã được chứng nhận an toàn hay hiệu quả, mà đây chỉ là bước đầu trong quy trình quản lý chất lượng sản phẩm. Do vậy, việc doanh nghiệp tự nguyện rút số tiếp nhận chỉ hợp lý khi sản phẩm thực sự không còn lưu hành.
Trong trường hợp doanh nghiệp lợi dụng việc rút công bố để né tránh hậu kiểm, tránh bị phát hiện vi phạm, họ vẫn có thể bị xử lý theo quy định pháp luật hiện hành. Nếu phát hiện sản phẩm đã rút số PCBSPMP, nhưng vẫn lưu hành trên thị trường, doanh nghiệp có thể bị phạt nặng, buộc thu hồi, tiêu hủy sản phẩm và có nguy cơ bị truy tố nếu gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Theo ông Tạ Mạnh Hùng, trong 5 tháng đầu năm 2025, số lượng thu hồi PCBSPMP, thu hồi quyết định cơ sở đủ điều kiện sản xuất tăng tới hơn 300 sản phẩm. Dù doanh nghiệp xin thu hồi tự nguyện, nếu cơ quan chức năng phát hiện sản phẩm có dấu hiệu vi phạm thì vẫn có thể xử lý nghiêm, không phải rút số là không còn căn cứ để xử lý.