Dù đã chỉ đạo tăng cường quản lý, nhưng tình trạng khai thác đất mặt ruộng trái phép vẫn còn diễn ra

Dù UBND các huyện phía Đông của tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các xã tăng cường việc quản lý, không cho khai thác đất mặt ruộng trái phép, nhưng tình trạng này vẫn còn diễn ra.

Khu vực khai thác đất mặt ruộng tại xã Bình Phú.

Khu vực khai thác đất mặt ruộng tại xã Bình Phú.

Trưa ngày 11-4, chúng tôi di chuyển men theo các tuyến đường giao thông nông thôn thuộc xã Bình Phú, huyện Gò Công Tây. Khi đến một tuyến đường nông thôn trải đá xanh thuộc ấp Bình Ninh, xã Bình Phú, chúng tôi ghi nhận nhiều chiếc xe 3 bánh (xe hoa lâm), thùng xe chở đầy vun đất, không che chắn đang lưu thông trên đường.

Các xe hoa lâm chở đất không che chắn di chuyển trên đường tại xã Bình Phú.

Các xe hoa lâm chở đất không che chắn di chuyển trên đường tại xã Bình Phú.

Lần theo hướng các phương tiện này di chuyển, chúng tôi ghi nhận khu vực mà các xe lấy đất cách đó khoảng vài trăm mét.

Những đống đất mặt ruộng tại xã Gia Thuận.

Những đống đất mặt ruộng tại xã Gia Thuận.

Tại đây, chúng tôi ghi nhận đất tại ruộng đã được máy cày ủi vun thành đống cao. Sau đó, đất được kobe xúc đưa lên các xe hoa lâm chở đến các nơi san lấp cách đó khoảng vài km. Điều đáng nói, dù các chiếc xe hoa lâm chở đất đầy vun, nhưng không che chắn trong suốt hành trình.

Một đám ruộng tại xã Tân Phước bị lấy đi lớp đất mặt làm cho mặt ruộng thấp hơn thửa ruộng kế bên khoảng 10 cm.

Một đám ruộng tại xã Tân Phước bị lấy đi lớp đất mặt làm cho mặt ruộng thấp hơn thửa ruộng kế bên khoảng 10 cm.

Trong chiều ngày 11-4, chúng tôi di chuyển trên tuyến đường tỉnh 871B về khu vực các xã Tân Phước, Gia Thuận và Kiểng Phước thuộc huyện Gò Công Đông. Dọc theo tuyến đường này, chúng tôi ghi nhận nhiều phương tiện chở đất di chuyển theo hướng từ Cụm công nghiệp Gia Thuận 1 về TP. Gò Công.

Anh T.B.T. - một hộ dân sinh sống tại huyện Gò Công Đông bức xúc nói: “Những ngày qua, xe chở đất chạy rất nhiều ở xã Tân Điền. Đa số các phương tiện canh giờ nghỉ hành chính mới hoạt động. Việc khai thác đất mặt ruộng này đang phá hoại mặt bằng chung trong canh tác lúa. Một ruộng lấy đất mặt buộc tất cả các ruộng kế bên phải làm theo”.

Chúng tôi di chuyển đến khu vực Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định (xã Gia Thuận) theo tuyến đường ấp 2. Khi đến ngã tư giao với đường số 8, chúng tôi rẽ trái vào đường số 8 và di chuyển về hướng xã Tân Phước.

Dọc theo tuyến đường, chúng tôi ghi nhận nhiều đám ruộng đã bị lấy đi lớp đất mặt. Có đám ruộng bị lấy đi lớp đất mặt làm mặt ruộng thấp hơn khoảng 10 cm so với ruộng bên cạnh. Với tình hình này, khả năng trong vụ tới, đám ruộng bên cạnh buộc phải lấy đi lớp đất mặt.

Phương tiện chở đất che chắn theo kiểu đối phó lưu thông trên tuyến Đường phát triển công nghiệp phía Đông.

Phương tiện chở đất che chắn theo kiểu đối phó lưu thông trên tuyến Đường phát triển công nghiệp phía Đông.

Rời xã Tân Phước, chúng tôi rẽ vào tuyến Đường phát triển công nghiệp phía Đông. Di chuyển được khoảng 200 m, chúng tôi nhìn thấy 1 xe ô tô tải chở đầy vun đất, che bạt theo kiểu đối phó lưu thông từ đường nông thôn ra Đường phát triển công nghiệp phía Đông rồi đường tỉnh 871B để chở đất về hướng TP. Gò Công.

Xe máy cày chở đất lưu thông qua cầu tạm tại khu vực khai thác đất mặt ruộng ở xã Kiểng Phước.

Xe máy cày chở đất lưu thông qua cầu tạm tại khu vực khai thác đất mặt ruộng ở xã Kiểng Phước.

Lần theo tuyến đường nông thôn mà xe ô tô tải chở đất vừa chạy ra, chúng tối tiếp tục men theo tuyến đường đất cặp kinh nội đồng khoảng vài km. Tại đây, chúng tôi phát hiện khu khai thác đất thuộc xã Kiểng Phước.

Xe tải chở đất che chắn "trống trước, trống sau" trên đường huyện 02.

Xe tải chở đất che chắn "trống trước, trống sau" trên đường huyện 02.

Tại đây, nhiều phương tiện như máy cày, xe ô tô tải chạy chở đất dọc theo tuyến đường đất cặp kinh nội đồng làm bụi bay mịt mù. Tiếng máy xúc ầm ầm, cùng tiếng máy xe, máy cày chở đất gây náo động cả khu vực. Điều đáng nói, để phục vụ việc chở đất, các phương tiện này còn “tự ý” bắc vỉ sắt qua kinh để làm cầu.

Nhiều xe chở đất lưu thông qua lại tại khu vực ngã tư đường tỉnh 871C và huyện lộ 02.

Nhiều xe chở đất lưu thông qua lại tại khu vực ngã tư đường tỉnh 871C và huyện lộ 02.

Rời xã Kiểng Phước, chúng tôi di chuyển dọc theo huyện lộ 02 hướng về xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông. Dọc theo hành trình, chúng tôi ghi nhận nhiều xe tải chở đất di chuyển theo hướng ngược lại. Thùng xe của các phương tiện này chở đầy vun đất, nhưng che chắn “trống trước, trống sau”, kiểu cho có.

Xe hoa lâm chở đất lưu thông trên đường tỉnh 871C.

Xe hoa lâm chở đất lưu thông trên đường tỉnh 871C.

Khi đến ngã tư giao giữa đường tỉnh 871C với đường huyện 02, có nhiều xe ô tô tải chở đất di chuyển qua lại tại khu vực này theo hướng về TP. Gò Công. Các xe chở đầy vun đất mà che chắn thì theo kiểu “cho có”. Cũng tại khu vực này, chúng tôi còn ghi nhận 1 xe hoa lâm chở đất trên đường tỉnh 871C mà không có bạt che đậy.

Tuyến đường có tải trọng cho phép 1,5 tấn, nhưng xe chở đất ra vào liên tục.

Tuyến đường có tải trọng cho phép 1,5 tấn, nhưng xe chở đất ra vào liên tục.

Theo một hộ dân sinh sống cặp đường tỉnh 871C, thời gian gần đây, có nhiều xe chở đất lưu thông trên tuyến đường này. Trong quá trình di chuyển, đất trên xe rơi xuống đường gây bụi nhiều.

Một xe ô tô tải chở đất quá tải 100,5% đang lưu thông trên đường tỉnh 871C (đoạn qua xã Bình Ân) bị lực lượng Cảnh sát giao thông lập biên bản xử lý vào chiều ngày 11-4.

Một xe ô tô tải chở đất quá tải 100,5% đang lưu thông trên đường tỉnh 871C (đoạn qua xã Bình Ân) bị lực lượng Cảnh sát giao thông lập biên bản xử lý vào chiều ngày 11-4.

Lần theo hướng các phương tiện di chuyển, chúng tôi rẽ vào đường huyện 07 rồi đường Bắc kinh Trần Văn Dõng, rồi đường kinh 1 (ấp Bắc 1, xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông). Chạy được khoảng hơn 1 km, chúng tôi đã nhìn thấy khu khai thác đất tại nơi này.

Nhiều xe ô tô tải thay phiên nhau chạy vào để kobe xúc đất lên và chở đi. Điều đáng nói, tuyến đường kinh 1 chỉ cho phép tải trọng là 1,5 tấn. Các xe ô tô tải di chuyển không cũng đã quá tải, chứ chưa nói đến việc chở đất trên thùng xe. Thế mà các phương tiện vẫn lưu thông.

Theo quy định, đất của các ruộng sản xuất nông nghiệp là khoáng sản, việc khai thác đất mặt của ruộng sản xuất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích như san lấp nền nhà, bán làm vật liệu sản xuất nông nghiệp cho những nơi khác là hoạt động khai thác khoáng sản, nếu hoạt động này chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì đó là khai thác khoáng sản trái phép.

Các hành vi khai thác khoáng sản trái phép bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24-3-2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản và Nghị định số 04/2022/NĐ-CP ngày 6-1-2022 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tài nguyên nước và khoáng sản; khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ.

Trước đó, phóng viên Báo Ấp Bắc đã có trao đổi với lãnh đạo UBND các huyện phía Đông về tình trạng khai thác đất mặt ruộng trái phép. Lãnh đạo các địa phương cho biết đã chỉ đạo các xã tăng cường kiểm tra, xử lý quyết liệt các hành vi khai thác đất mặt ruộng trái phép theo quy định pháp luật.

Việc để xảy ra tình trạng khai thác đất mặt ruộng trái phép là thuộc trách nhiệm về lãnh đạo xã. Tuy nhiên, trên thực tế mà chúng tôi ghi nhận được, hoạt động khai thác đất mặt ruộng trái phép vẫn diễn ra, chưa có dấu hiệu dừng lại.

Ý PHƯƠNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/phap-luat-an-ninh-trat-tu/202504/du-da-chi-dao-tang-cuong-quan-ly-nhung-tinh-trang-khai-thac-dat-mat-ruong-trai-phep-van-con-dien-ra-1039543/