Dư địa lớn cho nghề quản lý gia sản tại Việt Nam

Quản lý gia sản đang ngày được nhiều người quan tâm, nhất là trong bối cảnh số lượng người giàu tăng lên nhanh chóng. Ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần AzFin Việt Nam chia sẻ quanh câu chuyện này.

Nhu cầu dịch vụ quản lý gia sản tăng lên cùng với tốc độ tăng của tầng lớp người giàu ở Việt Nam

Nhu cầu dịch vụ quản lý gia sản tăng lên cùng với tốc độ tăng của tầng lớp người giàu ở Việt Nam

Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng người giàu vào mức cao của khu vực. Theo đó, dường như nhu cầu quản lý gia sản cũng đang được chú ý nhiều hơn?

Kể từ khi Việt Nam mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, thu nhập của người dân tăng nhanh. Người dân có tiền dôi dư nhiều hơn thì tự nhiên nhu cầu được quản lý gia sản nói chung và quản lý tài sản nói riêng cũng xuất hiện. Đây là một tất yếu khách quan mà bất kỳ đất nước, xã hội nào cũng trải qua.

Tuy vậy, có thực tế là, người Việt lâu nay có thói quen tự mình quản lý tài sản, tự đầu tư, nên các dịch vụ về quản lý gia sản chưa được quan tâm đúng mức.

Ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần AzFin Việt Nam

Ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần AzFin Việt Nam

Không ít cuộc chuyển giao sự thịnh vượng từ thế hệ F1 sang thế hệ sau bị thất bại, dường như nhiều người đang quan tâm hơn đến việc định hướng cho con cái trong việc tập đầu tư, làm quen với tài chính để quản lý gia sản?

Có thể nói, thế hệ doanh nhân đầu tiên bắt đầu tham gia thương trường từ thập niên 1990 và nở rộ sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007. Vì thế, việc chuyển giao gia sản cho thế hệ F1 đang dần bắt đầu nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm và tiền lệ, vì thế, có nhiều trường hợp chưa thành công. Để có thể chuyển giao thành công cho các lớp kế cận là không hề đơn giản, việc cho con làm quen với đầu tư và tài chính là điều hết sức cần thiết, bên cạnh các khía cạnh truyền nghề, để từ đó, sau nhiều năm trải nghiệm thực tế, các thế hệ tiếp theo có thể tiếp quản tài sản của gia tộc thành công.

Việc thuê tư vấn đầu tư, hay đầu tư vào các quỹ vẫn chưa phổ biến ở Việt Nam, theo ông, thực tế này nói lên điều gì?

Theo thống kê của AzFin Việt Nam, giá trị bất động sản các cá nhân Việt Nam nắm giữ có thể lên đến 2.900 - 3.800 tỷ USD. Kế đến là kênh gửi tiết kiệm, với khoảng 280 tỷ USD vào năm 2023.

Nếu như ở các nước phương Tây, việc thuê luật sư, chuyên gia tư vấn đầu tư hay đầu tư vào các quỹ chuyên nghiệp rất phổ biến thì ở Việt Nam, điều này còn rất hạn chế.

Nguyên nhân trước tiên là thói quen không tin tưởng vào người bên ngoài của người Việt nói riêng, người châu Á nói chung. Vì thế, họ thường tự mình quản lý tiền bạc, thay vì đầu tư vào các quỹ.

Kế đến là, ở Việt Nam hiện nay, rủi ro lừa đảo vẫn cao, vì thế, người dân nếu không có hiểu biết và kinh nghiệm sẽ không phân biệt thật giả như thế nào để tin tưởng gửi tiền của mình vào đó.

Cuối cùng, thị trường chứng khoán nước ta mới hình thành được 24 năm và còn rất mới với nhiều người, vì vậy, việc đầu tư vào các quỹ là mới mẻ và chưa phổ biến, cần có thêm thời gian để nâng cao tỷ lệ nhà đầu tư gửi gắm vào quỹ đầu tư chuyên nghiệp.

Theo quan sát của ông, trong các kênh đầu tư hiện nay, người giàu bỏ tiền vào kênh nào nhiều nhất?

Kênh đầu tư được giới nhà giàu Việt Nam ưa thích nhất hiện nay vẫn là bất động sản. Theo thống kê của AzFin Việt Nam, giá trị bất động sản các cá nhân Việt Nam nắm giữ có thể lên đến 2.900 - 3.800 tỷ USD. Kế đến là kênh gửi tiết kiệm, với khoảng 280 tỷ USD vào năm 2023. Tiếp theo là vàng bạc - đá quý - kim cương, tiếp đến là chứng khoán và cuối cùng là họ manh nha đầu tư vào tác phẩm nghệ thuật.

Nguyên nhân bất động sản là tài sản chính người giàu đầu tư xuất phát từ nguồn gốc kinh tế nông nghiệp, luôn coi đất đai là tư liệu sản xuất, đất là nguồn sống và giờ đây đất ngày càng khan hiếm.

Với người giàu, phong cách, khẩu vị đầu tư vào các kênh này liệu có khác biệt nhiều so với những người chưa giàu?

Người giàu đầu tư khác người chưa giàu rất nhiều trong mọi khía cạnh. Về tính đa dạng tài sản, người giàu có sự đa dạng hóa tốt hơn, với đầy đủ các tài sản từ phòng vệ, dòng tiền, tăng trưởng, trong khi người chưa giàu đầu tư khá lệch, chỉ tập trung vào một, cùng lắm là hai loại tài sản. Về mức độ rủi ro, người giàu đầu tư cân bằng hơn, rủi ro thấp hơn. Ngược lại, người chưa giàu có mức độ tập trung cao, nên rủi ro cao hơn. Ngoài ra, người giàu có xu hướng đầu tư vào các kênh tài sản mới nhiều hơn, trong khi người chưa giàu tập trung vào các kênh truyền thống.

Tuy vậy, không thực sự có một sự phân định rõ ràng về phong cách đầu tư của người giàu và chưa giàu. Điều khác biệt lớn nhất là tư duy đầu tư của người giàu thường hướng tầm nhìn dài hạn, còn người chưa giàu nhìn trước mắt.

Được biết, AzFin Việt Nam đã có những khóa học quản lý gia sản. Từ kinh nghiệm của ông, việc quản lý gia sản nên bắt đầu từ những hành động, hạng mục nào?

Đối với việc quản lý gia sản, chúng ta cần tiến hành đồng thời cả hai việc: quản lý tài sản và xây dựng truyền thống gia đình, kết hợp đào tạo đội ngũ kế cận. Hai việc này đều cần có nhau, để làm sao tài sản phát triển tốt và năng lực quản lý tài sản của các thành viên trong gia đình cũng nâng lên, từ đó mới có được sự phát triển bền vững và trường tồn.

Với quản lý tài sản, cần xây dựng đầy đủ từ gốc, đó là các tài sản phòng vệ, tài sản dòng tiền, tài sản tăng trưởng. Với việc xây dựng truyền thống gia đình, cần trang bị kiến thức tài chính cá nhân từ khi con cái từ bậc tiểu học và phát triển dần lên, mục tiêu hướng đến khi tốt nghiệp đại học là có thể dần dần thay thế bố mẹ trong việc quản lý kinh doanh, sản nghiệp gia đình.

Dù có sự tăng trưởng mạnh trong thời gian qua, song tỷ lệ dân số có tài khoản đầu tư chứng khoán của Việt Nam vẫn còn thấp. Ông có bình luận gì về vấn đề này?

Tỷ lệ người dân đầu tư chứng khoán còn thấp đến từ các nguyên nhân sau: Thứ nhất, định kiến của nhiều người dân về đầu tư chứng khoán không khác gì đánh bạc, khi mà rất nhiều người tham gia thị trường đã mất trắng vì rất nhiều nguyên nhân như bị lừa, bị cuốn vào đầu cơ làm giá, mua phải những doanh nghiệp giấy. Thứ hai, thị trường chứng khoán là kênh đầu tư mới, hiện đại, nên vẫn chưa được phổ biến rộng khắp như gửi tiết kiệm hay mua bán bất động sản.

Đã đến lúc Việt Nam cần phát triển đội ngũ tư vấn đầu tư chuyên nghiệp?

Hiện nay, đội ngũ tư vấn đầu tư phát triển thiếu chiều sâu, đa phần chuyên môn còn rất kém.

Ngoài ra, đạo đức một bộ phận cũng có vấn đề. Vì thế, cần thiết phát triển một lực lượng tư vấn đầu tư và quản lý tài sản chuyên nghiệp, bài bản và am hiểu về các kênh đầu tư, từ đó mới lấy được lòng tin của các nhà đầu tư và thúc đẩy sự phát triển của thị trường quản lý tài sản tại Việt Nam.

Từ góc nhìn của ông, dư địa phát triển của nghề tư vấn đầu tư, quản lý gia sản ra sao?

Dư địa nghề nghiệp cho lĩnh vực quản lý gia sản ở Việt Nam rất lớn. Sự phát triển của nền kinh tế thúc đẩy tăng trưởng rất nhanh những người giàu và siêu giàu. Để đáp ứng được nhu cầu rất lớn về quản lý gia sản, thậm chí, chúng ta cần hàng trăm ngàn nhân sự trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, để có thể hành nghề trong lĩnh vực này là không hề đơn giản, vì khách hàng của họ đa phần là tầng lớp tinh hoa của xã hội.

Thành Nguyễn thực hiện.

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/du-dia-lon-cho-nghe-quan-ly-gia-san-tai-viet-nam-post346412.html