Đủ điều kiện để quyết định mạnh mẽ việc cho học sinh đến trường

Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn, đến thời điểm này, chúng ta đã có đủ căn cứ, điều kiện để có thể quyết định mạnh mẽ hơn cho học sinh trở lại trường học.

Ngày 19.1, Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo trực tuyến về tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp bảo đảm an toàn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục.

Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay, trong bối cảnh hiện nay, khi tỉ lệ tiêm vaccine rất cao, các điều kiện về thuốc chữa đã có những cải thiện, điều kiện phòng chống dịch và hiểu biết của người dân về phòng chống dịch được nâng cao, các địa phương đã có thêm nhiều kinh nghiệm trong việc phòng chống dịch…, thì việc từng bước mở cửa trường học là cần thiết.

“Với khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, các kinh nghiệm của các nước trong phòng chống dịch, đây là lúc chúng ta cần có những điều chỉnh trong việc mở cửa trường học an toàn” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị các địa phương khẩn trương cho học sinh đến trường

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị các địa phương khẩn trương cho học sinh đến trường

Đã đủ căn cứ, điều kiện để quyết định mạnh mẽ hơn

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết tỷ lệ bao phủ vaccine mũi 2 đạt gần 100%, tỷ lệ học sinh từ 12-17 tuổi được tiêm vaccine cũng khá cao. Vì vậy, Bộ Y tế đồng lòng với Bộ GD-ĐT về việc tổ chức dạy học trực tiếp, cho học sinh trở lại trường.

Đồng thời sẽ tiếp tục phối hợp để ban hành các văn bản thông báo các biện pháp bảo đảm an toàn khi học sinh đến trường.

Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng bày tỏ dịch Covid-19 luôn luôn diễn biến phức tạp, nhưng ngành giáo dục cần hướng đến một sự ứng phó chủ động hơn. Tinh thần là khẩn trương cho học sinh trở lại trường.

“Trên cơ sở phân tích, đánh giá của Bộ GD-ĐT cũng như các chuyên gia, cán bộ, quản lý cho thấy, việc học trực tuyến phần nào cũng giúp bảo đảm duy trì việc học, nhưng nếu kéo dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của cả người dạy và học. Đến thời điểm này, chúng ta đã có đủ những căn cứ, điều kiện để có thể quyết định mạnh mẽ hơn cho học sinh trở lại trường học”.

Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị lãnh đạo các địa phương, các sở GD-ĐT cần khẩn trương, cương quyết, chu đáo trong chuẩn bị để đưa học sinh trở lại trường, kể cả đối tượng học sinh THCS và THPT đã được tiêm vaccine cũng như các học sinh tiểu học, mầm non chưa được tiêm vaccine.

“Đề nghị các địa phương cần làm công tác tư tưởng để có sự đồng thuận, hợp tác của các phụ huynh, đặc biệt nhóm phụ huynh của trẻ mầm non, tiểu học. Phương án tốt nhất của chúng ta lúc này là hãy đưa học sinh đến trường”.

Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng đề nghị các địa phương gia tăng các điều kiện về y tế, cơ sở vật chất để chuẩn bị cho các kịch bản dịch bệnh.

“Rất khẩn trương, cương quyết nhưng cần tránh sự cực đoan chần chừ, e dè thái quá, hay ngược lại - khi cho học sinh trở lại trường thì chủ quan, phó mặc bảo đảm an toàn phòng chống dịch cho nhà trường, giáo viên”.

Bộ trưởng GD-ĐT cũng lưu ý sau quá trình học trực tuyến, học sinh và giáo viên đã bắt đầu nảy sinh tâm lý ngại học và dạy trực tiếp. Do đó các sở, trường cần có phương án để học sinh và giáo viên hứng thú, thích ứng trở lại.

"Tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 trong trường học rất thấp"

Tại hội thảo ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD-ĐT) cho hay, qua báo cáo cho thấy, tỷ lệ lây nhiễm trong trường học là rất thấp.

Tại TP Hồ Chí Minh, theo thống kê của Sở GD-ĐT, số lượng học sinh từ khối 7 đến khối 12 đi học trực tiếp đã đạt tỷ lệ 98,48%.

Tỷ lệ 130 học sinh nhiễm trên tổng số 552.403 học sinh chỉ chiếm 0,02%.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất Nguyễn Thanh Đề

Còn đối với tỉnh Bắc Giang - một trong những tỉnh cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, theo ông Đề, tỷ lệ lây nhiễm cũng rất thấp.

“Trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp đã phát sinh ổ dịch tại 2 Trường Tiểu học Ngô Sỹ Liên có 132 học sinh F0, Trường Tiểu học Đông Thành có 47 học sinh F0, nhưng ngành giáo dục đã phối hợp cùng ngành y tế triển khai kích hoạt các kịch bản ứng phó nên cơ bản đã kiểm soát được ổ dịch tại 2 trường nên việc dạy và học tại các trường trên địa bàn vẫn triển khai bình thường”.

Ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD-ĐT) cho hay, theo khuyến cáo của UNICEF và kinh nghiệm của các quốc gia, khi có dịch Covid-19, nơi đóng cửa muộn nhất là trường học và khi an toàn thì nơi mở cửa sớm nhất cũng phải là trường học.

“Với trẻ chưa tiêm và không tiêm thì các nước cũng hối thúc đi học. Kinh nghiệm cho thấy Singapore và Nhật Bản quản lý chặt hơn khi kiểm tra các triệu chứng; Canada và Mỹ yêu cầu nộp kết quả xét nghiệm”.

Ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD-ĐT)

Ông Phạm Quang Hưng, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD-ĐT)

Theo ông Hưng, ở Việt Nam, các biện pháp bảo đảm an toàn để học sinh có thể quay trở lại trường học đã và đang thực hiện khá tương đồng với thế giới.

Tính đến ngày 15.1.2022, số học sinh đã được tiêm mũi 1 là hơn 6,5 triệu (trên tổng số 7.213.883 học sinh), số học sinh tiêm mũi 2 là hơn 5,2 triệu (đạt 72,24%).

Số cán bộ, giáo viên, nhân viên trường học được tiêm mũi 2 là hơn 1,22 triệu (trên tổng số 1.494.618 người). Còn số đã tiêm mũi 3 là 422.519 người (đạt 28,2%).

Theo Vietnamnet

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/giao-duc/du-dieu-kien-de-quyet-dinh-manh-me-viec-cho-hoc-sinh-den-truong-193497