Dự đoán bức tranh kinh tế toàn cầu 2019
Tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và bất ổn địa chính trị trên thế giới đã khiến các tổ chức uy tín đưa ra nhiều dự báo không mấy lạc quan về kinh tế toàn cầu trong năm 2019.
Trong báo cáo về triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất, IMF đã điều chỉnh cắt giảm dự báo tăng trưởng cho năm 2019 từ mức 3,7% (đưa ra hồi tháng 10/2018) xuống còn 3,5%.
Bà Christine Lagarde - Tổng Giám đốc IMF cho biết cơ quan này phải hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, Brexit, cùng nhiều bất ổn khác.
Trong đó, IMF cắt giảm dự báo tăng trưởng của Italy xuống còn 0,6% và của Pháp xuống còn 1,5%.
Tương tự IMF, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho rằng, kinh tế thế giới năm 2019 sẽ tăng 3,5% do một số trở ngại, trong đó có căng thẳng thương mại đang diễn ra giữa Trung Quốc và Mỹ.
Trong báo cáo triển vọng kinh tế gần nhất, OECD đã hạ dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay so với mức dự báo 3,7% được đưa ra hồi tháng 9 vừa qua.
OECD cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản năm 2019 từ mức 1,2% xuống còn 1%. Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới được dự báo tăng 0,7% vào năm 2020.
Ngân hàng Thế giới (WB) tại báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu” công bố thượng tuần tháng 1/2019 cũng cho rằng, kinh tế toàn cầu sẽ mất đà tăng trưởng trong năm 2019. Trong báo cáo này, WB giảm dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019 xuống mức 2,9% trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng.
Theo WB, kinh tế Mỹ có thể tăng 2,5% trong năm nay, so với mức tăng 2,9% trong năm 2018. Kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng 6,2% năm nay, so với mức tăng 6,5% trong 2018.
Trong khi đó, Liên Hợp Quốc (LHQ) cho rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng ở mức 3% trong năm 2019. Báo cáo về triển vọng kinh tế thế giới năm 2019 của LHQ dự báo tăng trưởng sẽ không đồng đều ở các quốc gia, trong đó các nước nghèo vẫn tiếp tục tăng trưởng thấp.
Chủ tịch WEF, Borge Brende cho rằng, những mâu thuẫn địa chính trị có thể tạo thành lực cản đối với đà tăng trưởng toàn cầu.