Dự đoán điểm chuẩn khối ngành Luật, Báo chí có thể tăng nhẹ so với năm 2023

Các trường đại học dự báo điểm chuẩn khối ngành Luật, Báo chí năm 2024 có thể tăng nhẹ so với năm 2023.

Năm 2024, điểm chuẩn khối ngành pháp luật và ngành Báo chí được dự báo sẽ giữ mức ổn định và có thể tăng nhẹ so với năm 2023.

Các yếu tố như điểm trung bình và trung vị của các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông tăng, số lượng chỉ tiêu tuyển sinh tăng, và các phương thức xét tuyển đa dạng đóng vai trò quan trọng trong việc xác định điểm chuẩn.

Để tối đa hóa cơ hội trúng tuyển vào ngành học mong muốn, các chuyên gia cho biết thí sinh cần nắm rõ nguyên tắc xét tuyển và sắp xếp nguyện vọng một cách thông minh.

Dự báo điểm chuẩn khối ngành pháp luật không có nhiều biến động

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thầy Lê Xuân Vinh - Trưởng phòng Đào tạo đại học, Trường Đại học Quy Nhơn cho biết, phổ điểm năm nay cho thấy sự ổn định và phân hóa phù hợp.

Điểm trung vị của nhiều tổ hợp thường được sử dụng xét tuyển khối ngành pháp luật năm nay cao hơn năm trước, dẫn đến sự dịch chuyển của toàn bộ phân phối điểm số sang phải và số lượng học sinh đạt điểm cao tăng nhẹ.

Tuy nhiên, độ chênh lệch không quá lớn, do đó điểm chuẩn các ngành thuộc khối ngành pháp luật vẫn sẽ giữ mức ổn định so với năm ngoái, với những ngành "hot" có thể tăng nhẹ khoảng 0.25 điểm.

Theo thông tin tuyển sinh, ngành Luật tại Trường Đại học Quy Nhơn đã được mở từ năm 2018 và đến nay đã trải qua 6 năm đào tạo. Những năm gần đây, trường tuyển 200 sinh viên mỗi năm cho ngành này.

Tiến sĩ Trần Viết Long - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Luật - Đại học Huế dự đoán điểm chuẩn năm 2024 trong lĩnh vực pháp luật theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ không có nhiều biến động.

Thầy Long cho biết, năm 2024, điểm trung bình và điểm trung vị ở các môn thuộc nhóm Khoa học Xã hội tăng so với năm 2023. Tuy vậy, mức tăng này không quá cao, không tạo ra biến động lớn trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2024.

 Sinh viên K47 (khóa 2023) làm thủ tục nhập học tại Trường Đại học Luật - Đại học Huế. Ảnh: Website nhà trường

Sinh viên K47 (khóa 2023) làm thủ tục nhập học tại Trường Đại học Luật - Đại học Huế. Ảnh: Website nhà trường

Năm 2024, Trường Đại học Luật - Đại học Huế tuyển sinh 1400 chỉ tiêu cho 2 ngành đào tạo là Luật và Luật Kinh tế, mỗi ngành 700 chỉ tiêu. Trong đó, chỉ tiêu mỗi ngành với phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2024 là 420 sinh viên.

Theo thầy Long, qua thống kê cho thấy, hằng năm số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển vào trường ổn định, điểm chuẩn không có sự biến động lớn.

Công tác tuyển sinh những năm qua của nhà trường thuận lợi, quy mô tuyển sinh phù hợp với năng lực đào tạo của nhà trường. Các hoạt động quảng bá tuyển sinh được thực hiện theo hình thức trực tiếp và gián tiếp giúp thí sinh, phụ huynh tìm hiểu và nắm rõ thông tin về trường và ngành đào tạo.

Điểm chuẩn ngành Báo chí có thể tăng nhẹ

Phó giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thu Hương - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội dự báo: Điểm chuẩn của ngành Báo chí nói riêng và các ngành khác nói chung của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn về cơ bản sẽ giữ mức ổn định, có thể tăng nhẹ so với năm 2023.

Lý giải điều này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thu Hương cho biết, năm 2024, các môn thi đều có điểm trung bình nhích cao hơn so với năm 2023.

Đơn cử, điểm Ngữ văn có điểm trung bình 7,23, điểm môn Toán trung bình 6,45, điểm Ngoại ngữ là 5,51 (trong khi năm 2023 điểm này lần lượng là 6,86; 6,25 và 5,45), điểm trung bình của môn Lịch sử và Địa lý đều có xu hướng tăng hơn so với năm 2023 từ 0,5 đến 1 điểm. Duy chỉ có điểm môn Giáo dục công dân, điểm trung bình có giảm nhẹ, từ 8,29 xuống còn 8,16.

Hơn nữa, năm nay, tổng chỉ tiêu của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tăng 115% so với năm 2023, đồng thời, đối với một số ngành thu hút lớn nhu cầu xã hội lớn, trong đó có Báo chí, nhà trường dành chỉ tiêu vượt tới 130% so với năm 2023.

Bên cạnh đó, trong 6 phương thức tuyển sinh, nhà trường dành tỷ lệ hơn 50% cho phương thức xét tuyển trung học phổ thông.

 Phó giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thu Hương (áo xanh) và các thầy cô Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội trong Ngày hội Lựa chọn nguyện vọng xét tuyển đại học 2024. Ảnh: Website nhà trường

Phó giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thu Hương (áo xanh) và các thầy cô Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội trong Ngày hội Lựa chọn nguyện vọng xét tuyển đại học 2024. Ảnh: Website nhà trường

Cô Hương chia sẻ thêm, một trong những lợi thế của sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn là được học cùng lúc 2 chương trình đào tạo để tốt nghiệp với 2 bằng đại học chính quy sau khoảng 5 năm học.

Cụ thể, sinh viên của trường có thể đăng ký học bất kỳ một ngành đào tạo trong số 26 chương trình đào tạo bậc cử nhân của nhà trường, sau khi hoàn thành ít nhất 2 học kỳ của chương trình đào tạo thứ nhất, và có điểm trung bình từ mức khá trở lên. Đây là hướng đi thiết thực để các bạn học sinh đạt đến đích ngành học mong đợi khi điểm thi chưa đáp ứng chuẩn đầu vào của ngành học tại thời điểm xét tuyển.

Về vấn đề đăng ký nguyện vọng, thầy Vinh khuyên học sinh cần nắm rõ nguyên tắc xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi đặt nguyện vọng. Đối với ngành mà mình yêu thích nhất, nên đặt nguyện vọng ở vị trí ưu tiên cao nhất. Đối với những học sinh chưa rõ sở thích, nên đặt nguyện vọng dựa trên chất lượng đào tạo của ngành và trường.

“Quan trọng là phải có những phương án dự phòng với điểm chuẩn không quá cao so với kết quả học tập của mình để đảm bảo cơ hội trúng tuyển. Bằng cách này, học sinh sẽ có nhiều cơ hội trúng tuyển hơn và tránh được tình trạng không đỗ nguyện vọng nào do điểm chuẩn cao hơn dự kiến”, thầy Vinh cho hay.

Cùng bàn về vấn đề này, cô Hương cho biết, theo Quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh được đăng ký không hạn chế các nguyện vọng, và các trường cũng chỉ xét trên cơ sở điểm của thí sinh. Có nghĩa là, học sinh nên sắp xếp thứ tự nguyện vọng trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ lần lượt theo thứ tự niềm đam mê yêu thích của mình đối với các ngành, các trường.

“Lựa chọn nguyện vọng 1 là các ngành mà bạn yêu thích nhất. Nếu trượt nguyện vọng 1, các bạn vẫn được các trường đại học xét các nguyện vọng kế tiếp theo một cách công bằng với tất cả các bạn khác cùng ngưỡng điểm, cho dù thứ tự nguyện vọng mỗi bạn có khác nhau”, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh.

Châu Anh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/du-doan-diem-chuan-khoi-nganh-luat-bao-chi-co-the-tang-nhe-so-voi-nam-2023-post244289.gd