Dự đoán về thị trường dầu trong thập niên tới

Các nhà phân tích đã dự đoán những nhân tố then chốt có thể định hình thị trường dầu mỏ trong 10 năm tới.

Một nhà máy lọc dầu ở ngoại ô Paris. Ảnh: Reuters

Một nhà máy lọc dầu ở ngoại ô Paris. Ảnh: Reuters

Năm 2019 đánh dấu một thập niên nhiều biến động với thị trường dầu mỏ khi giá dầu thô biến động từ mức cao 125 USD/thùng năm 2012 xuống chỉ còn 30 USD/thùng trong tháng 1/2016.

Biến động địa chính trị, tăng trưởng kinh tế và sản lượng dầu đá phiến của Mỹ tăng cao cùng chính sách của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) là nhân tố ảnh hưởng tới giá dầu.

Theo ông Andy Critchlow tại công ty cung cấp thông tin về năng lượng và hàng hóa S & P Global Platts (Anh), các yếu tố then chốt quyết định giá dầu của thập niên mới có nhiều điểm tương đồng so với thập niên vừa qua.

Đó là tình trạng kinh tế toàn cầu, sản lượng dầu mỏ Mỹ, xuất khẩu tăng và OPEC+ cũng như nhiều nước khai thác dầu khác không thuộc OPEC như Nga sẽ tiếp tục tạo ảnh hưởng.

Kênh RT (Nga) cho biết rối loạn về địa chính trị và chính sách trừng phạt của Mỹ đối với các nhà xuất khẩu dầu lớn như Iran và Venezuela cũng gây ảnh hưởng đến nguồn cung của thị trường trong những năm tới.

Năng lượng tái tạo và phương tiện chạy bằng điện sẽ dần dần thay thế nhu cầu về nguyên liệu hóa thạch trong thập niên tới. Lo ngại về biến đổi khí hậu cũng tác động đến quyết định đầu tư vào sản xuất nhiên liệu hóa thạch.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu và suy thoái chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu và giá dầu trong thập niên tới. Ngoài ra, cuộc đối đầu giữa Saudi Arabia và Iran cũng sẽ tác động tới nguồn cung dầu mỏ hàng ngày của thế giới.

Bức tranh cơ bản về cung và cầu sẽ duy trì như cũ nhưng chính sách khuyến khích hướng tới nền kinh tế xanh hơn sẽ là yếu tố mới định hình thị trường dầu mỏ và tác động tới giá dầu.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) trong đánh giá thường niên về năng lượng thế giới cho biết có khả năng nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng vọt trong thập niên 2030. Nhu cầu về dầu trên toàn cầu sẽ đạt đỉnh vào giữa thập niên 2020.

IEA dự báo về năm 2040: “Nhu cầu dầu dành cho xe đường dài, tàu biển và hàng không cùng sản phẩm hóa dầu sẽ tiếp tục tăng. Xe ô tô sẽ được sử dụng mạnh vào cuối thập niên 2020 vì có nhiều cải tiến trong tiêu thụ nhiên liệu và thay đổi nhiên liệu sang hình thức khác, như điện. Giá pin rẻ cũng là phần quan trọng, khiến xe điện ở một số thị trường nhanh chóng có thể cạnh tranh về giá so với xe bình thường.

OPEC sẽ tiếp tục coi dầu mỏ là nhiên liệu có thị phần cao nhất trong năng lượng toàn cầu cho đến 2040. OPEC cũng cho rằng xe động cơ điện sẽ chỉ chiếm 13% trong tổng lượng xe toàn cầu trong năm 2040 và xe động cơ xăng vẫn chiếm phần đa số.

OPEC nhấn mạnh việc giá dầu giảm trong giai đoạn 2015-2016 kéo theo giảm đầu tư và khai thác dầu cũng sẽ gây ảnh hưởng tới nguồn cung dầu trong thập niên 2020. Trong tháng 11, OPEC nhận định rằng đến năm 2040, thế giới sẽ cần 10,6 nghìn tỷ USD đầu tư vào dầu mỏ.

Theo nhiều dự đoán, trong năm 2020, sản lượng khai thác dầu đá phiến của Mỹ sẽ tăng hơn 1 triệu thùng/ngày. Sản lượng này dự kiến bắt đầu giảm từ giữa hoặc cuối thập niên 2020.

Hà Linh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/du-doan-ve-thi-truong-dau-trong-thap-nien-toi-20191230155813088.htm