Dù được nới lỏng, nhiều nhà hàng ăn uống, cửa hàng thời trang vẫn 'án binh bất động'

Một phần là do chưa tổ chức được khâu nhân sự, phần còn lại là do các nhà hàng chỉ được phép bán mang về. Do đó, nhiều nhà hàng vẫn… 'án binh bất động' trong thời điểm này.

Theo quyết định của UBND Hà Nội, từ ngày 28/9, các trung tâm thương mại, cùng một số dịch vụ kinh doanh như cửa hàng ăn uống được phép mang về, cửa hàng may mặc, thời trang, hóa mỹ phẩm sẽ được hoạt động trở lại.

Theo ghi nhận của PV báo Nhà báo và Công luận, vào chiều 28/9, dù các trung tâm thương mại đã bắt đầu hoạt động, song số lượng người lui tới không đông. Một phần, tâm lý của người dân vẫn lo ngại dịch bệnh có thể bùng phát, hạn chế lui tới các địa điểm công cộng.

Nhiều nhà hàng vẫn tạm thời “án binh” trong thời điểm này.

Nguyên nhân còn lại do thời điểm mở cửa trở lại trùng với giờ hành chính, nên số lượng người tới các trung tâm thương mại không đông.

Cũng theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết các cửa hàng thời trang thương hiệu ngoại như Zara, H&M, UniQlo,... đều hoạt động trở lại sáng nay. Trong khi đó, một số cửa hàng thời trang “nội”, tạm thời vẫn ngừng hoạt động.

Bà Tam Nguyên, đại diện một thương hiệu thời trang tại Hà Nội chia sẻ: “Chúng tôi đã chờ hơn 2 tháng để mở cửa trở lại, tuy nhiên, lãnh đạo Hà Nội ra quyết định nới lỏng các hoạt động kinh doanh khá bất ngờ, nên chúng tôi chưa chuẩn bị được khâu nhân sự, nhất là các bộ phận bán hàng và thu ngân”.

The bà Nguyên, trong khoảng thời gian giãn cách, doanh nghiệp đã phải cắt giảm rất nhiều nhân sự, tại nhiều bộ phận khác nhau. Do đó, khi hoạt động trở lại, doanh nghiệp này gặp trục trặc trong khâu tuyển dụng lại nhân sự.

“Đây là điều mà nhiều doanh nghiệp đang gặp phải trong giai đoạn bình thường mới hiện nay. Nếu thuận lợi, chúng tôi có thể mở cửa trở lại trong 2 - 3 ngày tới”, bà Nguyên nói.

Trái ngược với các ngành hàng thời trang, khu vực nhà hàng, dịch vụ ăn uống tại các trung tâm thương mại lại rất vắng vẻ. Số lượng nhà hàng mở cửa trở lại chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Một phần là do chưa tổ chức được khâu nhân sự, phần còn lại là do các nhà hàng chỉ được phép bán mang về. Do đó, nhiều nhà hàng vẫn tạm thời “ngủ đông” trong thời điểm này.

Ông Trí, đại diễn một chuỗi nhà hàng tại Hà Nội nhận định: “Do chỉ được bán mang về, chúng tôi chưa vội mở lại cửa hàng bên trong các trung tâm thương mại. Thay vào đó, chúng tôi tập trung liên kết với các ứng dụng đặt hàng, để đẩy mạnh việc bán hàng online".

Ông Trí thừa nhận, việc các nhà hàng chỉ được phép bán mang về đã làm giảm 70% doanh thu. Thế nhưng, trong thời điểm dịch bệnh phức tạp như hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ còn cách đẩy mạnh bán hàng online, nhằm thu hồi lại vốn.

“Đa phần nhu cầu của khách thích ăn uống tại nhà hàng hơn là mua mang về, do đó chúng tôi chưa mở cửa lại là vì lý do này”, ông Trí cho biết thêm.

Dù các trung tâm thương mại đã bắt đầu hoạt động, song số lượng người lui tới không đông.

Trong khi đó, bà Nguyệt, đại diện truyền thông của một Tập đoàn bất động sản, trung tâm thương mại cho biết: Hiện nay, hầu như các trung tâm thương mại đều muốn các doanh nghiệp mở cửa, hoạt động kinh doanh trở lại.

Tuy nhiên, một số đơn vị có thể gặp trục trặc trong vấn đề khử khuẩn cửa hàng, mã QR code, hoặc một số yêu cầu giãn cách theo quy định của UBND Hà Nội. Do đó, họ cần có thêm thời gian để chuẩn bị mở cửa trở lại,

Riêng với khối nhà hàng, dịch vụ ăn uống, do chỉ được phép bán mang về, nên nhiều đơn vị vẫn dè chừng trong việc hoạt động trở lại.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/du-duoc-noi-long-nhieu-nha-hang-an-uong-cua-hang-thoi-trang-van-an-binh-bat-dong-post158534.html