Dù gái hay trai cũng không đẻ nữa

Nhiều cặp vợ chồng trẻ ở Hải Dương không mặn mà trước đề xuất bỏ quy định cặp vợ chồng chỉ sinh 1 hoặc 2 con vì ngại đẻ thêm dù sinh đủ cả con gái, con trai hoặc sinh con một bề.

Nhiều cặp vợ chồng trẻ ngại sinh nhiều con vì áp lực kinh tế. Trong ảnh: Chị Lô Thị Chi Na, công nhân ở trọ ở xã Cẩm Phúc (Cẩm Giàng) dự định chỉ sinh 2 con, dù gái hay trai

Nhiều cặp vợ chồng trẻ ngại sinh nhiều con vì áp lực kinh tế. Trong ảnh: Chị Lô Thị Chi Na, công nhân ở trọ ở xã Cẩm Phúc (Cẩm Giàng) dự định chỉ sinh 2 con, dù gái hay trai

Nuôi con ngày càng tốn kém

Ngày nay, kinh tế phát triển, điều kiện sống được nâng lên kéo theo những yêu cầu khắt khe hơn khi chăm sóc, nuôi dạy một đứa trẻ. Vì nỗi lo cơm áo gạo tiền mà nhiều vợ chồng trẻ ở Hải Dương ngày càng ngại đẻ nhiều con.

Ở thôn Phúc Cầu, xã Cẩm Phúc, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương), nhiều cặp vợ chồng công nhân trẻ chỉ sinh 1 hoặc 2 con, hiếm thấy gia đình nào sinh con từ con thứ 3 trở lên. Chị Lô Thị Chi Na, một công nhân sinh năm 2002 đang ở trọ trong căn nhà nhỏ cùng chồng và con gái. Chị Na đang mang thai thêm một bé và cho biết sẽ không sinh con thứ 3 vì lo kinh tế và áp lực việc nuôi dạy con. Năm nay, con gái lớn của chị Na gần 4 tuổi. Lương của một người để lo chi phí chăm sóc con gái là vừa đủ, phần còn lại để trả tiền nhà trọ và chi phí sinh hoạt của cả gia đình.

"Trước đây, khi đã sinh con gái đầu lòng, tôi bảo chồng chỉ muốn sinh một đứa duy nhất để nuôi dạy cho tốt và đỡ áp lực kinh tế nhưng chồng tôi muốn con có chị, có em nên sinh thêm cháu thứ 2 và không có dự định sinh thêm nữa", chị Na chia sẻ.

Cũng vì nuôi con bây giờ lắm công phu nên một số vợ chồng trẻ ở Hải Dương dù có điều kiện kinh tế vẫn ngại sinh con. Chị Nguyễn Thị Phương T., sinh năm 1999 ở đường Chương Dương (TP Hải Dương) có con trai đầu lòng gần 1 tuổi. Nhắc về việc sinh thêm con nữa, chị T. ngần ngại.

"Mặc dù có thuê một người giúp việc phụ chăm con nhưng tôi vẫn rất vất vả. Ngoài giờ làm việc ở cơ quan, không kể sáng, trưa, tối, tôi đều tất bật với việc chăm sóc con nhỏ. Tôi có rất ít thời gian cho bản thân và công việc", chị T. tâm sự.

Dù có điều kiện kinh tế, có người phụ giúp nhưng nhiều vợ chồng trẻ vẫn ngại đẻ con.

Tư duy thoáng

Tư tưởng hiện đại, chị Nguyễn Thị Hiền ở xã Thanh Quang (Nam Sách) ngại sinh con thứ 3 và đang hạnh phúc bên chồng và 2 con gái (ảnh do nhân vật cung cấp)

Tư tưởng hiện đại, chị Nguyễn Thị Hiền ở xã Thanh Quang (Nam Sách) ngại sinh con thứ 3 và đang hạnh phúc bên chồng và 2 con gái (ảnh do nhân vật cung cấp)

Không nặng tư tưởng phải có con trai nối dõi, nhiều cặp vợ chồng trẻ ở Hải Dương đã sinh 2 con gái cũng không muốn sinh thêm con thứ ba.

Chị Nguyễn Thị Hiền, sinh năm 1991 ở thôn Linh Khê, xã Thanh Quang, huyện Nam Sách (Hải Dương) hạnh phúc với cuộc sống bình yên bên chồng và 2 cô con gái. Con gái lớn học lớp 3, con gái bé 3 tuổi. Mặc dù gia đình có điều kiện kinh tế, thu nhập khá ổn định nhưng chị Hiền cũng không có dự định sinh thêm con.

"Vợ chồng tôi có tư tưởng rất thoải mái, ông bà nội cũng tâm lý, không đặt nặng việc phải có con trai và rất cưng chiều Dâu, Hấu. Do 2 lần đều sinh mổ, tôi cũng không muốn sinh thêm con thứ ba vì ngại vấn đề sức khỏe. Vì vậy nên cả nhà đều thoải mái, chỉ muốn ổn định và tập trung nuôi dạy 2 cháu cho tốt", chị Hiền tâm sự.

Chị Hiền làm công chức Văn phòng UBND xã, khối lượng công việc ngày càng nhiều, tới đây lại sáp nhập xã nên chị cũng lo nếu sinh con lại bận thêm nhiều bề, áp lực càng lớn.

Không thể phủ nhận trong xã hội vẫn còn tư tưởng trọng nam khinh nữ, mong muốn sinh con đủ nếp đủ tẻ nhưng sự cởi mở trong tư tưởng về bình đẳng giới tính khi sinh cho thấy người trẻ ở Hải Dương đang ngày càng tiến bộ. Khảo sát qua một số địa phương, chỉ điểm một vài thôn, xóm nhỏ đã có một danh sách dài những vợ chồng trẻ chỉ sinh con một bề nhưng không có ý định sinh con thứ 3.

Nhờ tuyên truyền sâu rộng về chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình và bình đẳng giới tính khi sinh đã tạo chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của người dân. Trong ảnh: Tuyên truyền về chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình ở huyện Nam Sách (Hải Dương)

Nhờ tuyên truyền sâu rộng về chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình và bình đẳng giới tính khi sinh đã tạo chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của người dân. Trong ảnh: Tuyên truyền về chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình ở huyện Nam Sách (Hải Dương)

Theo bà Trịnh Thị Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Nam Sách, tư duy hiện đại, cởi mở trong việc sinh con ngày càng được lan rộng. "Việc tuyên truyền có chiều sâu, hiệu quả về chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình và bình đẳng giới tính khi sinh đã tạo sự chuyển biến rõ rệt trong trong suy nghĩ, nhận thức của các cá nhân, gia đình và xã hội, nhất là các cặp vợ chồng trẻ ngày nay. Qua đó, các gia đình trẻ đa số sinh ít con để có điều kiện nuôi dạy trẻ tốt, không quan trọng về giới", bà Ngọc cho biết.

Vừa qua, khi Báo Hải Dương đăng tải thông tin dự thảo Luật Dân số bỏ quy định mỗi cặp vợ chồng, cá nhân "sinh 1 hoặc 2 con", nhiều bạn đọc bình luận, cho rằng hiện nay người dân cũng không mặn mà sinh nhiều con dù quy định cho phép. Đặc biệt, nhiều người trẻ bày tỏ "ngại đẻ" vì áp lực chăm lo, nuôi dạy con trong khi việc nuôi dạy một đứa trẻ ngày càng kỳ công.

Theo số liệu từ Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Sở Y tế Hải Dương, số trẻ là con từ thứ 3 trở lên được sinh ra trong toàn tỉnh liên tiếp giảm trong 3 quý gần đây. Cụ thể, trong quý IV/2023, có 1.130 trẻ là con thứ 3 được sinh ra, quý I/2024 có 828 trẻ, đến quý II/2024 có 784 trẻ.

PHONG TUYẾT

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/du-gai-hay-trai-cung-khong-de-nua-389707.html