Dự giới thiệu sách, GV ý kiến về kinh phí, Sở GD&ĐT Bình Thuận nói không tốn gì
Hội thảo giới thiệu sách cũng chỉ là việc quảng cáo sản phẩm của đơn vị kinh doanh đến người tiêu dùng với mong muốn bộ sách của mình sẽ được chọn nhiều hơn.
Ngày 19/2, các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Bình Thuận nhận được văn bản số: 405/SGDĐT-MN&TH của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận thông báo về việc Hội thảo giới thiệu sách giáo khoa lớp 5 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 năm học 2024-2025 vào 2 ngày thứ Hai và thứ Ba ngày 26 đến ngày 27/2. Nội dung văn bản nêu rõ:
Công văn tổ chức hội thảo giới thiệu sách giáo khoa của Sở Giáo dục Bình Thuận được gửi về các trường học.
Theo văn bản nêu, để kịp thời cung cấp đầy đủ thông tin những điểm mới về nội dung và phương pháp dạy học ở mỗi bộ sách giáo khoa, làm cơ sở cho việc xác định lựa chọn, triển khai và sử dụng sách giáo khoa năm học 2024-2025, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với nhà xuất bản, các đơn vị có sách giáo khoa lớp 5 được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để tổ chức Hội thảo trực tuyến giới thiệu sách giáo khoa lớp 5 năm học 2024-2025.
Điểm cầu tại Sở Giáo dục và Đào tạo - Đại diện Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo; - Lãnh đạo, Chuyên viên Phòng Mầm non và Tiểu học (Bộ phận Tiểu học).
Điểm cầu tại phòng Giáo dục và Đào tạo: Đại diện Lãnh đạo, Chuyên viên phụ trách Giáo dục tiểu học.
Điểm cầu tại cơ sở giáo dục Cán bộ quản lý, giáo viên dự kiến dạy lớp 5 năm học 2024-2025; có thể mở rộng đối tượng giáo viên tham gia, nếu điểm cầu đáp ứng các điều kiện.
Hình thức hội thảo trực tuyến thông qua ứng dụng Zoom.
Theo đó, ngày 27/2, giới thiệu Bộ sách giáo khoa “Cánh Diều” lớp 5 của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
Văn bản cũng nêu rõ: Kinh phí Kinh phí liên quan đến tổ chức Hội thảo trực tuyến tại cơ quan, đơn vị tại địa phương thực hiện theo quy định tài chính hiện hành (nếu có).
Nhiều trường khó khăn trong sắp xếp giáo viên dạy thay
“Hội thảo giới thiệu sách thực ra là một kiểu quảng bá sản phẩm sách đến tay người tiêu dùng (trường học) thì lẽ ra phải phụ thuộc vào lịch sắp xếp của nhà trường. Đằng này, trường học lại luôn bị động về thời gian nên rất khó khăn trong việc bố trí giáo viên dạy thay dạy thế”, một hiệu trưởng chia sẻ.
Giáo viên tiểu học dạy 23 tiết/tuần với 2 buổi/ngày. Khi có giáo viên đi tập huấn, dự hội thảo vào các ngày trong tuần (trừ thứ Bảy, Chủ nhật), các trường phải bố trí giáo viên dạy thay vì không thể để lớp học nghỉ hoặc vắng người giảng dạy.
Tham dự hội thảo giới thiệu sách, mỗi trường học cần có ít nhất khoảng 10 giáo viên tham gia. Để đảm bảo học sinh vẫn được học bình thường, các trường học phải cắt cử giáo viên dạy thay (trên tinh thần hỗ trợ) cho thầy cô đi dự hội thảo.
Trường đủ giáo viên thì việc dạy hỗ trợ ít gặp khó khăn. Trường thiếu giáo viên, hiệu trưởng cũng đau đầu trong việc sắp xếp. Từ những năm học trước, những buổi hội thảo giới thiệu sách giáo khoa cũng đã được tổ chức ngay trong năm học, gây khá nhiều bức xúc trong đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý.
Ai sẽ phải chi trả kinh phí?
Người viết và một số giáo viên trong trường cũng đã đi dự hội thảo giới thiệu sách và nhiều lần được cử dạy thay cho đồng nghiệp (sau khi bản thân đã hoàn thành những tiết dạy theo tiêu chuẩn của mình) mà không được nhận bất kỳ một khoản thù lao nào.
Có giáo viên thắc mắc: "Bản thân đã dạy đủ số tiết chuẩn theo quy định thì khi dạy thay cho đồng nghiệp tham dự hội thảo phải được tính là tăng tiết để hưởng chế độ thừa giờ mới phải".
Thế nhưng, một số hiệu trưởng cho biết: “Không có quy định nào trả tiền dạy thay cho giáo viên đi dự hội thảo giới thiệu sách do các nhà xuất bản tổ chức.
Vì, xét về nguyên tắc tính trả tiền lương dạy thêm giờ, Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC quy định rõ, chỉ thanh toán tiền lương dạy thêm giờ ở đơn vị hoặc bộ môn thiếu số lượng nhà giáo do cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đơn vị hoặc bộ môn không thiếu nhà giáo thì chỉ được thanh toán tiền lương dạy thêm giờ khi có nhà giáo nghỉ ốm, nghỉ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiễm xã hội hoặc đi học tập, bồi dưỡng, tham gia đoàn kiểm tra, thanh tra và tham gia những công việc khác (đi làm nhiệm vụ khác) do cấp có thẩm quyền phân công, điều động phải bố trí nhà giáo khác dạy thay.
Việc tham dự hội thảo giới thiệu sách để ngồi nghe các tác giả nói về bộ sách của mình với mong muốn được nhiều giáo viên chọn hơn thì đúng ra, trả kinh phí bồi dưỡng cho giáo viên dạy thay đồng nghiệp và cho chính những nhà giáo đã bỏ thời gian ngồi nghe thuyết trình phải là nhà xuất bản.
Bởi, họ là đơn vị kinh doanh, họ đang làm dịch vụ thương mại là tiếp thị sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhưng họ không trả. Riêng nhà trường có muốn trả cũng không biết phải lấy nguồn tiền nào?”.
Những trường thiếu giáo viên, không thể cắt cử thầy cô dạy thay được nên huy động cả nhân viên thư viện, kế toán hoặc giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục dạy thay. Thực tế, họ cũng chỉ là giữ lớp cho học sinh khỏi ồn ào. Giáo viên đi dự hội thảo xong về phải lo dạy bù cho kịp chương trình.
“Tôi đã mất 2 ngày ngồi dự hội thảo, khi về trường còn phải bỏ thêm thời gian, công sức để dạy bù lại những tiết chưa dạy trong 2 ngày ấy nên thật sự mệt mỏi”, một giáo viên chia sẻ.
Để chuẩn bị cho buổi hội thảo trực tuyến, nhà trường cũng phải lo về cơ sở vật chất, về kỹ thuật vi tính, về nước uống cho giáo viên tham gia dự hội thảo... Tuy thế, theo tiết lộ của một số hiệu trưởng, nhà trường đều phải tự lo hết các khoản chi phí phát sinh trong chuyện này mà không hề nhận được một khoản hỗ trợ nào.
Thực hiện hội thảo giới thiệu sách thời gian nào là phù hợp?
Một số giáo viên cho rằng nên tổ chức hội thảo vào thời gian nghỉ hè và chi trả thù lao bằng 2 ngày công lao động. Bởi, thời gian hè cũng là thời gian nghỉ phép của các nhà giáo và việc dự hội thảo giới thiệu sách lại không phải nhiệm vụ quan trọng của ngành.
Nói thẳng ra, hội thảo giới thiệu sách cũng chỉ là việc quảng cáo sản phẩm (sách giáo khoa) của một đơn vị kinh doanh (nhà xuất bản) đến giáo viên. Để từ đó, các thầy cô giáo sẽ thêm thông tin lựa chọn sách giáo khoa.
Có ý kiến lại cho rằng, có thể tổ chức hội thảo vào 2 ngày cuối tuần sẽ ít ảnh hưởng đến việc giảng dạy ở trường. Tuy nhiên, đây là ngày nghỉ nên nhà xuất bản phải trả tiền bồi dưỡng như 2 ngày công làm thêm giờ cho giáo viên.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận nói không phát sinh chi phí gì khi tổ chức
Chiều ngày 26/2, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với bà Nguyễn Thị Phương An – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận về một số nội dung có liên quan đến văn bản số 405/SGDĐT – MN&TH, về việc tổ chức hội thảo giới thiệu sách giáo khoa lớp 5 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cho năm học 2024 – 2025.
Về chi tiết nêu trong văn bản 405: “Kinh phí liên quan đến tổ chức hội thảo trực tuyến tại cơ quan, đơn vị tại địa phương thực hiện theo quy định tài chính hiện hành (nếu có)”, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đặt vấn đề rằng các nhà xuất bản là đơn vị kinh doanh có thu, nếu có chi phí phát sinh trong việc tổ chức hội thảo này trường phải tự lo liệu có đúng?
Bà Nguyễn Thị Phương An trả lời: “Đây là việc tổ chức tập huấn sách giáo khoa cho giáo viên theo hình thức trực tuyến, hoàn toàn không mất chi phí gì phát sinh.
Các điểm cầu trực tuyến tại các cơ quan, đơn vị tại địa phương. Giáo viên tập trung tại một địa điểm để tập huấn”.
Khi phóng viên đề cập đến các chế độ dành cho giáo viên tham gia vào hai ngày tập huấn, cũng như kinh phí dành cho giáo viên dạy thay đồng nghiệp trong những ngày này, bà Nguyễn Thị Phương An đề nghị phóng viên nhắn tin thông tin chi tiết các câu hỏi thắc mắc của giáo viên, cũng như địa phương không có chế độ cho giáo viên tham gia đi tập huấn sách giáo khoa chương trình mới.
Ngay sau đó ít phút (cũng trong chiều 26/2), phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có nhắn tin vào số máy di động của bà An tên địa phương cụ thể ở Bình Thuận không có chế độ dành cho giáo viên đi tham gia tập huấn sách mới, cũng như chế độ dành cho giáo viên đi dạy thay đồng nghiệp trong những ngày này (không được tính tiền thừa giờ), đề nghị bà Nguyễn Thị Phương An có ý kiến về vấn đề này.
Thế nhưng, cho đến cuối ngày 28/2, bà Nguyễn Thị Phương An – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận vẫn chưa có thông tin phản hồi cho phóng viên.