Chuyện của những người thầy đặc biệt
Họ là những thầy cô đã từng dạy học phổ thông, rồi cơ duyên vào trường giáo dưỡng, nơi những học trò đã từng là 'tội phạm nhí'. Và họ đã dạy dỗ học sinh của mình bằng chính sự yêu thương, tận tụy, kiên nhẫn để mỗi ngày, gần hơn, uốn các em về phía mặt trời, những thiện lành bình dị trong cuộc đời. Đó là những thầy cô trường giáo dưỡng được tuyên dương trong Chương trình Chia sẻ cùng thầy cô dịp 20/11 năm nay…
“Các em đáng thương hơn đáng trách”
Cô giáo Hoàng Thị Ngọc Xuyến sinh năm 1984 tại Thanh Hóa, đã gần 15 năm công tác tại Trường Giáo dưỡng số 4, Cục C10, Bộ Công an. Sau 5 năm gắn bó với ngôi trường phổ thông, đến tháng 5 năm 2010 cô chuyển ngành về công tác tại Trường Giáo dưỡng số 4 trực thuộc Tổng cục VIII, nay là Cục C10, Bộ Công an. Ngày mới về trường, cô thật sự bối rối vì những sự khác biệt về đối tượng học sinh. Bởi lẽ trường giáo dưỡng là ngôi trường đặc biệt làm nhiệm vụ quản lý, giáo dục những trẻ vị thành niên có hành vi vi phạm pháp luật trong độ tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi.
Những hành vi vi phạm trước khi vào trường của các em khiến ai chưa từng đến với trường giáo dưỡng sẽ nghĩ các em thật đáng trách, đáng ghét bởi những hành vi như hiếp dâm, cướp của, giết người, gây rối trật tự công cộng,... “Những đứa lưu manh”, “giang hồ bặm trợn” là những gì mà cô đã từng thoáng nghĩ về những học sinh của mình. Nhưng thật sự không như những gì cô Xuyến nghĩ, ngày đầu tiên về ngôi trường cô đã thật sự ngỡ ngàng về cảnh quan xanh, sạch, đẹp ở nơi đây và ấn tượng sâu đậm nhất là hình ảnh của những cậu học trò nhỏ bé đang lao động dừng tay lại, hạ mũ cầm xuống tay và cúi chào cô lễ phép. Không ai nghĩ đây là những “tội phạm nhí” đã từng gây ra nhiều hành vi tội lỗi.
Thời gian dần trôi đi, gần 15 năm gắn bó, cô đã thật sự hiểu, càng thêm yêu và tự hào hơn về công việc mà mình đang hàng ngày thực hiện. Dưới góc nhìn của quan điểm giáo dục, chúng ta có thể hiểu các thầy, các cô ở ngôi trường giáo dưỡng là đang làm công tác giáo dục lại. Một trong những yêu cầu quan trọng của công tác giáo dục là không để có những sản phẩm giáo dục bị lỗi nhưng học sinh của trường giáo dưỡng là những đứa trẻ đã một thời lầm lỡ. Nhiều em bỏ học từ lâu, có những em vào trường đã 16 tuổi nhưng chưa biết chữ, không thể viết được tên của chính mình.
Từ một cô giáo đang dạy các học sinh phổ thông chăm ngoan, cô Xuyến thực sự bối rối khi giảng dạy những học sinh đặc biệt tại trường giáo dưỡng, khi đa phần các em đều không thích học, nhiều em có vấn đề về nhận thức, vấn đề về tâm lý,... Nhưng bằng lòng yêu nghề và đặc biệt là tình yêu thương, chia sẻ dành cho các em, cô Xuyến đã nhận thấy những việc mình cần phải làm không chỉ là truyền thụ kiến thức. Không chỉ một người thầy, mà cô ở bên học trò như những người bạn, người đồng hành, luôn lo lắng cho tương lai của các em. Mỗi em học sinh khi vào trường đều có một hoàn cảnh riêng, đa số các em được sinh ra và lớn lên ở những gia đình khiếm khuyết, không có cha, không có mẹ, bị bỏ rơi khi còn rất nhỏ, sống lang thang, hoặc cha mẹ đều đi tù... các em thiếu thốn tình yêu thương, sự giáo dục, uốn nắn từ gia đình nên lớn lên với những nhận thức lệch lạc rồi trượt dài trong các tệ nạn ma túy, nghiện game,... rồi sa ngã vào con đường phạm tội. “Tôi thường nói các em như những mầm non chưa kịp vươn chồi đã bị sâu bệnh làm thế nào để lại khỏe khoắn vươn lên. Trong môi trường giáo dưỡng, tình yêu thương càng cao gấp bội để xây lại niềm tin cho các em. Những người thầy cô như chúng tôi luôn tìm cách thấu hiểu tâm tư của học sinh, từ đó tạo ra sự gắn bó”, cô Xuyến chia sẻ.
Bởi các thầy cô nơi này không chỉ dạy kiến thức mà còn hướng dẫn các em về cách sống, cách đối diện với những khó khăn trong cuộc sống. Sự đồng cảm này giúp học sinh cảm thấy an toàn và có động lực để thay đổi. Nhiều em vào trường chưa từng biết cầm chổi quét nhà nhưng qua quá trình giáo dục của các thầy cô, các em biết khép mình vào nếp sống kỷ luật, trật tự, biết làm mọi công việc lao động, giữ vệ sinh nếp sống sạch sẽ. “Thật sự các em học sinh trường giáo dưỡng đáng thương hơn đáng trách, tôi nghĩ nếu các em có được một gia đình trọn vẹn thì các em sẽ không có những sai lầm, tội lỗi như vậy. Chính vì thế, tôi đã luôn dành tình yêu thương, gần gũi, động viên, sẻ chia cho các em. Hạnh phúc nhất với tôi là sau khi các em ra trường đã trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định, nhiều em đã có gia đình, sống chan hòa, hạnh phúc đã gọi điện chia sẻ với tôi”, cô Xuyến xúc động bày tỏ.
Từ khát vọng đưa các em tìm về nẻo thiện
Cô giáo Lê Thị Hồng Lụa sinh năm 1990, quê Ninh Bình, công tác tại Trường Giáo dưỡng số 2, Cục C10, Bộ Công an. Cô Lụa chia sẻ: “Tôi đến với nghề dạy học bởi nhiều lẽ. Sư phạm với tôi như là một tất yếu để nối dài dòng chảy truyền thống gia đình. Nhưng quan trọng hơn, có lẽ là quan trọng nhất là do ngay từ những ngày học THPT, được lên Trường Giáo dưỡng số 2 nơi các anh chị của tôi đang công tác, tôi đã mơ ước được làm cô giáo Công an để giảng dạy cho các em học sinh từng có hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý bằng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng”...
Ngày bé, mỗi ngày cô Lụa đều được nghe những câu chuyện anh chị kể về những mảnh đời “đặc biệt”. Thế nên, cô càng mong muốn được dạy học tại nơi đây, để giúp những học sinh từng một thời lầm lỗi quay về nẻo thiện. Cô muốn thấy niềm tin ánh lên trong ánh mắt, nụ cười rạng rỡ của học sinh và cô muốn là một nấc thang trong bước đường tìm về nẻo thiện của các em.
Từ những cơ duyên đó, năm 2012, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm cô đã được tuyển dụng vào công tác tại Đội Giáo viên văn hóa - Trường Giáo dưỡng số 2 - Cục Cảnh sát Quản lý Trại giam, Cơ sở bắt buộc, Trường giáo dưỡng, với chuyên môn chính là giảng dạy văn hóa cho các em học sinh.
Hơn 10 năm gắn bó với nghề, gắn bó với những học sinh, thậm chí còn chưa quen mặt chữ, chưa học ghép vần, nhưng đa số các em đều có chung đặc điểm: đã bỏ học lâu, kiến thức không cơ bản, ý thức học tập kém, lười học, không muốn học. Bên cạnh đó, hành vi vi phạm pháp luật của các em cũng đa dạng phức tạp như: trộm cắp, cướp, hiếp dâm, gây rối trật tự công cộng, thậm chí giết người... Do đó, làm sao để việc giảng dạy văn hóa không chỉ giúp các em nâng cao trình độ nhận thức mà còn phải gắn với việc giáo dục đạo đức, pháp luật, kỹ năng sống... để hình thành cho các em lối sống lành mạnh, có trách nhiệm với bản thân, có ích cho gia đình và xã hội...
Cô đã cùng với tập thể giáo viên trong đội nỗ lực, tìm hiểu kỹ những hạn chế của học sinh trong việc tiếp thu kiến thức để có cách tháo gỡ, nghiên cứu phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin giúp các em tiếp cận kiến thức một cách hào hứng, tích cực.
Trong những chuyến đò qua sông, cô được tiếp xúc với nhiều em học sinh khác nhau, có những em nhiệt tình, tự tin thể hiện khả năng của mình, có những em rụt rè, nhút nhát, hay có những em có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhiều em đã bỏ học từ lâu, ngại học, lười học, rồi có những em mặc dù đã 16 tuổi mà vẫn chưa biết chữ. Nhưng bằng trái tim yêu nghề, tôi nhận thấy mình không chỉ là giáo viên truyền thụ kiến thức mà còn là người mẹ thứ hai, người đồng hành, người lắng nghe, chia sẻ, giúp đỡ các em vượt qua mọi khó khăn, mặc cảm, giúp các em cách sống, cách đối diện với khó khăn trong cuộc sống. Các em đã biết khép mình vào nếp sống kỷ luật, biết lao động, biết quý giá trị thời gian...
Với cô Hồng Lụa, giây phút hạnh phúc nhất đối với một người giáo viên đang công tác tại ngôi trường đặc biệt này, đó là khi các em nhận được giấy chứng nhận chấp hành xong biện pháp đưa vào Trường giáo dưỡng, được các em hân hoan thông báo với thầy cô: em đã có việc làm, là người con ngoan, có ích cho xã hội, là người công dân tốt, có cuộc sống gia đình hạnh phúc.
Dù đã đạt nhiều thành tích cao trong giảng dạy chuyên biệt, cô vẫn thấm thía việc dạy dỗ một con người đã khó, rèn giũa một đứa trẻ có quá khứ không tốt lại càng khó gấp bội. Nhưng với lòng yêu nghề, cô Lụa đã, đang và sẽ luôn học hỏi, sẽ luôn cố gắng dùng tình yêu thương để cảm hóa những đứa trẻ đang chông chênh giữa cuộc đời, trở thành người biết yêu thương mọi người, rời xa những cạm bẫy mà các em đã từng lỡ nhịp.
Và những thầy, cô giáo tại trường giáo dưỡng không chỉ là những nhà giáo dục, mà còn là những người mang lại hy vọng và ánh sáng cho những tâm hồn lầm lỡ. Từ nỗi trăn trở đến niềm vui, từ tình yêu thương đến sự kiên nhẫn mỗi ngày đã làm nên sức mạnh cho công cuộc giáo dục đầy gian nan nhưng rất đỗi cao quý này. Bởi họ hiểu được, phía sau những ánh mắt giang hồ vùng vẫy ấy là tận cùng của những yếu đuối, khát khao, của những đứa trẻ bơ vơ trong đời. Chúng thiếu thốn hơi ấm gia đình, những yêu thương, niềm tin để bước về phía trước. Hàng trăm đứa trẻ đã dần hiểu đúng đắn, trái sai, biết thượng tôn pháp luật để trưởng thành - từ những yêu thương, uốn nắn của những người thầy đặc biệt đã cảm hóa chúng bằng tấm lòng của những người mẹ, người bạn như thế…
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/chuyen-cua-nhung-nguoi-thay-dac-biet-post531952.html