Du hí làng nghề đồ chơi Trung thu truyền thống Ông Hảo
Đến làng Ông Hảo (xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) vào những ngày này, từ đầu làng đến cuối ngõ đều rực rỡ sắc màu của những sản phẩm đồ chơi Trung thu truyền thống.
Ông Hảo là một trong những làng nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống nổi tiếng khắp cả nước. Mỗi năm vào dịp Tết Trung thu cả ngôi làng lại “tất bật” sản xuất những món đồ chơi vốn gắn liền với bao thế hệ trẻ em Việt…
Theo ông Vũ Huy Đông – người làm nghề lâu năm trong làng chia sẻ: “Nghề làm đồ chơi trung thu truyền thống của làng đã có từ rất lâu rồi. Lúc ấy, có hợp tác xã làm trống đồ chơi, sau hợp tác xã giải thể, những người vững nghề tự mở xưởng, đến nay còn khoảng tầm 7-8 nhà theo nghề này. Và nhà tôi chuyên làm mặt nạ giấy bồi, tính đến nay là ba đời”.
Trước kia làng tập trung chủ yếu làm trống, mặt tễu, thì ngày nay, với sự phát triển của xã hội, thị hiếu của trẻ em ngày càng đa dạng phong phú hơn, nên để tìm được chỗ đứng cho nghề truyền thống này, người dân trong làng đã phải tìm tòi, sáng tạo và đổi mới mẫu mã sản phẩm.
Khác với những xưởng đồ chơi ở các nơi khác, những món đồ chơi làng Ông Hảo đều được làm theo cách thủ công và sử những nguyên liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên như: tre nứa, gỗ, giấy…
Và để khắc họa các nhân vật yêu thích (ông Tễu, con thỏ, con chuột,…), mỗi mặt nạ đều có các khuôn mẫu riêng. Dựa trên các khuôn đó, những người thợ sẽ chia nhỏ từng mảnh giấy, khéo léo dán chúng thành nhiều lớp lên khuôn xi măng đúc sẵn để bắt đầu cho công đoạn tạo hình.
Các cốt mặt nạ được bồi giấy cho đủ độ cứng, sau đó được đem phơi khô và tô vẽ màu sắc.
Tô màu là công đoạn thổi hồn qua từng nét màu của người thợ, từng lớp sơn được tô vẽ cứ liên tục nối tiếp nhau, quá trình này được thực hiện tỉ mỉ và cẩn trọng.
Với các công đoạn bồi khô, gia đình ông Đông sẽ thuê thợ từ các gia đình, còn công đoạn sơn vẽ hoàn thiện sẽ do chính tay vợ chồng ông làm nên. Bởi với ông, vẽ mặt là khó nhất, tay nghề phải vững mới làm được. Ngoài ra cũng cần phải có khiếu thẩm mỹ, nếu không mặt nạ làm ra sẽ không có hồn, nhìn cứ “trơ trơ”.
“Để màu sắc tươi sáng không bị lấm lem, màu này khô thì mới được tô màu mới, mặt nạ nhiều màu thì phải tô nhiều lần. Tuy mất nhiều thời gian nhưng khi gặp nắng thu hanh vàng, thứ nước sơn được phết đều tay kia sẽ khô đanh lại, bật lên sắc màu óng ánh và bóng bẩy. Vẽ xong, mặt nạ sẽ được sơn một lớp phủ bóng để giữ màu” – ông Đông giải thích thêm.
Qua đôi bàn tay khéo léo của người thợ làng Ông Hảo, những chiếc mặt nạ giấy bồi cứ lần lượt hiện ra một cách sinh động, mang dáng dấp hình hài thuần Việt, thể hiện sự duyên dáng, hóm hỉnh cũng như nét văn hóa không thể pha trộn của con người Việt Nam.
Những món đồ chơi Trung thu truyền thống không chỉ đơn thuần để giải trí, mà chúng còn là công cụ giáo dục, nuôi dưỡng thế hệ trẻ, như một lời nhắn nhủ, lời chúc thầm lặng và sâu sắc của cha ông ta với thế hệ trẻ về tinh thần hiếu học, khuyến khích sự học và nỗ lực để thành đạt.
Bài và ảnh: Mộc Trà