MiG-35 là một trong những tiêm kích hiện đại nhất của Nga. Nhưng chỉ có 6 nguyên mẫu và 8 chiến đấu cơ được chế tạo, quá ít so với kỳ vọng ban đầu.
MiG-35 có thể theo dõi 30 đối tượng và tấn công 6 mục tiêu cùng lúc. Chiếc tiêm kích ban đầu được cho là sẽ thành công trên thị trường xuất khẩu, nhưng thực tế khách hàng nước ngoài chưa bao giờ quan tâm đến nó.
MiG-35 được chế tạo dựa trên MiG-29K / KUB và MiG-29M / M2. Chiếc tiêm kích này bay lần đầu tiên vào năm 2016 sau nhiều trì hoãn. Cục Thiết kế Mikoyan mong muốn Bộ Quốc phòng Nga sẽ đặt hàng số lượng lớn loại máy bay này.
Nguyên mẫu đầu tiên được trưng bày tại một triển lãm hàng không vào năm 2005. Năm 2013, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố sẽ chỉ mua 37 chiếc MiG-35. Vì vậy, đó là một cuộc đấu tranh cho chiếc Fulcrum thế hệ mới nhất.
Ý tưởng thiết kế MiG-35 là chiến đấu cơ đa chức năng, trọng lượng trung bình, đặc biệt là có “não bộ” để có thể tích hợp với các máy bay khác trong phi đội. Thựu tế đây là khả năng của máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm.
Radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) mang lại lợi thế kiểm soát hỏa lực và gây sát thương. Phạm vi tác chiến của radar Zhuk-A trên MiG-35 là 120 km, xa hơn so với các radar trước đó.
MiG-35 có hai động cơ phản lực cánh quạt Klimov RD-33MK, cho phép đạt tốc độ tối đa Mach 2,25, với tầm hoạt động 2.000 km, trần bay 20 km, khung máy bay chịu được mức quá tải 9G dương hoặc 3G âm.
Chín điểm cứng của MiG-35 có thể mang theo tải trọng 7 tấn. Vũ khí, gồm tên lửa, rocket và bom dẫn đường tinh vi. Máy bay cũng được trang bị một khẩu pháo 30 mm với cơ số đạn 150 viên.
MiG-35 có thể tấn công cả ngày và đêm, trong mọi điều kiện thời tiết. Chiến đấu cơ này có thể nhắm mục tiêu vào xe tăng và tàu chiến, điều này thuận tiện cho các nhiệm vụ tấn công trên lãnh thổ Ukraine.
Thêm vào đó, một trong những điểm cứng của MiG-35 có thể mang theo thiết bị tác chiến điện tử để đưa ra những biện pháp đối phó, nhằm đánh lừa hệ thống phòng không của đối phương.
MiG-35 từng được đánh giá: "Thể hiện khả năng siêu cơ động, có thể bay ở các góc tấn công siêu tới hạn ở mức độ tải trọng G duy trì, đòi hỏi tỷ lệ lực đẩy trên trọng lượng lớn hơn và cải thiện hiệu quả khí động học của cánh”.
Tuy vậy MiG-35 đã thất bại trên thị trường xuất khẩu: Ai Cập tỏ ra quan tâm nhưng cuối cùng lại chọn MiG-29M. Ấn Độ là một hy vọng khác, nhưng lực lượng không quân của họ đã phát hiện MiG-35 có vấn đề với hệ thống điện tử hàng không và lực đẩy.
Nỗ lực bán hàng quốc tế trở nên khó khăn hơn với MiG-35 do sự cạnh tranh từ các máy bay chiến đấu phương Tây như F-16, F/A-18, Eurofighter Typhoon và JAS 39 Gripen có độ tin cậy cũng như chi phí khai thác rẻ hơn rất nhiều.
Có vẻ như Không quân Nga sẽ không nhận đủ 37 máy bay, họ chỉ miễn cưỡng đặt hàng 8 chiếc nhằm cứu nhà sản xuất, điều này không gây ngạc nhiên khi MiG-35 chẳng có gì nổi trội so với Su-30SM hay Su-35, trong khi thua kém về tầm bay và tải trọng.
Hiện tại, chưa rõ có quan chức nào của Nga phải chịu trách nhiệm về sự thất bại của dự án MiG-35 hay không, nhưng trên hết, một tượng đài của máy bay chiến đấu Liên Xô từ thời Chiến tranh Lạnh đang mờ dần.
Bạch Dương