Du học nghề ở Đức và những hành trang thiết yếu cần chuẩn bị

'Theo Luật Quốc tịch mới, điều kiện trở thành công dân Đức là sau 3 hoặc 5 năm ở Đức thay vì 6 hoặc 8 năm như trước đây. Vì vậy, sau 2 năm đi làm và đóng Bảo hiểm xã hội, học viên được định cư tại Đức dễ dàng hơn', TS. Lê Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Greatway, chia sẻ.

“Hành trang thiết yếu để thành công vượt trội tại Đức” là chủ đề sự kiện giao lưu do Công ty cổ phần Tập đoàn Mạng lưới chuyên gia Đức German Greatway Group - G chủ trì, diễn ra vào chiều ngày 12.8 tại Hà Nội. Tại đây, GS-TS. Martin Loeffelholz chia sẻ cách thức đối mặt với khó khăn để thích nghi với môi trường mới, xoay quanh ba kỹ năng chính: Kỹ năng giao tiếp, cách giải quyết vấn đề và đưa ra quyết định.

Quang cảnh sự kiện “Hành trang thiết yếu để thành công vượt trội tại Đức”. Ảnh: BTC.

Quang cảnh sự kiện “Hành trang thiết yếu để thành công vượt trội tại Đức”. Ảnh: BTC.

Trước thực trạng thiếu hụt lực lượng lao động, Đức đối mặt với nguy cơ già hóa dân số và suy thoái kinh tế. Tháng 2.2024, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết nước này thiếu khoảng 700.000 vị trí việc làm và thách thức nghiêm trọng nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế bị giảm sút. Điều này đồng nghĩa với việc Đức cần có những chính sách để thu hút nhân lực nước ngoài, trong đó có Việt Nam khi hai nước mới ký kết thỏa thuận hợp tác về lao động di cư vào cuối tháng 1.2024.

Đào tạo nghề là lĩnh vực quan trọng trong hợp tác phát triển về giáo dục giữa Việt Nam – Đức. Theo TS. Lê Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Greatway, trong 3-5 năm trở lại đây, Đức thu hút nhiều người trẻ hơn vì có chế độ giáo dục, định cư, phúc lợi xã hội tốt: “Người học nghề được phụ cấp lương từ 35-55 triệu/tháng tùy từng lĩnh vực. Sau 3 năm học nghề, học viên được đảm bảo việc làm tại Đức. Theo Luật Quốc tịch mới, điều kiện trở thành công dân Đức là sau 3 hoặc 5 năm ở Đức thay vì 6 hoặc 8 năm như trước đây. Vì vậy, sau 2 năm đi làm và đóng Bảo hiểm xã hội, học viên được định cư tại Đức dễ dàng hơn”.

Bên cạnh đó, ông Sơn cũng chỉ ra thế mạnh của người Việt là chăm chỉ và xu hướng theo học các ngành như điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe, nhà hàng, khách sạn, cơ khí chiếm tỉ lệ cao vì những ngành trên thiếu nhân lực nhiều. Tuy nhiên, người Việt gặp khó khăn trong việc học tiếng Đức trước khi mất 3-4 năm sang Đức học nghề và hạn chế trong việc tuân thủ kỷ luật.

Theo GS-TS. Martin Loeffelholz, Đại học Kỹ thuật Tổng hợp Ilmenau (Đức), ngoài kỷ luật, kỹ năng mềm cũng cần được chú trọng không kém. Trong đó, kỹ năng giao tiếp không chỉ thể hiện qua ngôn ngữ bằng lời nói mà còn qua ngôn ngữ cơ thể, ngay cả việc im lặng. Lấy bối cảnh là cuộc phỏng vấn, ông chỉ ra 2 tiêu chí để ứng viên ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng, đó là thái độ thân thiện và sự tôn trọng.

GS-TS. Martin Loeffelholz chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: BTC

GS-TS. Martin Loeffelholz chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: BTC

Những thái độ ấy được cụ thể hóa qua kỹ năng giao tiếp. Ứng viên nên mỉm cười với tất cả mọi người trong cơ quan làm việc, vì nụ cười lan tỏa năng lượng tích cực. Trong cuộc phỏng vấn, cần ngồi thẳng và chú ý giao tiếp bằng mắt với người đối diện. Ngoài ra, GS. Martin Loeffelholz nhấn mạnh sự khác nhau về cách xưng hô trong các tình huống đề cao tính trang trọng, rằng người phương Tây gọi bằng tên họ, thay vì tên riêng như ở các nước châu Á.

Khi đối diện với khủng hoảng tâm lý trong môi trường mới, GS. Martin Loeffelholz chia sẻ mỗi người cần có sự kiên nhẫn và tư duy cởi mở: “Chủ động giao lưu, thường xuyên đặt câu hỏi và luôn tò mò trước mọi vấn đề của cuộc sống là những hành trang giúp mỗi người vượt qua sự bỡ ngỡ, rụt rè. Để đối mặt với khó khăn, cần đối thoại với chính mình bằng cách viết ra bài học nhận thức vào cuối ngày”, ông nói.

Các đại biểu, khách mời và đông đảo bạn trẻ tham dự sự kiện. Ảnh: BTC

Các đại biểu, khách mời và đông đảo bạn trẻ tham dự sự kiện. Ảnh: BTC

Bên cạnh đó, việc đưa ra quyết định phù hợp dựa trên hai yếu tố chính là sự am hiểu và kinh nghiệm. GS. Martin Loeffelholz cho rằng chúng đều cần thời gian trau dồi tích lũy. Đặc biệt, ông nhấn mạnh mỗi người cần có một tâm thế luôn sẵn sàng đối mặt với rủi ro, nếu lựa chọn sai thì đó sẽ là bài học đáng quý. Ngoài ra, thời điểm buổi sáng cũng được ông lưu ý khi đưa ra quyết định thay vì buổi tối, bởi đó là khoảng thời gian bản thân vô cùng tỉnh táo và sáng suốt.

Qua sự kiện Hành trang thiết yếu để thành công vượt trội tại Đức, người tham dự hiểu rõ hơn về cách thức đối mặt với các vấn đề về tâm lý khi bước sang một môi trường mới. Những chia sẻ của GS. Martin Loeffelholz là kinh nghiệm quý giúp người tham gia có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về các kỹ năng mềm để từ đó ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn đời sống.

GS-TS. Martin Loeffelholz sinh năm 1959 tại Đức. Ông là nhà sáng lập Viện Nghiên cứu Truyền thông, Đại học Kỹ thuật Tổng hợp Ilmenau, Cộng hòa Liên bang Đức; cố vấn sáng lập Hãng quản trị Berlin Crisis Solutions (BCS). Ngoài ra, ông còn đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng cố vấn của Công ty cổ phần Tập đoàn Mạng lưới chuyên gia Đức German Greatway Group - G. Lĩnh vực nghiên cứu của GS. Martin Loeffelholz tập trung vào báo chí và truyền thông.

____________________

Công ty cổ phần Tập đoàn Mạng lưới chuyên gia Đức German Greatway Group - G có trụ sở tại Đức và văn phòng tại Việt Nam. Với sứ mệnh đưa người trẻ từ nông thôn đến thành thị chạm tới ước mơ bằng con đường học hành, từ năm 2023 cho tới nay, nơi đây đã đào tạo việc làm, tạo cơ hội đặt chân đến nước Đức cho 200 người Việt có mong muốn du học nghề và định cư tại nước này.

Minh Trang

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/du-hoc-nghe-o-duc-va-nhung-hanh-trang-thiet-yeu-can-chuan-bi-44784.html