Du học ở tuổi 30
Nhiều người định hướng đi du học từ khi còn rất trẻ nhưng cũng có trường hợp chọn con đường này ở độ tuổi 30, sau nhiều năm đi làm.
Nhiều người vốn không có ý định du học từ trước, tuy nhiên sau nhiều năm đi làm, họ nhận ra sự nhàm chán của công việc và nghĩ đã đến lúc cần thay đổi.
Đi du học khi tuổi không còn trẻ
Đã có bằng thạc sĩ tại Việt Nam và đi làm nhiều năm, Lê Thị Loan (30 tuổi, tốt nghiệp thạc sĩ ngành Quản trị kinh doanh tại Đại học Formosa Đài Loan) từng nghĩ như vậy là đủ và chưa từng có ý định du học.
Tuy nhiên, cách đây hai năm, cô được một người bạn giới thiệu học bổng của trường với mức hỗ trợ khá tốt. Công việc khi ấy cũng hơi nhàm chán nên cô quyết định đi hai năm để thay đổi môi trường.
Bên cạnh đó, cũng có những người đã có nguyện vọng du học từ trước nhưng phải đến độ tuổi 30 họ mới hiện thực hóa được điều đó. Cẩm Vân (32 tuổi, đang theo học tại Queen’s University ở Canada) cho biết sau khi tốt nghiệp đại học ở Việt Nam, cô luôn mơ ước du học để trau dồi kiến thức, nâng cao khả năng ngoại ngữ và trải nghiệm môi trường văn hóa mới. Tuy nhiên, vì điều kiện tài chính hạn chế, cô đã không thể thực hiện ước mơ vào thời điểm đó.
Cô đi làm ở Việt Nam hơn 3 năm để tích lũy tài chính cho ước mơ du học. Đến năm 2015, cô may mắn được tham gia chương trình Working Holiday ở New Zealand. Tại đây, cô vừa học vừa làm thêm để có tiền đóng học phí. Sau đó, Vân tiếp tục du học và định cư tại Canada.
Nguyễn Thị Lệ Chi, du học sinh Canada, chia sẻ trước đó cô vốn không có kế hoạch đi du học do trở ngại về tài chính. Đến năm 27 tuổi, Chi tiết kiệm được một khoản tiền và được người thân, bạn bè khuyên đầu tư đất đai, kinh doanh hoặc mua nhà, ổn định cuộc sống.
Dù vậy, Chi nhận ra mình vẫn còn sức trẻ và muốn thử thách bản thân hơn nữa. Cô đã lên kế hoạch đi du học từ đó, đến năm 29 tuổi, cô chính thức lên đường.
Theo số liệu của Trung tâm Thống kê Giáo dục quốc gia Mỹ về độ tuổi trung bình sinh viên tốt nghiệp (Master hoặc MBA) là 33. Có tới 50% sinh viên tốt nghiệp trên 30 tuổi, 22% sinh viên tốt nghiệp trên 40 tuổi và khoảng 28% sinh viên nằm trong độ tuổi 30 đến 40.
Vân cho biết khi cô còn học ở New Zealand, bạn cùng lớp có đủ các độ tuổi khác nhau, trong đó có cả những người ngoài 30, 40 tuổi. Chương trình sau đại học ở Canada của cô cũng có khoảng 50% sinh viên ngoài 30 tuổi.
Thời gian học ở Đài Loan, Loan gặp khó khăn về ngôn ngữ do tiếng Anh của cô không quá tốt, phải đọc nhiều tài liệu và tập trung cao độ khi nghe giảng. Bên cạnh đó, cô học một chuyên ngành mới, khác hẳn với chuyên ngành từng theo học ở Việt Nam nên gặp khó khăn trong những môn cần tính toán và dùng nhiều số liệu. Thời gian cô du học cũng là lúc đại dịch Covid-19 bùng phát nên không thể về nhà một năm hai lần như dự định.
Vân cũng gặp khó khăn về tiếng Anh học thuật khi du học ở Canada. Cô phải dành nhiều thời gian để tập nói trôi chảy, cách viết ngắn gọn, dùng từ chính xác. Cô cũng phải đọc nhiều sách và nghiên cứu tài liệu để hoàn thành bài tập và cân bằng giữa việc học và đi làm.
Bên cạnh đó, Vân đã có gia đình và con nhỏ nên việc cân bằng sẽ càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, sự động viên và hỗ trợ từ gia đình đã giúp Vân đảm bảo được việc học.
Du học ở tuổi ngoài 30, Vân cũng lo lắng khi thấy bạn bè đã có sự nghiệp ổn định. Lúc cô vừa học vừa chạy bàn thì bạn bè đã là giám sát, quản lý ở các công ty lớn. Với số tiền học phí không nhỏ, cô không biết mình có đầu tư đúng chỗ không.
Còn Loan cũng có nhiều lúc hoang mang khi thấy bạn bè đồng trang lứa đã ổn định gia đình và đạt được những thành tựu nhất định trong cuộc sống. Tuy nhiên, cô vẫn tự an ủi bản thân rằng mỗi người có một cuộc sống riêng, đã lựa chọn rồi thì hãy vui vẻ với điều đó.
Chi cũng gặp khó khăn về ngôn ngữ do trước đó cô không đầu tư nhiều thời gian và công sức cho việc học ngoại ngữ, đến khi quyết định du học cô mới luyện thi IELTS đạt 6.5 để đủ điều kiện. Khó khăn tiếp theo phải kể đến là hạn chế về sức khỏe. Để có chi phí duy trì cuộc sống ở nước ngoài, cô buộc phải đi làm chứ không thể dựa hoàn toàn vào tiền tiết kiệm.
Hai năm đầu khi mới sang Canada, cô làm việc tại một nhà hàng, trời rất lạnh, di chuyển cũng mất hơn một tiếng đồng hồ nên về đến nhà mệt rã rời mà vẫn phải cố gắng học.
Khi Vân đi du học được hơn một năm thì đại dịch Covid-19 bùng nổ, cô phải đối mặt với những thử thách như học online, giãn cách xã hội, khó tìm việc. May mắn là cô tìm được công việc trợ giảng online để tiếp tục duy trì thu nhập.
Chi không quá lo lắng về chuyện lập gia đình hay thua kém bạn bè, cô vẫn kiên định với suy nghĩ phải đầu tư cho bản thân trước. Cô tin rằng sau khi tốt nghiệp cô sẽ lấy lại phong độ nhanh thôi. Du học Canada cho cô cơ hội để cô gặp được người bạn trai phù hợp và hiện tại cả hai đã kết hôn.
Hai năm du học khiến Loan tự tin hơn khi sống một mình, có thể chăm lo cho bản thân khá tốt. Cô cũng thay đổi nhiều ở cách nhìn nhận vấn đề, thái độ với sự việc, con người xung quanh. Loan đã về Việt Nam được vài tháng. Cô chưa từng có ý định làm việc hay định cư ở nước ngoài. Cô tự nhận mình là mẫu người truyền thống, luôn hướng về gia đình, bạn bè ở Việt Nam.
Chi được trải nghiệm một nền giáo dục rất khác, kiến thức học được thiết thực và có tính ứng dụng cao. Cuộc sống ở nước ngoài cũng mang đến cho cô nhiều điều mới mẻ, giúp cô tự tin, độc lập hơn.
Cô đã tốt nghiệp một năm, có việc làm ổn định và tiếp tục học lên vào buổi tối. Sau hơn 3 năm, Chi đã sớm hoàn thành mục tiêu đặt ra cho 5 năm: Tốt nghiệp, có công việc tốt, gặp được bạn trai ưng ý và đã kết hôn.
Với Vân, du học là cơ hội để mở mang kiến thức chuyên môn và kỹ năng sống. Trước đây, cô không biết nấu ăn hay cân đối chi tiêu. Khoảng thời gian du học đã giúp cô trưởng thành hơn, biết cách tự chăm lo cho bản thân, quý trọng những đồng tiền mình kiếm được. Việc được sống trong môi trường mới cũng giúp Vân thay đổi cách nhìn nhận về các vấn đề trong cuộc sống, đa chiều và khiêm tốn hơn.
Thời gian học ở New Zealand đã giúp cô có nhiều kiến thức và trải nghiệm quý giá, tiến tới cơ hội định cư ở Canada. Cô kỳ vọng chương trình học hiện tại sẽ giúp cô phát triển công việc của mình. Việc du học cũng mang đến cho cơ hội gặp được người chồng hiện tại, cũng là bạn cùng lớp.
"Nhìn lại những gì đã và đang trải qua, mình nghĩ bản thân có thể chậm hơn bạn bè một bước nhưng đúng tiến độ cho chính bản thân mình" - Vân nói.
Nhiều người đi du học với mục đích nâng cao trình độ, tăng cơ hội nghề nghiệp, thăng tiến, định cư ở nước ngoài. Tuy nhiên, họ vẫn cảm thấy hoang mang trước khi ra quyết định vì sợ thất bại. Không ai có thể trả lời chính xác 100% lựa chọn của bạn là đúng hay sai.
Với trải nghiệm của mình, Vân chia sẻ: "Ít nhất các bạn có thể chắc chắn một điều là khi quyết định du học tức là các bạn đã cho mình một cơ hội để trải nghiệm và thử sức mình".
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/du-hoc-o-tuoi-30-post1312374.html