Du học sinh khó tìm kiếm việc làm khi trở về Trung Quốc

Mặc dù sở hữu bằng cấp từ những trường đại học hàng đầu thế giới, nhiều sinh viên Trung Quốc trở về nước vẫn gặp phải thử thách lớn trong tìm kiếm việc làm.

Các yếu tố như sự gia tăng cạnh tranh trong thị trường lao động và những thay đổi trong chính sách tuyển dụng đang tạo ra rào cản lớn đối với nhóm sinh viên này. Ngoài ra, họ cũng bị ảnh hưởng dưới cách nhìn nhận giá trị bằng cấp nước ngoài trong bối cảnh chính trị hiện tại.

Một số tỉnh đang loại trừ những sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học ngoài Trung Quốc khỏi hệ thống xuandiaosheng, hay còn gọi là "sinh viên tốt nghiệp được tuyển chọn và phân công". Đây là chương trình tuyển dụng đặc biệt nhằm lựa chọn những sinh viên xuất sắc vào cơ quan nhà nước.

Tại tỉnh Quảng Đông, chính quyền đã ra thông báo vào tháng 12 cho biết sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học nước ngoài sẽ không đủ điều kiện tham gia đợt tuyển sinh công chức năm 2025.

Quy định này áp dụng cho các trường đại học nổi tiếng như Ivy League ở Mỹ, Đại học Cambridge của Anh, và Đại học Quốc gia Singapore. Điều này đánh dấu bước đi quan trọng trong việc hạn chế sự tham gia của các sinh viên có bằng cấp nước ngoài vào hệ thống công chức.

 Ảnh minh họa: Unsplash

Ảnh minh họa: Unsplash

Tương tự, tỉnh Sơn Đông cũng công bố chính sách mới vào tháng 10, yêu cầu các ứng viên năm 2025 chỉ được lựa chọn từ các trường đại học trong nước. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sinh viên học trường quốc tế mà còn phản ánh xu hướng thay đổi trong chính sách tuyển dụng, với mục tiêu giữ vững giá trị ý thức hệ và bảo vệ an ninh quốc gia.

Những thập kỷ trước, việc cử các sinh viên ưu tú đi học ở nước ngoài là chiến lược quan trọng nhằm thu hút kiến thức và công nghệ tiên tiến để phục vụ cho công cuộc hiện đại hóa đất nước. Các chuyên gia và nhà lãnh đạo như Wan Gang, người được coi là "cha đẻ của xe điện Trung Quốc", đã học tại Đức và đóng góp to lớn vào sự phát triển ngành công nghiệp này khi trở về Trung Quốc.

Tuy nhiên trong những năm gần đây, giá trị của bằng cấp quốc tế đã giảm sút đáng kể. Một báo cáo từ công ty tuyển dụng Liepin và tổ chức Chinese Global Youth Summit vào năm 2023 chỉ ra rằng mức lương trung bình của sinh viên tốt nghiệp ở nước ngoài đã giảm từ 268.200 nhân dân tệ vào năm 2020 xuống còn 204.500 nhân dân tệ vào nửa đầu năm 2023.

Cuộc khảo sát cho thấy sự gia tăng ứng viên trong nước đã tạo ra cạnh tranh gay gắt trong thị trường lao động, làm giảm cơ hội nghề nghiệp cho các sinh viên quốc tế.

Mức lương khởi điểm của sinh viên tốt nghiệp nước ngoài cũng thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của họ. Theo khảo sát, lương khởi điểm của những sinh viên này thấp hơn từ 23% đến 34% so với mức họ kỳ vọng. Báo cáo khác cho thấy mức lương trung bình của sinh viên có bằng đại học nước ngoài là 7.928 nhân dân tệ mỗi tháng, thấp hơn khoảng 2.700 nhân dân tệ so với mức họ mong đợi.

Mặc dù vậy, Fan Xiudi, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đánh giá Giáo dục tại Đại học Đồng Tế, Thượng Hải, nhấn mạnh rằng không nên đánh giá thấp vai trò quan trọng của những du học sinh trở về đối với sự phát triển của Trung Quốc.

Bà cho biết đất nước vẫn đang thiếu hụt những nhân tài cấp cao có khả năng đa văn hóa và năng lực toàn cầu, những yếu tố này là rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay khi Trung Quốc tiếp tục mở rộng ảnh hưởng toàn cầu và thúc đẩy quá trình hiện đại hóa.

Ngọc Ánh (theo SCMP, China Daily)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/du-hoc-sinh-kho-tim-kiem-viec-lam-khi-tro-ve-trung-quoc-post329988.html