Du học tại chỗ
Được đánh giá là một trong những nền kinh tế đang có độ mở cao nhất thế giới, giáo dục Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc hội nhập quốc tế sâu rộng. Việt Nam hiện có khoảng gần 200.000 du học sinh đang học tập ở các nước, trong đó tập trung nhiều ở những nước có nền giáo dục phát triển hàng đầu như Mỹ, Anh, Australia...
Việt Nam có hơn 400 chương trình liên kết đào tạo với hơn 30 quốc gia trên thế giới, chủ yếu là lĩnh vực kinh tế, quản lý. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đón nhận nhiều du học sinh quốc tế đến Việt Nam học. Trong 5 năm qua, sinh viên quốc tế đến học tại Việt Nam tăng 10%/năm, hiện có khoảng 21.000 sinh viên quốc tế đang học tập tại Việt Nam.
Có thể nói, giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ nhờ chính sách tự chủ ĐH và tăng cường hợp tác quốc tế ngày một sâu rộng. Ngày càng có nhiều chương trình đào tạo chất lượng, được kiểm định quốc tế, đào tạo bằng tiếng Anh và một số ngoại ngữ khác.
Nhiều cơ sở GDĐH Việt Nam đã lọt vào các bảng xếp hạng ĐH uy tín nhất tại châu Á và trên thế giới (3 trường thuộc tốp 1.000 ĐH tốt nhất thế giới theo xếp hạng của QS và THE; 8 trường thuộc tốp 500 ĐH tốt nhất châu Á theo xếp hạng của QS). Tại Việt Nam, hiện có 5 trường ĐH có vốn đầu tư nước ngoài. Những con số đó là khá khả quan, nhưng Việt Nam liệu đã có đủ hấp dẫn để sinh viên Việt Nam chọn “du học tại chỗ”, hay đủ sức thu hút sinh viên quốc tế đến giao lưu, học tập hay chưa, câu trả lời chắc chắn là chưa. Vì chất lượng GDĐH Việt Nam vẫn còn hết sức khiêm tốn trong bảng xếp hạng quốc tế. Đó là lý do mà hàng năm hàng ngàn sinh viên Việt Nam tìm đường du học.
Covid-19 xảy ra đã làm xáo trộn cuộc sống của người dân trên phạm vi toàn cầu. Việc học cũng không ngoại lệ, nhất là du học. Như Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, trong khi nhiều du học sinh Việt Nam đang lúng túng chưa biết xử trí như thế nào trong giai đoạn đại dịch “nếu về Việt Nam sẽ học ở đâu”, thì sứ mệnh của các trường ĐH là tạo điều kiện cho du học sinh trở về được học ở môi trường tốt nhất. Mặt khác, đây cũng là cơ hội để các trường trong và ngoài nước kết nối với nhau, đưa ra các chương trình đào tạo tốt để hấp dẫn người học “du học tại chỗ” cũng như thu hút sinh viên quốc tế tới Việt Nam.
Thực tế, nhiều phụ huynh hiện nay cũng không muốn con em đi học nước ngoài suốt 4 năm mà muốn con có những quãng thời gian ở cùng gia đình. Do đó, một chương trình đào tạo thỏa mãn được nhu cầu này là xu hướng tất yếu. Theo nhìn nhận chung của các chuyên gia giáo dục, người học cũng như chính thực tiễn đào tạo của các trường, để giữ chân sinh viên Việt Nam ở lại du học tại chỗ, trước hết chất lượng các chương trình liên kết đào tạo quốc tế phải được đảm bảo, nhất là việc kiểm định chất lượng. Thế giới ngày càng phẳng, yêu cầu của người học ngày càng cao, bất cứ một chương trình đào tạo nào dù gắn mác “quốc tế”, thu nhiều tiền, nhưng không đảm bảo chất lượng đều sớm bị tẩy chay. Do đó, các trường ĐH, nếu muốn quốc tế hóa việc đào tạo của mình, phải bắt đầu từ chất lượng và sự minh bạch. Sẽ không thể giữ được chân sinh viên nếu chương trình đào tạo không được dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, không được dạy với tính ứng dụng cao mà chỉ là kiến thức hàn lâm.
Để thúc đẩy được quốc tế hóa GDĐH, Chính phủ và Bộ GD-ĐT phải đẩy nhanh việc công nhận bằng cấp tín chỉ giữa các trường ĐH Việt Nam và các quốc gia, đồng thời tạo diễn đàn để hướng dẫn công khai thông tin cho học sinh, sinh viên về hợp tác đào tạo giữa các trường. Tạo thuận lợi hơn cho các trường trong cấp phép hội thảo quốc tế, làm visa cho cán bộ, sinh viên; thu hút giảng viên nước ngoài đến Việt Nam làm việc cũng như thúc đẩy quá trình nhập cảnh cho sinh viên nước ngoài vào Việt Nam. Đối với chương trình đào tạo, cần xuất phát từ nhu cầu nhân lực, đảm bảo sinh viên tốt nghiệp đáp ứng yêu cầu của ngành nghề.
Mặt khác, các trường ĐH Việt Nam cũng cần cẩn trọng, lựa chọn đối tác uy tín, thương hiệu để liên kết, minh bạch về tất cả các chương trình đào tạo, bởi những môi trường đầu tư minh bạch sẽ thu hút các nhà đầu tư. PGS-TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đưa ra một lưu ý hết sức giá trị, là các trường nên lựa chọn một vài đối tác chiến lược, không phải là sự lợi dụng thương hiệu của đối tác, mà phải tự phát triển thương hiệu để bình đẳng với đối tác. Chỉ khi có sự cạnh tranh và hợp tác bình đẳng, minh bạch thì mới phát triển bền vững được.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/du-hoc-tai-cho-674774.html