Người thầy dẫn lối trái tim

'Mỗi đứa trẻ sinh ra đều là một thiên tài và mang trong mình khả năng đặc biệt, nhiệm vụ của giáo dục là khai phá và phát triển những tiềm năng ấy…'. 20 năm công tác và gắn bó với nghề giáo viên, từng đồng hành với nhiều điểm trường vùng sâu, vùng xa, thầy giáo Hoàng Mạnh Hiền, Hiệu trưởng trường THCS Đội Bình (Yên Sơn) hiểu được tầm quan trọng của tâm lý học trong giáo dục và giảng dạy. Đó là cách để mỗi thầy, cô giáo đưa các em học sinh đến bến bờ tri thức và trưởng thành.

Kiến tạo ngôi trường hạnh phúc

Trường THCS Đội Bình là một ngôi trường xinh xắn nằm trên đồi cao với 18 lớp học, gần 470 học sinh. Có lẽ bất kỳ ai đến thăm ngôi trường này cũng đều ấn tượng bởi cơ sở vật chất khiêm tốn với những lớp học một tầng san sát nhau nhưng rất gọn gàng, sạch đẹp. Góc sân nào của trường cũng là góc mộng mơ bởi những giàn hoa giấy rực hồng rung rinh trong gió, xen kẽ đó là nhiều bảng thông điệp ý nghĩa về việc học.

Một giờ dạy học trên lớp của thầy giáo Hoàng Mạnh Hiền.

Một giờ dạy học trên lớp của thầy giáo Hoàng Mạnh Hiền.

Trước khi công tác tại trường THCS Đội Bình, thầy giáo Hoàng Mạnh Hiền đã có nhiều năm gắn bó với điểm trường xa ở Đạo Viện, Quý Quân. Đối với thầy, những năm tháng xa nhà với nhiều kỷ niệm gắn bó với các em học sinh dân tộc thiểu số trong trẻo, hồn nhiên, đáng yêu chính là động lực để bản thân gắn bó với nghề đến tận bây giờ. “Mình cứ muốn làm gì đó thật nhiều để giúp bọn trẻ, không chỉ là khai mở tri thức. Rồi mình thấy bọn trẻ con bây giờ thiệt thòi nhiều quá, có nhiều điều muốn nói mà không biết cách để bộc lộ, bày tỏ. Ngày ấy, mình cũng chưa biết cách để khơi mở, giúp các em phá vỡ vỏ bọc để lớn lên…” - thầy Hiền nói.

Rồi như có động lực thôi thúc, năm 2012, thầy Hiền học thêm chuyên ngành Tâm lý học, đi sâu vào tâm lý học trẻ em và vị thành niên. Hoàn thành chương trình học, mặc dù được nhận nhiều lời mời tham gia hoạt động trong ngành tâm lý thế nhưng thầy Hiền vẫn tiếp tục ở lại địa phương, gắn bó và góp sức mình kiến tạo nên những ngôi trường hạnh phúc. Đó là việc tìm giải pháp để luôn đem lại những cảm xúc tích cực cho thầy và trò, xây dựng văn hóa ứng xử, các em học sinh được tôn trọng và phát triển năng lực cá nhân. Và nguyên tắc: “Lắng nghe - tôn trọng - thấu hiểu” đã được tất cả thầy cô áp dụng để giúp các em học sinh tháo gỡ được những vướng mắc tâm lý học đường, để mỗi ngày đi học thực sự là một ngày vui.

“Không có học sinh cá biệt, chỉ có học trò cá tính”

Xây dựng “trường học hạnh phúc” không còn là khái niệm mới đòi hỏi bên cạnh việc truyền tải kiến thức còn tập trung giáo dục kỹ năng sống, giáo dục cảm xúc cho các em học sinh. Các em được đảm bảo an toàn, được tôn trọng, yêu thương và được học tập bằng sự tự nguyện cũng như trách nhiệm của mình. Là người đứng đầu nhà trường, thầy Hiền đặc biệt quan tâm đến các hoạt động ngoại khóa giúp các em học sinh phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần. Các hoạt động được nhà trường tổ chức thường niên đó là ngày hội đọc sách, bảo vệ môi trường, sẻ chia với bạn nghèo… Trường cũng là điểm sáng trong giáo dục giới tính với những chủ điểm thường xuyên được lồng ghép trong các giờ học như Giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên, Phòng chống xâm hại tình dục, An toàn an ninh mạng, Bình đẳng giới…

Người thầy truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ học sinh.

Người thầy truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ học sinh.

Với quan điểm “không có học sinh cá biệt, chỉ có học trò cá tính”, thầy Hiền bảo rằng, việc giáo dục các em học sinh phải thật sự khéo léo, tỉ mỉ và nhiều kiên trì. Lắng nghe, thấu hiểu, tạo cảm giác tin cậy và an toàn cho các em chính là chìa khóa để giúp các em tháo gỡ những vỏ bọc, nói ra nỗi lòng. Thầy cô từ đó cũng có phương án để giúp đỡ các em sao cho phù hợp.

Với vai trò như một chuyên gia tư vấn tâm lý, thầy Hiền cũng đã có nhiều buổi nói chuyện, chia sẻ với nhiều thế hệ học sinh tại các trường học trong và ngoài tỉnh. Các chủ điểm như giáo dục lòng biết ơn, tình yêu thương gia đình, cha mẹ, thầy cô, giáo dục hướng nghiệp, giáo dục giới tính… đều được thầy Hiền khéo léo truyền đạt, gửi gắm đi sâu vào lòng người. Đã có những lần sau buổi nói chuyện, lũ trẻ xúm xít quây quần lại xung quanh thầy xin chữ ký như một thần tượng giới trẻ. Thầy Hiền bảo, những giờ phút hạnh phúc nhỏ nhoi ấy chính là động lực để bản thân ngày càng cố gắng hoàn thiện hơn.

Thầy Hiền nhớ lại: “Mình đã từng ấn tượng với một bạn học sinh 3 năm ở lại lớp ở một ngôi trường không quá xa trung tâm thành phố. Bạn ấy trên tay có hình xăm và là một bạn nữ. Trong buổi nói chuyện về “lòng biết ơn” ấy, bạn học sinh đó đã khóc khi viết một bức thư gửi cho bố mẹ. Đó là giọt nước mắt ăn năn và đầy nuối tiếc. Sau buổi trò chuyện hôm đó, bạn tập trung học tập, năm ấy bạn đã đỗ tốt nghiệp THCS, đi học nghề, tiếp bước trên hành trình cuộc đời của mình…”. Các em học sinh đều như một tờ giấy trắng, mỗi hành vi của các em đều là tấm gương phản chiếu sự quan tâm của gia đình, bạn bè, thầy cô, tác động của xã hội. Giúp các em lựa chọn đúng con đường phát triển, trở thành người có ích cho gia đình, xã hội là nhiệm vụ cũng như trọng trách của mỗi thầy cô giáo trên hành trình giáo dục hiện nay.

Thầy giáo Hoàng Mạnh Hiền cùng học sinh và phụ huynh trong hoạt động ngoại khóa giáo dục về lòng biết ơn.

Thầy giáo Hoàng Mạnh Hiền cùng học sinh và phụ huynh trong hoạt động ngoại khóa giáo dục về lòng biết ơn.

Thầy giáo Hoàng Mạnh Hiền vẫn nói hình tượng rằng, hành trình “uốn cây” cần nhiều thời gian, tỉ mỉ và sự kiên trì. Việc giáo dục các em học sinh non nớt cũng như vậy. Trước xã hội ngày càng phát triển cùng sự bùng nổ của khoa học công nghệ, thông tin, việc xây dựng văn hóa ứng xử ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chăm bồi, rèn luyện “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” cho các em học sinh là yêu cầu bức thiết. Và mỗi thầy cô giáo bằng cách chân thành “lắng nghe” học sinh của mình chính là chìa khóa để mở ra trí tuệ và dẫn lối trái tim.

Thùy Lê

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/nguoi-thay-dan-loi-trai-tim-202029.html