Từ sáng mùng 3 Tết Giáp Thìn (12/2), nhiều du khách, người dân đã đến Tháp Bà Ponagar để tham quan, khám phá những nét đặc sắc của của kiến trúc và văn hóa của người Chăm.
Hàng ngàn người nối đuôi nhau bước trên những bậc thang bằng đá kéo dài tiến lên khu vực các tháp.
Nhóm du khách đến từ Hàn Quốc chăm chú lắng nghe hướng dẫn viên giới thiệu về kiến trúc của Tháp Bà Ponagar.
Du khách mê mẩn khi được tận mắt chiêm ngưỡng nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm. Từ bàn tay khéo léo của người thợ dệt, những sợi chỉ nhỏ li ti dần biến thành những mảnh thổ cẩm có hồn với màu sắc rực rỡ, hoa văn tinh xảo. Điểm độc đáo là mỗi tấm thổ cẩm đều có những nét riêng cho dù được dệt bởi cùng một nghệ nhân.
Du khách còn được theo dõi các nghệ nhân người Chăm chế tác, nhào nặn gốm bằng đôi bàn tay vô cùng tài hoa, điêu luyện. “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” đã được UNESCO ghi danh vào danh sách "di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp".
Quá ngưỡng mộ với nghệ thuật làm gốm độc đáo, một du khách người Hàn Quốc đã chụp hình với nghệ nhân làm gốm để lưu giữ kỉ niệm hiếm có này.
Du khách lựa chọn những sản phẩm lưu niệm bằng gốm để làm quà cho bạn bè, người thân.
Anh Hoàng Văn Nghĩa (du khách đến từ TP HCM) chia sẻ: “Quá tuyệt vời, Tháp Bà Ponagar là điểm du lịch không thể bỏ qua khi đến với Nha Trang. Nơi đây có thật nhiều hoạt động thú vị để chúng tôi tìm hiểu về văn hóa của người Chăm. Tôi và gia đình cũng chưa từng được thấy nét kiến trúc độc đáo như thế này bao giờ nên rất thích”.
Tháp Bà Ponagar Nha Trang mang vẻ đẹp hoang sơ và nổi bật. Những ngọn tháp là nơi lý tưởng để lưu giữ khoảnh khắc đầu năm mới bên kiến trúc Chăm độc đáo.
Vào dịp Tết Nguyên đán, nhiều người dân đến Tháp Bà Ponagar để cầu xin một năm mới thuận buồm xuôi gió. Nơi đây gắn liền với truyền thuyết về Nữ thần Thiên Y Ana - người mẹ xứ sở đã có công dạy người dân cách làm ăn như trồng lúa, dệt vải, chăn nuôi, sinh sống. Đây cũng là lý do mà công trình này hết sức quan trọng đối với hoạt động tín ngưỡng của bà con nơi đây.
Những điệu múa Chăm uyển chuyển đã thu hút đông đảo du khách.
Tháp Bà Ponagar là di sản văn hóa tiêu biểu, nổi bật của tỉnh Khánh Hòa nói riêng và của cả nước nói chung.
Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, khu di tích Tháp Bà Ponagar đã tăng thời gian mở cửa phục vụ nhu cầu tham quan và đi lễ của người dân và du khách đầu năm mới, miễn phí vé tham quan cho người dân Khánh Hòa.
Mỗi ngày Tháp Bà Ponagar đón hàng ngàn lượt khách tham quan.
Dưới vương triều Panduranga, người Chăm xây dựng các đền tháp trên đồi Cù Lao ở xứ Kauthara, để thờ nữ thần Ponagar là mẹ xứ sở của người Chăm, tên thường gọi là Tháp Bà Ponagar. Di tích có niên đại xây dựng khoảng từ thế kỷ thứ VIII - XIII. Năm 1979, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích Tháp Bà Ponagar là di tích quốc gia. Năm 2012, Lễ hội Tháp Bà Ponagar được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Khánh Nguyên - Lữ Hồ