Du khách 'nhà người ta' - Đi thỏa sức, mang vàng về nhà
Nhiều nhiếp ảnh gia và du khách không tiếc tiền đầu tư cho các chuyến phototrip để theo đuổi đam mê 'săn' những khoảnh khắc đắt giá.
Du lịch nhiếp ảnh (photo tour) là những tour du lịch được thiết kế riêng cho những nhiếp ảnh gia (NAG) và du khách yêu thích chụp ảnh.
Không như những tour du lịch truyền thống, photo tour thường được tổ chức ở các địa điểm vào mùa có cảnh vật đặc trưng. Trong suốt hành trình, du khách sẽ dành nhiều thời gian sáng tác ảnh, "săn" những khoảnh khắc "vàng". Tuy nhiên, du lịch nhiếp ảnh chứa đựng không ít thách thức.
Tour không dành cho người yêu thích sự nhàn hạ
Trong giới nhiếp ảnh, khoảnh khắc Mặt Trời đi ngang đường chân trời vào lúc bình minh hay hoàng hôn được gọi là giờ vàng nhiếp ảnh.
Khi ấy, ánh Mặt Trời nhuộm vàng cảnh vật, tạo ra không gian với những gam màu trầm ấm đầy ấy tượng. Vì vậy, những tour du lịch nhiếp ảnh thường có lịch trình xuất phát từ sáng sớm và kết thúc khi trời tối hẳn để du khách có thể ngắm bình minh, hoàng hôn và chụp ảnh tại những điểm đến có phong cảnh ấn tượng.
Theo đuổi đam mê chụp ảnh từ năm 2019, nữ photographer Trăng Mùa Thu (sống tại Hà Nội) đã tham gia nhiều photo tour khắp nơi để thỏa đam mê du lịch, chụp ảnh.
Để mang về những bức ảnh đẹp, nữ du khách không ngại khó khăn, đợi hàng giờ dưới trời nắng để giữ vị trí chụp đẹp.
"Tôi phải đứng canh từ 12h trưa, cắm tripod lấy chỗ, không thì sẽ bị giành mất góc chụp hoàng hôn đẹp", Trăng Mùa Thu chia sẻ về chuyến chụp hoàng hôn trên mùa vàng tại Sáng Nhù (huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái).
Nữ du khách cho biết hôm ấy có 2 tour lên đây chụp ảnh với khoảng 80 người. Nếu không giữ chỗ từ sớm, du khách rất khó để tìm được vị trí sáng tác ảnh như mong muốn.
Anh Lê Hồng Hà - người chuyên tổ chức các photo trip trong và ngoài nước - nói rằng thông thường các tour du lịch tham quan bắt đầu vào 8h, 9h sáng, nhưng đối với nhiếp ảnh, có những chuyến khách đi thâu đêm để chụp dải Ngân hà ”milky way” và sao quay “startrail”, hoặc đi từ 3-4h sáng để chụp được những khoảnh khắc bình minh đẹp.
"Ngoài ra, đối với một số tour leo núi, chụp ảnh ở nước ngoài như tour Rinjani, Ljen, núi lửa Bromo..., du khách phải đảm bảo yêu cầu thể lực tốt, có kinh nghiệm trekking...", anh Hà chia sẻ.
"Không giống như các tour du lịch truyền thống, photo trip mang những đặc thù riêng với những điểm đến có cảnh quan ấn tượng, thậm chí có những nơi vùng sâu vùng xa, các điều kiện ăn, nghỉ cũng sẽ khác", anh Hà nói.
Anh Nguyễn Công Thử (sống tại TP.HCM) cho hay: "Bắt đầu chụp ảnh phong cảnh từ 2020, tôi đã tham gia rất nhiều chuyến photo trip trong nước. Đôi lúc có những chuyến rất cực và trải qua cảm giác đáng sợ, nhưng đam mê làm tôi quên hết mỏi mệt".
Để chụp được những bức ảnh vừa ý, anh Thử đã từng qua đêm trên đỉnh Fansipan lạnh 0 độ C, thức trắng đêm giữa "đồng không mông quạnh" để chụp Milkyway hay băng qua nghĩa trang lúc 2-3h sáng để lên đồi săn ảnh.
Các photo tour thường được tổ chức theo mùa, vào mùa này chỗ đó có gì đặc trưng thì du khách đến chụp ảnh, tận hưởng cảnh quan và tìm hiểu văn hóa, ẩm thực. Vì mang tính mùa vụ, các chuyến du lịch chụp ảnh thường được du khách và nhà tour lên kế hoạch từ trước.
Những khoảnh khắc "vàng" đáng giá
Chia sẻ về lần đi săn ảnh ấn tượng nhất, Trăng Mùa Thu nói: "Hôm đó dự báo có tuyết, chúng tôi đi Sapa ngay trong đêm nhưng không săn được tuyết mà chỉ có băng. Trên đường về cả nhóm lạc vào một khu vườn mà tất cả cỏ cây đều đóng băng cả và tôi phát hiện một cây hồng rất đẹp". Nữ du khách say mê chụp ảnh trong giá lạnh đầy cảm xúc.
Theo nữ du khách đến từ Hà Nội, chị đang làm trong lĩnh vực không liên quan đến nhiếp ảnh, chụp ảnh với chị chỉ là đam mê. "Ảnh chụp không nhiều nhưng những khoảnh khắc 'vàng' mang lại thành công. Tôi đã bán được một số ảnh cho những người yêu thích nhiếp ảnh phong cảnh", chị nói.
Thời gian đầu chị đi photo tour để giao lưu, học hỏi từ bạn bè cùng đam mê. "Mọi việc ăn ngủ đều do nhà tỏ chức tour lo nên cũng đỡ phải nghĩ ngợi nhiều, chỉ cần xách đồ và máy lên đi chụp", chị nói.
Trong các chuyến photo tour, Trăng Mùa Thu cũng tranh thủ chụp ảnh check-in với cảnh đẹp và con người tại địa phương.
Hiện tại, nữ du khách đã chuyển sang đi tự túc để chủ động lịch trình, không phải tranh góc chụp, "khoảnh khắc là vàng, nhường nhau thì hết".
Là người đam mê nhiếp ảnh phong cảnh, anh Hai Nguyễn (đến từ Đà Nẵng) đã liên tục xê dịch để ngắm nhìn cảnh quan và sáng tác nhiều bức ảnh ấn tượng. Đến nay anh đã đặt chân đến mọi miền tổ quốc và 84 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Anh cũng thường tham gia các chuyến du lịch nhiếp ảnh trong nước. "Giữa một đoàn các NAG đang set up chụp ảnh một người bà ở Hội An, tôi vô tình bắt được khoảnh khắc bà ngồi xuống nghỉ ngơi, ăn trầu sau set chụp. Khoảnh khắc tự nhiên ấy được nhiều bạn bè trong và ngoài nước của tôi yêu thích", anh Hai chia sẻ.
Bên cạnh đó, anh Hai cũng mang tác phẩm ra giao lưu với các NAG trong và ngoài nước tại một số triển lãm, cuộc thi ảnh quốc tế như AFIAP, AVNPC, QPSA, EFIP, EAPG, MAPS, ANPS... Trong năm 2023, anh đã đạt được 7 danh hiệu nhiếp ảnh quốc tế, trong đó có nhiều giải vàng. Đây cũng là một sự động viên cho anh trên con đường theo đuổi đam mê.
Tham gia những chuyến du lịch nhiếp ảnh giúp anh Nguyễn Công Thử gặp gỡ với nhiều người có cùng đam mê, sở thích. "Cái hay của đam mê nhiếp ảnh phong cảnh là kết nối bạn bè khắp mọi miền tổ quốc, giao lưu nhiều thứ, kể cả chuyên môn. Ảnh chụp có giá trị sử dụng như thi ảnh, in lịch, bán ảnh...nhưng nói chung chi phí các chuyến đi khá tốn và tiền bán ảnh hay thi cử không lấp đầy được, tuy vậy các NAG được sống với đam mê...", anh Thử tâm sự.
Du lịch nhiếp ảnh ngày càng hút khách
Năm 2023, anh Lê Hồng Hà và đội ngũ đã tổ chức nhiều photo tour trong và ngoài nước. Trong đó, có 8 chuyến photo tour cho các NAG và du khách Việt đi chụp nước ngoài, những chuyến tổ chức trong nước phần lớn là du khách quốc tế.
Bên cạnh những khác biệt về thời gian, lịch trình, người hướng dẫn photo tour cũng có nhiều điểm khác. "Ngoài các kỹ năng cần có của một hướng dẫn viên du lịch, photoguide phải có kiến thức về nhiếp ảnh, kiến thức về văn hóa, phong tục tập quán của những vùng miền và cả kỹ năng ngoại ngữ", anh Hà nói.
Bắt đầu là một hướng dẫn viên nhiếp ảnh bản địa cho các đoàn nhiếp ảnh cách đây vài năm trước, anh Trần Linh (sống tại Hà Nội) đã chuyển sang mô hình tổ chức các chuyến đi chụp ảnh hay còn gọi là photo trip để phục vụ du khách đam mê nhiếp ảnh.
"Thời gian gần đây lượng khách hàng tăng lên rất nhiều so với các năm trước vì thời đại công nghệ phát triển những thiết bị chụp ảnh dễ tiếp cận hơn với những bạn trẻ, những người hoàn toàn không có chuyên môn nhiếp ảnh vẫn có thể sử dụng, hay đơn giản chỉ với chiếc điện thoại trên tay cũng đã có thể chụp những tấm ảnh rất đẹp", anh Linh nói.
Hiện tại, các chuyến photo tour của anh đang tập trung nhiều ở vùng cao phía Bắc Việt Nam vì phong cảnh vùng cao tuyệt đẹp, hùng vĩ, hoang sơ và cũng là nơi tập trung nhiều nét văn hóa khác nhau của người dân tộc thiểu số.
"Để tham gia các chuyến du lịch nhiếp ảnh, du khách cần có một thứ duy nhất đó là tinh thần yêu thiên nhiên, thích trải nghiệm, khao khát đặt chân đến những vùng đất mới", Trần Linh chia sẻ. Để tối ưu trải nghiệm cho khách, các tour của anh giới hạn tối đa 20 khách, có lái xe và 2 hướng dẫn viên nhiếp ảnh đi cùng.
Trong các chuyến photo trip, anh Linh luôn sắp xếp lịch trình phù hợp để du khách có thể chụp được cả hai thể loại phong cảnh và văn hóa đời thường. Phong cảnh thì có cảnh bình minh, hoàng hôn, cảnh ban đêm. Văn hóa đời thường thì có cảnh người lao động, các làng nghề truyền thống, chân dung người dân tộc bản địa…
"Không đơn giản chỉ là một chuyến đi du lịch, trong chuyến đi các NAG sẽ được sáng tác những tác phẩm hình ảnh nghệ thuật có thể dùng để trang trí, kinh doanh hay thậm chí là thi những cuộc thi nhiếp ảnh lớn trong nước và quốc tế", Trần Linh chia sẻ.
Đối với tiêu chí khi lựa chọn photo tour, anh Hai chia sẻ: "Tôi thường lựa chọn những tour du lịch nhiếp ảnh của các người dân bản địa ở từng địa phương. Các bạn ấy sẽ nắm rõ về đặc điểm vùng đất đó và tổ chức được chu đáo hơn".
Tham gia những chuyến du lịch nhiếp ảnh, anh Hai Nguyễn thường mang hành lý đơn giản, gọn nhẹ. Phần còn lại anh mang thiết bị chụp gồm body máy ảnh và 3 ống kính với những tiêu cự khác nhau. Với các chuyến đi chụp chim, anh sẽ chuẩn bị thêm lens tele chụp xa.
Nguồn Znews: https://znews.vn/du-khach-nha-nguoi-ta-di-thoa-suc-mang-vang-ve-nha-post1453431.html