Chùa Tây Phương tọa lạc trên núi Câu Lậu (xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất) được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 8, là ngôi chùa cổ thứ hai cả nước hiện nay (sau chùa Dâu ở Bắc Ninh) và là ngôi chùa cổ nhất của Hà Nội. Chùa được trùng tu nhiều lần, đến thời nhà Tây Sơn (khoảng năm 1788-1802) thì được dựng lại và giữ nguyên hình dáng kiến trúc như ngày nay.
Chùa Tây Phương (xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội).
Ngôi chùa là một quần thể các đơn nguyên, bao gồm: Tam quan hạ, Tam quan thượng, Miếu Sơn Thần, Tiền đường, Trung đường, Thượng điện, Nhà tổ, Nhà Mẫu và Nhà khách.
Để lên chùa, du khách cần phải leo qua hơn 200 bậc thang đá ong rêu phong. Ngôi chùa được người dân, khách thập phương đến du xuân, dâng lễ, đặc biệt vào dịp đầu xuân.
Tính đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng (2/2/2025) đã có hơn 54.000 lượt khách đến chùa dịp xuân Ất Tỵ
Ngoài lễ Phật cầu mong một năm mới bình an, thuận lợi, du khách còn đến chùa Tây Phương để tận hưởng không khí trong lành, yên tĩnh, tìm sự yên bình thanh tịnh trong tâm hồn.
Cùng vẻ đẹp kiến trúc cổ kính, chùa Tây Phương đang lưu giữ khoảng 70 pho tượng Phật giáo cùng với các bức phù điêu, chủ yếu được tạc bằng gỗ mít sơn son thếp vàng có niên đại hàng trăm năm.
Nhiều pho được tạc cao hơn người thật như 8 pho tượng Kim Cương và Hộ Pháp, cao chừng 3m, trang nghiêm phúc hậu.
Đặc biệt là tượng 18 vị La Hán được thờ ở chùa Thượng. Đó là 18 vị Sư tổ của Phật giáo. 18 bức tượng mỗi người một dạng vẻ, một tư thế, đều có nét riêng biệt, chân thực.
Bộ tượng La Hán ở chùa Tây Phương là điển hình nhất của nghệ thuật điêu khắc Việt Nam thế kỷ 18, là một công trình tôn giáo đặc sắc tiêu biểu cho mỹ thuật Việt Nam thời Hậu Lê. Năm 2015, bộ tượng Phật giáo này đã được Nhà nước công nhận là Bảo vật quốc gia.
Nói về giá trị của các pho tượng Phật giáo chùa Tây Phương, nhà sử học Lê Văn Lan khẳng định: “Thợ và nghệ sỹ của làng Nủa Chàng, huyện Thạch Thất, là tác giả của những pho tượng nhưng tôi nghĩ, với sự kỳ công của những người thợ, cần phải có đầu óc trí tuệ của những bậc trí giả, trí thức Nho học thổi hồn vào cho các pho tượng này. Cứ xem chân dung hình hài của những pho tượng như thế là ta đã ngộ ra biết bao nhiêu điều cả về lịch sử, cả về xã hội, đặc biệt là tư tưởng, triết lý”.
Ngoài ra, chùa Tây Phương còn là nơi tập trung những kiệt tác hiếm có của nghệ thuật điêu khắc tôn giáo bao gồm chạm trổ, phù điêu và tạc tượng. Các đầu bẩy, các bức cổn, xà nách, ván long... đều có chạm trổ đề tài trang trí quen thuộc của dân tộc Việt như: hình lá dâu, lá đề, hoa sen, hoa cúc, rồng, phượng, hổ phù... rất tinh xảo. Đây là những kiệt tác từ bàn tay của các nghệ nhân tài hoa ở Chàng Sơn - làng nghề mộc nổi tiếng lâu đời của xứ Đoài.
Các nhà khoa học đánh giá, đây là ngôi chùa duy nhất còn bảo tồn, lưu giữ được hệ thống tượng Phật là những kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam, được đánh giá như một bảo tàng về tượng Phật giáo của Việt Nam.
Năm 2014, Chính phủ đã công nhận chùa Tây Phương là Di tích Quốc gia đặc biệt về giá trị kiến trúc nghệ thuật.
Năm nay, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Thạch Thất trang trí khu tiểu cảnh chụp hình lưu niệm bằng chính sản phẩm của làng nghề quê hương Thạch Thất như mẹt, nơm, chúm, tre,...
Lễ hội chùa Tây Phương năm 2025 diễn ra từ ngày 29/3/2025 đến 7/4/2025, gồm phần lễ và phần hội với các nghi thức dâng lễ, cúng Phật; rước kiệu và diễu hành của phường Rối nước. Phần hội có các trò chơi dân gian như: ném còn, đi cà kheo, cây đu; biểu diễn Múa Rối nước, biểu diễn văn nghệ, diễn xướng cồng chiêng; giao lưu vật dân tộc,… Bên cạnh đó, còn có khu vực trưng bày, bán các sản phẩm đặc sản của huyện Thạch Thất.
Trường Hùng