Khám phá 8 cột cờ nổi tiếng ở Việt Nam
Cột cờ Lũng Cú ở Hà Giang, cột cờ Hà Nội hay kỳ đài Huế… là những công trình nổi tiếng của Việt Nam, thu hút du khách đến tham quan và check-in.
Cột cờ Lũng Cú, Hà Giang
Cột cờ Lũng Cú là địa điểm thu hút du khách check-in khi đến Hà Giang. Cột cờ nằm ở độ cao gần 1.500m so với mực nước biển, cách điểm cực Bắc Việt Nam khoảng 3,3km đường chim bay, cách thị trấn Đồng Văn 24km.
![Ảnh: Hà Giang Trẻ](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_465_51442323/5efa14782036c9689027.jpg)
Ảnh: Hà Giang Trẻ
Cột cờ được xây dựng theo mô hình cột cờ Hà Nội, có tổng chiều cao 34,85m, lá cờ rộng 54m², tượng trưng cho 54 dân tộc anh em cùng chung sống hòa thuận, đoàn kết trên lãnh thổ Việt Nam.
Cột cờ Fansipan, Lào Cai
Cột cờ Fansipan được hoàn thiện đầu năm 2017, cao 25m, xây dựng bằng đá xanh nguyên khối, có khả năng chịu đựng điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Công trình gồm phần đế, chân cột và thân cột.
![Ảnh: Vũ Tiến Khương](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_465_51442323/f106ba848eca67943edb.jpg)
Ảnh: Vũ Tiến Khương
Phần đế cao 1,35m, có bốn mặt chạm khắc phù điêu nổi các địa danh nổi tiếng của Việt Nam như Tây Nguyên, Hạ Long, Tây Bắc… đồng thời tái hiện những hình ảnh tiêu biểu của văn hóa và lịch sử dân tộc.
Phần chân cột có hình bát giác, đường kính 3m, cao 4,29m. Phần thân cột có tiết diện hình tròn, đường kính lớn nhất 0,5m, cao 18,68 m. Bao quanh công trình là khoảng sân rộng 400m², lát gỗ tự nhiên chống trơn trượt.
Cột cờ Hà Nội
Cột cờ Hà Nội nằm trên đường Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, được xây dựng năm 1812 dưới thời vua Gia Long triều Nguyễn, trên phần đất phía nam của Hoàng thành Thăng Long.
![Ảnh: TL](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_465_51442323/c95f9cdda89341cd1882.jpg)
Ảnh: TL
Cột cờ Hà Nội là công trình còn nguyên vẹn và hoành tráng nhất trong quần thể di tích Hoàng thành Thăng Long. Cột cờ được xây dựng gồm ba tầng đế và một thân cột. Các tầng đế có dạng chóp vuông cụt, nhỏ dần, chồng lên nhau, xung quanh xây ốp gạch.
Trong thân có cầu thang 54 bậc xây xoáy trôn ốc lên tới đỉnh. Toàn thể được soi sáng (và thông hơi) bằng 39 lỗ hình dẻ quạt. Đỉnh cột cờ được cấu tạo thành một cái lầu hình bát giác, cao 3,3m có 8 cửa sổ tương ứng với tám cạnh.
Cột cờ Nam Định
Cột cờ Nam Định nằm trên đường Tô Hiệu, thành phố Nam Định, là di tích quốc gia, được hoàn thành năm 1843 dưới thời Nguyễn, nằm ở trung tâm thành cổ Nam Định.
Cột cờ Nam Định là một trong bốn cột cờ được xây dựng vào đầu thời Nguyễn, từng bị đạn bom phá hủy và được phục dựng theo đúng nguyên trạng vào năm 1997.
![Ảnh: TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_465_51442323/08df5e5d6a13834dda02.jpg)
Ảnh: TTXVN
Cột cờ được xây bằng gạch nung già, màu đỏ sẫm, chiều cao tổng thể 23,84 m, gồm ba phần chính là chân đế, thân đài và vọng lâu. Bên trong thân cột có cầu thang xoắn ốc gồm 54 bậc dẫn lên vọng lâu.
Đứng trên đỉnh cột cờ, du khách có thể nhìn thấy toàn cảnh trung tâm thành phố Nam Định. Năm 1962, Bộ Văn hóa - Thông tin đã công nhận Cột cờ Nam Định là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Cột cờ Hiền Lương, Quảng Trị
Cột cờ Hiền Lương thuộc quần thể di tích lịch sử đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, tỉnh Quảng Trị. Ngoài cột cờ, nơi đây còn có cầu Hiền Lương, nhà Liên hợp, các bến đò, cụm tượng đài “Khát vọng thống nhất”.
![Ảnh: TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_465_51442323/2a737df149bfa0e1f9ae.jpg)
Ảnh: TTXVN
Năm 2005, UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức dựng lại cột cờ Hiền Lương theo nguyên mẫu xây dựng từ năm 1963, với lá cờ đỏ sao vàng diện tích 75m², cột cờ cao 38m, trong đó phần đài cao 11,5m, nằm tại thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, bờ Bắc sông Bến Hải. Với những giá trị đặc biệt, đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Kỳ đài Huế
Kỳ đài Huế là di tích kiến trúc thời Nguyễn, được xây dựng năm Gia Long thứ 6 (1807) ở vị trí trung tâm mặt Nam của Kinh thành Huế.
![Ảnh: TL](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_465_51442323/649534170059e907b048.jpg)
Ảnh: TL
Kỳ đài gồm hai phần là đài cờ và cột cờ. Đài cờ là một công trình đồ sộ gồm ba tầng chóp cụt chữ nhật chồng lên nhau. Tầng thứ nhất cao hơn 5,5m, tầng giữa cao gần 6m, tầng trên cùng cao hơn 6m, tổng chiều cao khoảng 17,5m. Xung quanh mỗi tầng đều có lan can, mặt nền được lát gạch Bát Tràng.
Ban đầu, cột cờ được làm bằng gỗ, gồm hai tầng, cao gần 30m. Năm 1948, cột cờ được xây dựng lại bằng bê-tông cốt sắt với tổng chiều cao 37m. Kỳ đài không chỉ là vị trí trung tâm của thành phố Huế mà còn là biểu tượng của Cố đô.
Cột cờ Thủ Ngữ
Cột cờ Thủ Ngữ tọa lạc tại khu vực bến Bạch Đằng, quận 1, TPHCM. Công trình được người Pháp xây dựng vào tháng 10-1865 với tên gọi ban đầu là Mât des signaux, có nghĩa là cột tín hiệu cho tàu bè ra vào khu vực Sài Gòn - Gia Định.
![Ảnh: TL](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_465_51442323/cf769ef4aaba43e41aab.jpg)
Ảnh: TL
Đứng trước dòng chảy lịch sử, cột cờ là “nhân chứng” cho nhiều sự kiện quan trọng của Sài Gòn - TPHCM. Một trong những sự kiện nổi bật nhất là ngày 5-6-1911, khi người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước tại Bến Nhà Rồng. Tháng 5-2016, UBND TPHCM đã xếp hạng cột cờ Thủ Ngữ là di tích lịch sử.
Cột cờ Hà Nội tại mũi Cà Mau
Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau được xây dựng mô phỏng kiến trúc cột cờ Hà Nội, khánh thành vào năm 2019. Công trình nằm trong khuôn viên Khu du lịch Mũi Cà Mau, có tổng diện tích hơn 16.000m², cao 45m (tính từ chân đế đến đỉnh tháp), kết cấu gồm ba tầng.
![Ảnh: Nguyên Phong](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_465_51442323/28db7a594e17a749fe06.jpg)
Ảnh: Nguyên Phong
Tầng trệt mang chủ đề “Quá trình hình thành và diễn thế tự nhiên”, với diện tích khoảng 400m², trưng bày các hình ảnh, mô hình làng rừng cùng hệ sinh thái rừng ngập mặn Mũi Cà Mau và các tiêu bản động vật tiêu biểu.
Tầng một có diện tích 320m², trưng bày hơn 55 ảnh với chủ đề “Đất Mũi Cà Mau trên đường phát triển”. Tầng hai có diện tích 152m², do Bảo tàng Hà Nội tổ chức trưng bày các hình ảnh với chủ đề “Cà Mau - Tấm lòng của cả nước”.
Theo TTXVN
Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://sgtt.thesaigontimes.vn/kham-pha-8-cot-co-noi-tieng-o-viet-nam/