Du khách nước ngoài ấn tượng mạnh, cùng hòa mình vào đại lễ 30-4
Muôn người dân Việt Nam xúc động và tự hào. Còn với người nước ngoài đang có mặt ở TP.HCM, họ rất ấn tượng và háo hức cùng hòa mình vào đại lễ 30-4.
Lúc 6 giờ 30 sáng nay 30-4, lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành cấp quốc gia kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025) sẽ chính thức diễn ra.
Ngay từ tối 29-4, không khí tại trung tâm TP.HCM đã rất náo nhiệt. Rất đông người dân TP.HCM, người dân từ các tỉnh thành khác, và cả du khách nước ngoài từ khắp mọi nơi tập trung về khu vực trung tâm TP.HCM mang theo cờ đỏ sao vàng để sẵn sàng đón đại lễ 30-4. Tất cả đã để lại dấu ấn sâu đậm trong mắt du khách nước ngoài.

Ông Justin Stout (phải) và Mr Lan (trái).
Ông Justin Stout (người Mỹ) nói, “Đây là một thời điểm rất đặc biệt đối với đất nước và con người Việt Nam. Tôi rất vui khi có thể chia sẻ trải nghiệm này cùng mọi người. Năng lượng tại đây thật tuyệt vời và người dân rất thân thiện với chúng tôi".
Trong khi đó, Mr Lan (người Anh) cho biết việc ông có mặt tại sự kiện lịch sử này là niềm vinh dự lớn lao. Ông Lan chia sẻ, "50 năm, đây là một cột mốc trọng đại đối với đất nước Việt Nam. Hôm nay, tôi rất vinh dự được tham gia lễ kỷ niệm quan trọng này cùng với những con người tuyệt vời của Việt Nam. Được có mặt tại đây để chúc mừng sự kiện lịch sử này là một vinh dự lớn lao”.
Giữa dòng người đổ về khu vực đường Hai Bà Trưng (quận 1) để chờ xem diễu binh sáng 30-4, gia đình chị Lê Thị Bích Giang (40 tuổi, quê ở Huế) đã có mặt từ lúc gần 2 giờ 30 sáng, trong trang phục đồng phục cờ đỏ sao vàng.
Chị Giang cho biết, cả gia đình vào TP.HCM du lịch dịp lễ, nhưng khi biết có diễu binh kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chị đã quyết định “dành riêng một đêm để cùng thành phố sống trong không khí lịch sử”.
Với gia đình chị Giang, điều mong chờ nhất trong chương trình đại lễ sáng 30-4 là phần diễu binh, diễu hành có sự tham gia của các cựu chiến binh và lực lượng vũ trang. “Khi thấy các bác bước đi trong bộ quân phục năm xưa, tôi tin không ai có thể kìm lòng. Đó là ký ức, là lịch sử sống đang hiện hữu trước mắt mình” – chị Giang xúc động nói.

Người dân tại khu vực công viên Lê Văn Tám.
Khu vực công viên Lê Văn Tám (quận 1, TP.HCM), rạng sáng 30-4, trở thành điểm nhấn đặc biệt khi đây là nơi các đoàn cựu chiến binh từ Thái Nguyên, Tuyên Quang… đi qua trong lễ diễu hành, diễu binh. Không khí náo nức, hào hùng hiện diện ngay từ khi trời còn chưa sáng rõ.
Trước đó, từ 15 giờ chiều ngày 29-4, nhiều nhóm bạn trẻ đến từ Biên Hòa (Đồng Nai) đã có mặt, mang theo cờ Tổ quốc, băng rôn, thức ăn nhẹ và loa bluetooth phát nhạc cách mạng. Họ chọn một góc vỉa hè gần công viên, trải bạt ngồi chờ qua đêm để có được vị trí đẹp chứng kiến khoảnh khắc thiêng liêng. “Chúng em đi từ sớm để không chỉ xem diễu binh, mà còn được tận tay vẫy cờ chào các bác cựu chiến binh - những người hùng của dân tộc,” bạn Phạm Minh Hiếu (21 tuổi) nói.
Đến rạng sáng 30-4, hai bên vỉa hè chật kín người, đa số là thanh niên, sinh viên. Khi các đoàn cựu chiến binh tiến qua, cả tuyến đường rợp cờ đỏ sao vàng, vang lên những tiếng vỗ tay vang dội, những lời hô “Việt Nam - Hồ Chí Minh!” và những ca khúc cách mạng được hát lên không ngớt.

Các cựu chiến binh cũng có mặt tại TP.HCM hòa chung không khí đại lễ 30-4.
Trong dòng người đổ về đây từ rất sớm, ông Đỗ Văn Trung - cựu chiến binh thuộc đoàn Thái Nguyên gồm 80 người, có mặt từ 1 giờ 30 phút sáng. Dáng người rắn rỏi trong bộ quân phục cũ, ông Trung chia sẻ: “Tôi từng đi qua chiến tranh, nay được tận mắt chứng kiến TP.HCM rợp cờ hoa trong ngày 30-4 là niềm tự hào lớn lao. Cảm giác như sống lại thời khắc lịch sử”.
Không chỉ có các cựu chiến binh, nhiều người dân từ khắp nơi cũng đổ về thành phố để chung vui. Ông Doãn Tiến Giáo (60 tuổi) và ông Bùi Trí Cây (66 tuổi) từ Hà Nội vào TP.HCM bằng tàu lửa từ 5 ngày trước, chỉ để kịp chứng kiến thời khắc trọng đại này.
Có mặt từ 19 giờ 30 tối 29-4, hai ông mang theo ghế xếp, nước uống và quốc kỳ. “Chờ đợi từ tối tới sáng không mệt chút nào. 50 năm thống nhất – một cột mốc quá đặc biệt của đất nước, không thể không chứng kiến tận mắt” - ông Giáo nói đầy xúc động.

Cụ bà Trần Thị Khuyên(trái) không giấu được niềm xúc động và vui mừng khi nhắc đến đại lễ.
Bà Nguyễn Hồng Vân (55 tuổi, quê ở Quảng Trị - bên phải) cùng gia đình đã có mặt tại Đồng Nai từ 10 ngày trước để chờ xem lễ diễu binh, diễu hành mừng đại lễ. Đây là lần thứ ba bà đến TP tham dự các sự kiện diễu binh, từ duyệt binh đến tổng duyệt.
“Tôi muốn tận mắt chứng kiến không khí hùng tráng của đại lễ, khi non sông đất nước được giải phóng, kỷ niệm 50 năm. Không thể diễn tả hết cảm xúc khi được hòa mình vào thời khắc lịch sử này” - bà Vân chia sẻ.
Ở tuổi 75, cụ bà Trần Thị Khuyên không giấu được niềm xúc động và vui mừng khi nhắc đến đại lễ. “Trong lòng tôi nôn nao từ mấy hôm nay. Nhớ lại những năm tháng chiến tranh gian khổ, lại càng thêm trân trọng giây phút hòa bình hôm nay “ - bà Khuyên nói.