Du khách nước ngoài dễ dàng tìm hiểu tên đường qua mã QR
Sau hơn 4 tháng xây dựng, hàng loạt cung đường trên TP Tam Kỳ đã được thêm nội dung tiếng Anh, du khách nước ngoài dễ dàng tìm hiểu trên chiếc điện thoại của mình.
Việc TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) xây dựng cơ sở dữ liệu và số hóa tên đường trên địa bàn nhằm từng bước ứng dụng công nghệ số hóa trong lĩnh vực lưu trữ, truyền thông, tuyên truyền, giáo dục lịch sử của đất nước, địa phương theo hướng hiện đại.
Điều này giúp người dân, du khách trong và ngoài nước dễ dàng tìm hiểu về mỗi cung đường ngay trên chính điện thoại của mình thông qua mã QR.
Sau 4 tháng xây dựng, TP Tam Kỳ đã đưa vào hoạt động thêm 12 tuyến đường được số hóa bằng mã QR.
Nhận định sau hơn 4 tháng đưa vào áp dụng việc này, Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin TP Tam Kỳ Nguyễn Hữu Kiệt cho biết, từ việc triển khai thí điểm đặt mã QR thông tin 5 cung đường trên TP trong tháng 4. Đến hiện tại, đã có thêm 12 tuyến đường được thực hiện, nâng tổng số tuyến đường lên 17. Điều đặc biệt, tất cả tuyến đường trên đều được chuyển hóa song ngữ, tiếng Việt và tiếng Anh. Theo thống kế, đã có khoảng 500 lượt người dân, du khách quét mã QR theo dõi các tên đường trên TP.
“Người dân phản hồi khá tích cực trong thời gian qua vì cách làm mới, sáng tạo. Các đối tượng thường sử dụng quét để tìm hiểu tập trung chủ yếu khách du lịch và học sinh, sinh viên trên địa bàn”, ông Kiệt chia sẻ.
Thêm tên đường bằng tiếng Anh
Đang dùng máy điện thoại thực hiện quét mã QR code trên bảng tên đường Trần Phú (phường Tân Thạnh, TP Tam Kỳ), anh Hoàng Khang (23 tuổi, TP Tam Kỳ) nhận về thông tin của vị Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng trên điện thoại cả tiếng Việt và tiếng Anh.
“Tôi cảm thấy thích thú với cách làm này của thành phố, nó khá lạ so với những nơi tôi từng đến. Người dân cũng như du khách dễ dàng tìm hiểu tên đường trên chính điện thoại của mình. Đặc biệt hơn là người nước ngoài, không còn phải tìm kiếm trên google về thông tin tên đường”, anh Khang chia sẻ.
Anh Khang thông tin thêm, nếu TP nhân rộng hết toàn bộ tên đường, người dân và du khách sẽ dễ dàng tìm hiểu tất cả.
Thông tin đến VietNamNet về cách làm, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Thạnh Phan Văn Ngọc cho biết, việc triển khai thực hiện số hóa tên đường với hình thức song ngữ trên địa bàn được phường triển khai từ tháng 6.
“Trước đây, TP chỉ mới thử nghiệm 5 cung đường và trên giao diện tiếng Việt. Mặc dù theo kế hoạch, đến năm 2024, chúng tôi mới bắt đầu thực hiện thêm tiếng Anh, nhưng để thực hiện tổng thể cùng một lượt, phường đã thực hiện song song cả hai thứ tiếng”, ông Ngọc giải thích.
Thông tin tên đường dưới dạng tệp tin điện tử (mã QR). Du khách, người dân chỉ cần chiếc điện thoại di động, quét mã, thông tin về tên đường sẽ được xuất hiện nhanh chóng trên màn hình điện thoại.
Thông tin được cập nhật như ngày sinh, ngày mất, tóm tắt cuộc đời, sự nghiệp hoặc ý nghĩa sự kiện, định danh của tên đường, thông tin về tuyến đường… Mô tả vị trí điểm đầu, điểm cuối, chiều dài, chiều rộng của tuyến đường và địa phận tuyến đường đi qua. Tóm tắt thân thế sự nghiệp hoặc ý nghĩa sự kiện, địa danh của tên đường. Điều khác biệt so với trước đây, đã có thêm tiếng Anh được hiển thị.
Lãnh đạo phường Tân Thạnh cho hay, đã có 12/45 tuyến đường thực hiện mã hóa thông tin bằng QR: “Từ thông tin tên đường bằng tiếng Việt có sẵn, chúng tôi gửi đến các giáo viên trường THCS và THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm trên địa bàn nhờ dịch thuật sang tiếng Anh. Đội ngũ giáo viên ở đây đủ kinh nghiệm, trình độ để thực hiện việc dịch thuật này. 12 tuyến đường, 5 thầy cô giáo thực hiện trong 2 tuần. Vì cần sự chính xác cao nên chúng tôi cần sự tỉ mỉ”.
Sau khi có bản thảo, phường tổ chức kiểm tra chéo bằng việc nhờ những chuyên gia tiếng Anh kiểm tra lại lần cuối để thực hiện lưu trữ dữ liệu, in ấn và dán lên các bảng tên đường.
Theo ông Ngọc, mỗi hội đoàn thể gồm hội Cựu chiến binh, hội Phụ nữ và Đoàn thanh niên phụ trách 4 tuyến đường. Công việc sẽ khảo sát các bảng tên đường hư hỏng, đề xuất thay mới. Sau đó thực hiện dán mã QR và phụ trách theo dõi tình trạng cũng như phản hồi của người dân và báo cáo hàng tuần.
Phát triển ứng dụng giúp người dân phản hồi
Phó Chủ tịch UBND phường Tân Thạnh chia sẻ, việc mã hóa tên đường bằng mã QR hiện đang gặp một số khó khăn khi thời gian thực hiện dịch thuật vẫn còn dài. Phụ thuộc nhiều ở các thầy cô giáo trên địa bàn. Phần nữa, hiện chưa có phần mềm quản lý truy cập, đếm số người truy cập vào và nhận phản hồi của người dân trên chính bảng mã này.
Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin TP Tam Kỳ chia sẻ: “Trong tháng 8, chúng tôi sẽ đồng bộ cơ sở dữ liệu, đặc biệt thông tin tên đường bằng tiếng Anh. Đẩy mạnh thực hiện tại phường An Xuân vì đây là trung tâm kinh tế của TP. Và trong quý 3, tất cả phường, xã trên TP sẽ hoàn thành việc số hóa tên đường, trước mắt là tiếng Việt. Chi phí toàn bộ khoảng 90 triệu đồng”.
Việc triển khai thực hiện trên toàn hệ thống chính trị của các xã phường, các hội đoàn thể gồm hội cựu chiến binh, hội phụ nữ, mặt trận và đoàn thanh niên được tổ huy động. Mỗi đơn vị sẽ quản lý một số tuyến đường từ việc dán, bảo quản và theo dõi.
Để việc số hóa tên đường dễ dàng cho người dân và du khách, TP đang tiến hành lắp wifi miễn phí một số nơi công cộng như quảng trường 24/3, tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các điểm di tích, vui chơi công cộng.
TP đang xây dựng hệ thống kiểm đếm, phản hồi của người dân khi quét mã QR. Đặc biệt ở nội dung tiếng Anh, khi phát hiện lỗi, người dân dễ dàng trong việc phản hồi để nhà quản lý dễ dàng chỉnh sửa.