Du khách nước ngoài thích thú hóa thân thành nông dân
'Dù đã trải nghiệm du lịch nông nghiệp ở một số nơi nhưng đây là lần đầu tiên tôi được khám phá công việc nhà nông ở một không gian xanh gần Thủ đô đến thế. Người nông dân vô cùng thân thiện, các loại rau thì rất sạch, có thể ăn ngay tại vườn... Đây là mô hình du lịch rất tiềm năng mà có lẽ vị khách quốc tế nào đến cũng sẽ thấy thích thú như tôi!'. Đó là chia sẻ của bà Suzanne Siskel-một nữ du khách người Mỹ khi tham gia tour du lịch nông nghiệp gắn với cộng đồng diễn ra ngày 4/4, ở Giang Biên (Long Biên, Hà Nội).
Đây là tour du lịch đầu tiên dành cho khách quốc tế được triển khai sau khi mô hình du lịch nông nghiệp VietHarvest AgriTour chính thức ra mắt cuối tháng 12/2023 vừa qua. Mô hình được phát triển từ Dự án cộng đồng “Cải thiện sinh kế của nông dân vùng ven đô Hà Nội - Du lịch nông nghiệp như một ngành kinh doanh hỗ trợ đa dạng nguồn thu nhập” thực hiện bởi VietED, với sự tài trợ từ Quỹ châu Á và Quỹ GSRD, nhằm gia tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp địa phương, tạo nguồn thu nhập mới từ hoạt động du lịch cho nông dân trồng rau tại phường Giang Biên.
Triển khai từ tháng 9/2022, VietHarvest AgriTour hiện đang thu hút 18 hộ dân ở Giang Biên tham gia, với những sản phẩm du lịch nông nghiệp xanh được các chuyên gia hỗ trợ tư vấn, thiết kế dựa trên điều kiện tự nhiên, văn hóa của khu nông trại-vườn rau sạch Giang Biên.
Tham gia tour du lịch kéo dài nửa ngày, các du khách quốc tế được tham gia trải nghiệm nhiều hoạt động nông nghiệp thú vị như gieo hạt, chăm sóc cây trồng, thu hái rau củ sạch tại vườn, tự tay nấu bánh đúc, chè làm - những đặc sản truyền thống của Giang Biên, tìm hiểu nghề bện thừng, đan võng nổi tiếng nơi đây, và kết thúc hành trình bằng bữa ăn thơm lành được nấu từ chính những nguyên liệu sạch du khách thu hoạch được.
Điều thú vị là tất cả các hoạt động trải nghiệm của du khách đều có sự đồng hành của chính những người nông dân Giang Biên. Thông qua sự hỗ trợ của những hướng dẫn viên thạo ngoại ngữ, du khách quốc tế được trò chuyện, tương tác trực tiếp với bà con, từ đó hiểu hơn về đời sống của những người nông dân Giang Biên trên chính mảnh vườn, nông trại của họ.
Ông Vũ Văn Trượng, đại diện một nông hộ tham gia mô hình du lịch nông nghiệp tại Giang Biên chia sẻ: “Từ khi tham gia dự án, những nông dân vốn chỉ quen với công việc nhà nông truyền thống như chúng tôi đã được đào tạo thêm cả về kỹ năng giao tiếp, quảng bá sản phẩm để phục vụ du khách tốt hơn. Bên cạnh việc được trang bị các kiến thức về trồng rau sạch không dùng đến hóa chất, chúng tôi cũng được dự án hỗ trợ đưa đi tìm hiểu một số mô hình du lịch nông nghiệp ở các tỉnh khác để học tập cách làm. Tôi mong sẽ ngày càng có nhiều du khách biết và đến với Giang Biên”.
Bà Tô Huệ, Giám đốc Dự án VietHarvest AgriTour cho biết, kể từ sau khi mô hình du lịch nông nghiệp ở Giang Biên ra mắt, nhiều đoàn khách trong nước đã tìm hiểu và đặt tour tham quan, trải nghiệm tại đây. Đặc biệt, từ đầu năm 2024 đến nay, có một số đoàn khách quốc tế đến từ các đơn vị đối tác đã tới khảo sát, tìm hiểu mô hình. Giang Biên là điểm đến rất gần trung tâm Hà Nội nên các đối tác muốn kết hợp vào lịch trình để đưa khách quốc tế tới tham quan đều đặn.
Theo bà Tô Huệ, du khách quốc tế đến Giang Biên đều thích thú vì họ rất quan tâm tới du lịch có trách nhiệm và cảm nhận được sự thân thiện của người dân. Bà Huệ cho biết, ngay trong tháng 4 này, theo kế hoạch, Giang Biên sẽ đón 4 đoàn với khoảng 100 khách, trong đó có 60 du khách quốc tế.
Để phục vụ lượng khách dự kiến sẽ tăng nhiều hơn thời gian tới, các chuyên gia của dự án đang thực hiện chuẩn hóa lại quy trình đón khách để nâng cao tính chuyên nghiệp của các nông hộ; đầu tư thêm cơ sở vật chất; tăng cường kết nối với các nhóm nông hộ xung quanh để mở rộng mô hình, khả năng cung ứng dịch vụ.
“Đáp ứng mong muốn của du khách, chúng tôi cũng đang thiết kế những set quà tặng như hạt giống, mầm cây có gắn mã code để du khách mang về sau khi kết thúc hành trình trải nghiệm. Khi check mã code này sẽ hiển thị các thông tin về điểm đến và thông điệp cùng Giang biên xây dựng du lịch xanh, từ đó tạo ấn tượng cũng như sự kết nối sâu sắc hơn giữa du khách với Giang Biên”- bà Tô Huệ cho hay.