Du khách quốc tế đổ xô đến Nhật Bản, các công ty thẻ tín dụng gặp khó

Hoạt động mua sắm của du khách đã gây áp lực lên các công ty thẻ tín dụng tại Nhật Bản đến mức một số doanh nghiệp đang cân nhắc tính phí cao hơn đối với những loại thẻ do nước ngoài phát hành.

Ảnh minh họa. (Nguồn: KTC)

Ảnh minh họa. (Nguồn: KTC)

Khi du khách quốc tế đổ xô đến Nhật Bản, hoạt động mua sắm và ăn uống của họ đã gây áp lực lên các công ty thẻ tín dụng tại nước này đến mức một số doanh nghiệp đang cân nhắc tính phí cao hơn đối với những loại thẻ do nước ngoài phát hành.

Khi du khách sử dụng thẻ tín dụng do nước ngoài phát hành, công ty thẻ Nhật Bản sẽ xử lý giao dịch để đơn vị chấp nhận thẻ trả phí cho cả đơn vị phát hành ở nước ngoài và đơn vị nắm giữ thương hiệu thẻ quốc tế, chẳng hạn như Visa hoặc MasterCard.

Những khoản thanh toán này có thể lớn hơn phí thương mại mà họ thu được tại Nhật Bản, gây ra khoản lỗ dự kiến lên tới 30 tỷ yen (205 triệu USD) trong năm nay, tăng khoảng 50% so với năm 2023.

Theo khảo sát của Nikkei, 7 trong 8 công ty thẻ tín dụng lớn của Nhật Bản cho biết khoản lỗ của họ đã tăng so với năm ngoái. Trong số này, 6 công ty cho biết họ đang cân nhắc hoặc đã bắt đầu áp dụng các loại phí khác nhau cho thẻ nước ngoài.

Không giống như chương trình định giá 2 tầng gây tranh cãi, trong đó giá hàng hóa và dịch vụ được ấn định cao hơn đối với du khách đến Nhật Bản, mức phí cao hơn sẽ áp dụng cho các cửa hàng và nhà hàng, chứ không phải khách du lịch nước ngoài sử dụng thẻ.

Đằng sau đó là sự phức tạp của hoạt động kinh doanh thẻ tín dụng. Các công ty như Sumitomo Mitsui Card và Mitsubishi UFJ Nicos phát hành thẻ tại Nhật Bản, nhưng họ cũng quản lý mạng lưới thanh toán của các cửa hàng liên kết, nơi trả phí thương mại 1,9% cho mỗi khoản thanh toán được xử lý.

Khi mua hàng bằng thẻ tín dụng được phát hành tại Nhật Bản, biên lợi nhuận thường vào khoảng 0,2%. Các công ty thương lượng phí với những cửa hàng, nhưng trong một số trường hợp, họ phải trả nhiều hơn số tiền thu được.

Điều này đặc biệt đúng đối với các giao dịch được thực hiện bằng thẻ do nước ngoài phát hành.

Nếu một công ty thẻ Nhật Bản phải trả khoảng 1,8% cho đơn vị phát hành thẻ ở nước ngoài và khoảng 0,8% cho thương hiệu thẻ, thì công ty đó phải chịu khoản lỗ khoảng 0,7% bao gồm cả những khoản thanh toán cho hệ thống và các khoản phí khác.

Mặc dù có thể thay đổi tùy theo khu vực và ngành, các công ty thẻ tín dụng trong nước đặt mức phí của họ với giả định rằng thẻ Nhật Bản sẽ được sử dụng cho hơn 90% giá trị giao dịch. Các công ty đã giữ mức phí của họ ở mức thấp để cạnh tranh với tiền mặt và nền tảng thanh toán di động.

Nhưng khi du khách nước ngoài đến Nhật Bản chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong giá trị giao dịch, những công ty thẻ đang thua lỗ ngày càng tăng.

Một công ty cho biết khoản lỗ của họ đã tăng từ hàng tỷ yen lên hàng chục tỷ yen trong một năm.

Với một số thương gia như cửa hàng thời trang cao cấp và khách sạn, tổn thất lớn hơn thu nhập từ các giao dịch sử dụng thẻ trong nước. Những loại hình doanh nghiệp này có thể là ứng cử viên hàng đầu cho việc áp dụng tỷ giá kép.

Nếu các doanh nghiệp từ chối trả phí cao hơn và không thể chấp nhận thẻ do nước ngoài phát hành, họ có thể mất đi cơ hội mua sắm hấp dẫn cho khách du lịch.

Đồng yen yếu đã thúc đẩy doanh số bán các sản phẩm như máy ảnh cao cấp và đồng hồ của các nhà bán lẻ điện tử lớn, với một số khách hàng chi tiêu hơn 1 triệu yen mỗi lần. Một chuỗi cửa hàng như vậy cho biết họ đã nhận được đề xuất từ các công ty thẻ để tăng phí đối với thẻ phát hành ở nước ngoài.

Một khách sạn sang trọng ở Tokyo cũng đã được tiếp cận để áp dụng mức giá kép, nhưng đã bác bỏ ý tưởng này vì cho rằng không thực tế.

Đại diện khách sạn cho biết: “Thật khó để tăng giá phòng chỉ dành cho những khách hàng sử dụng thẻ có mức phí cao hơn. Sẽ dễ dàng hơn nếu xem xét đề xuất tăng giá trên diện rộng bất kể loại thẻ nào được sử dụng.”

 Khách du lịch tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Khách du lịch tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Nhật Bản dự kiến sẽ chào đón lượng du khách kỷ lục là 35 triệu người trong năm nay và chi tiêu cho du lịch đang trên đà đạt tới 8.000 tỷ yen.

Giả sử 60% chi tiêu du lịch này được thanh toán bằng thẻ, thì tổn thất của các công ty thẻ trong nước năm nay có thể lên tới 30 tỷ yen.

Trong cuộc khảo sát, cả 7 công ty đều chỉ ra rằng chi phí cao để thanh toán cho các thương hiệu quốc tế là một yếu tố khiến lợi nhuận của họ giảm sút.

Ngoại trừ JCB và một số công ty thẻ khác có thương hiệu riêng, các công ty thẻ Nhật Bản đều phụ thuộc vào mạng lưới thanh toán của các thương hiệu quốc tế.

Theo một nguồn tin tại một công ty thẻ tín dụng lớn: “Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận những gì được thông báo về phí sử dụng.”

Một đại diện của Visa chia sẻ với Nikkei: “Chúng tôi phục vụ lợi ích của các công ty thẻ, đơn vị chấp nhận thẻ và người tiêu dùng bằng cách cung cấp mạng lưới thanh toán vượt trội. Phí được thiết lập dựa trên các khoản đầu tư đáng kể mà Visa đã thực hiện cho đến nay”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/du-khach-quoc-te-do-xo-den-nhat-ban-cac-cong-ty-the-tin-dung-gap-kho-post973869.vnp