Áp lực giảm phát đè nặng kinh tế Trung Quốc

'Bóng ma' giảm phát đeo bám Trung Quốc từ năm 2023 đang có dấu hiệu mạnh lên, đe dọa triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và làm dấy lên lời kêu gọi Bắc Kinh cần có hành động chính sách tức thì để ứng phó...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) công bố ngày 9/9/2024 cho thấy ngoại trừ nhóm lương thực - thực phẩm, giá tiêu dùng gần như không tăng ở hầu hết các nhóm hàng hóa và dịch vụ khác, vào đúng thời điểm mà thu nhập của người lao động ở nước này suy giảm. Giá hàng hóa tại cổng nhà máy cũng tiếp tục ở trong một vòng xoáy đi xuống.

Theo báo cáo từ NBS, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2024 của Trung Quốc chỉ tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2023, đánh dấu tháng thứ ba tăng yếu hơn dự báo trong vòng 4 tháng trở lại đây. Chưa kể, mức tăng này của chỉ số toàn phần chủ yếu do giá lương thực - thực phẩm tăng 2,8%. Không tính nhóm lương thực - thực phẩm và năng lượng, lạm phát lõi chỉ tăng 0,3%, mức tăng yếu nhất trong hơn 3 năm và đánh dấu tháng thứ 18 liên tiếp tăng dưới 1%.

Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) của Trung Quốc đã liên tục giảm từ cuối năm 2022, với mức giảm 1,8% trong tháng 8/2024 so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức giảm mạnh nhất của chỉ số này trong vòng 4 tháng trở lại đây, sâu hơn nhiều so với mức giảm 0,8% của tháng 7/2024 và vượt mức dự báo giảm 1,4% mà giới phân tích đưa ra.

VÒNG XOÁY GIẢM PHÁT ĐANG HÌNH THÀNH

Dữ liệu giá cả đã tô xám thêm bức tranh kinh tế vốn dĩ đang ảm đạm của kinh tế Trung Quốc. Theo Công ty nghiên cứu kinh tế Bloomberg Economics, chỉ số giảm phát tổng sản phẩm trong nước (GDP deflator) - một thước đo giá cả rộng hơn trong toàn nền kinh tế - của Trung Quốc có thể sẽ kéo dài xu hướng giảm sang năm 2025 và đó sẽ là chuỗi thời gian lạm phát dài nhất của Trung Quốc kể từ khi bắt đầu có dữ liệu này vào năm 1993. Đến nay chỉ số giảm phát GDP của Trung Quốc đã giảm 5 quý liên tiếp.

“Chắc chắn là nền kinh tế Trung Quốc đang giảm phát và có thể đang đi qua giai đoạn giảm phát thứ hai. Kinh nghiệm từ Nhật Bản cho thấy giảm phát càng kéo dài, Trung Quốc rốt cục sẽ phải phá vỡ thách thức nợ - giảm phát”, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc Robin Xing của Morgan Stanley nhấn mạnh, đề cập đến bằng chứng về sự suy giảm tiền lương ở nước này.

Mối nguy hiểm đối với Trung Quốc là lạm phát có thể trở thành một vòng xoáy tự mạnh lên thông qua khuyến khích các gia đình đang bị giảm thu nhập cắt giảm chi tiêu hoặc trì hoãn việc chi tiêu do kỳ vọng giá cả sẽ giảm sâu hơn. Doanh thu của doanh nghiệp vì vậy sẽ giảm sút, dẫn tới hạn chế đầu tư, giảm lương và sa thải. Các cuộc khảo sát của khu vực tư nhân cho thấy một vòng xoáy như vậy đã hình thành.

Trong những lĩnh vực của nền kinh tế được Chính phủ Trung Quốc ưu ái, như sản xuất ô tô điện và năng lượng tái tạo, mức lương khởi điểm trong tháng 8/2024 đã giảm khoảng 10% so với mức đỉnh ghi nhận vào năm 2022. Một cuộc khảo sát 300 nhà điều hành doanh nghiệp do Trường Kinh doanh Cheung Kong thực hiện cho thấy tốc độ tăng của chi phí nhân công trong tháng 8 là thấp nhất kể từ tháng 4/2020. Dữ liệu từ Công ty Zhaopin cho thấy mức lương của lao động mới được tuyển dụng tại 38 thành phố gần như không thay đổi trong quý 2/2024, so với mức tăng trưởng 5% trong 2 năm trước đại dịch Covid-19.

Thế giới đã từng chứng kiến vòng xoáy giảm phát ở Nhật Bản bắt đầu từ thập niên 1990 khi bong bóng bất động sản vỡ tung. Thời kỳ giảm phát kéo dài đó được biết đến với tên gọi “những thập kỷ mất mát” ở đất nước Mặt Trời mọc.

Giới chức Trung Quốc đã tìm cách hạn chế việc thảo luận về giảm phát, cảnh báo các nhà phân tích nói về vấn đề này. Tuy nhiên, những cuộc tranh luận về giảm phát đã bắt đầu nổi lên công khai. Tuần trước, ông Dịch Cương cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cho rằng việc giải quyết tận gốc giảm phát phải là một ưu tiên của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc. Đây là một sự thừa nhận hiếm hoi của một nhân vật lớn ở Trung Quốc rằng giá cả giảm sút đang đặt ra mối nguy đối với triển vọng kinh tế. Vị cựu Thống đốc nói rằng mục tiêu trước mắt của Trung Quốc là phải đưa chỉ số giảm phát GDP trở lại trạng thái dương trong những quý sắp tới.

Kỳ vọng giảm phát ở Trung Quốc đang bắt đầu ngấm vào thị trường tài chính, đẩy giá trái phiếu chính phủ nước này tăng vọt, khiến lợi suất giảm xuống mức thấp kỷ lục. Tình trạng này khiến giới chức Trung Quốc lo ngại rằng các ngân hàng thương mại của nước này có thể đang đối mặt với rủi ro lớn liên quan tới lãi suất.

Áp lực giảm phát cũng được phản ánh trong tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa của Trung Quốc chỉ đạt 4% trong quý 2 năm nay, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng chính thức cả năm là khoảng 5%. Một số ngân hàng nước ngoài lớn như Goldman Sachs và JPMorgan Chase đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc cả năm nay xuống dưới 5%, đồng nghĩa nền kinh tế sẽ không đạt mục tiêu tăng trưởng.

PBOC đang thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng, nhưng vấn đề nằm ở chỗ chính sách này không chỉ không tạo ra được lạm phát mà thậm chí còn gây giảm phát vì chủ yếu nhằm vào phía nguồn cung trong nền kinh tế, theo chuyên gia cấp cao Michael Pettis của Tổ chức nghiên cứu Carnegie Endowment for International Peace.

Trong khi đó, tư duy giảm phát đã bắt đầu ăn sâu vào nền kinh tế. Niềm tin người tiêu dùng Trung Quốc đang ở ngưỡng thấp kỷ lục, và các hộ gia đình muốn tiết kiệm hơn là chi tiêu hay mua nhà.

RẤT CẦN CHÍNH SÁCH KÍCH CẦU MẠNH TAY

Nhà kinh tế trưởng về châu Á của Ngân hàng HSBC, ông Fred Neumann, cho biết chỉ số CPI thường bị ảnh hưởng bởi biến động giá thực phẩm, nhưng chỉ số PPI là một chỉ báo đáng tin cậy về các xu hướng cốt lõi trong nền kinh tế. “Trung Quốc vẫn cần thêm các biện pháp chính sách thúc đẩy nhu cầu để gia tăng áp lực giá cả nhằm hấp thụ công suất dư thừa trong nền kinh tế”, ông Neumann chia sẻ với hãng tin Reuters.

Cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc, hiện đã kéo dài 3 năm, là nguồn gây áp lực giảm nhu cầu lớn nhất. Cùng với đó, cuộc cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực sản xuất cũng góp phần quan trọng đẩy giá cả xuống dốc.

Một báo cáo của Ngân hàng Barclays dự báo tiêu dùng ở Trung Quốc còn yếu trong quý 3/2024. “Chúng tôi cho rằng sự suy giảm sâu hơn của CPI lõi/PPI dịch vụ, việc PPI đã giảm 23 tháng liên tiếp, cùng với doanh số bán ôtô và bất động sản suy giảm sâu hơn, thị trường việc làm xấu đi, hiệu ứng tiêu cực mạnh mẽ trong bối cảnh giá nhà và thị trường bất động sản cùng xuống dốc đồng nghĩa rằng tiêu dùng tư nhân sẽ tiếp tục suy yếu thêm trong quý 3/2024”, báo cáo viết.

Theo giới phân tích, kịch bản kinh tế ở thời điểm hiện tại cho thấy Trung Quốc cần triển khai thêm nhiều biện pháp để vực dậy nền kinh tế. Tuy nhiên, Bắc Kinh chưa có dấu hiệu nào cho thấy một sự dịch chuyển quan trọng khỏi chủ trương khuyến khích sản xuất sang kích thích nhu cầu đang yếu trong nền kinh tế, bằng những biện pháp chẳng hạn như tăng cường chi tiêu chính phủ cho các dịch vụ công và trợ cấp người tiêu dùng.

“Chúng tôi cho rằng tăng chi tiêu tài khóa sẽ thúc đẩy sự khởi sắc của nhu cầu trong nước trong những tháng tới. Tuy nhiên, chính sách của Chính phủ Trung Quốc vẫn quá nghiêng về đầu tư, bởi vậy chi tiêu tài khóa tăng rốt cục có thể làm trầm trọng thêm tình trạng dư thừa công suất”, nhà kinh tế Gabriel Nga của Công ty Capital Economics nhận xét.

Trung Quốc đã triển khai một chiến dịch toàn quốc để rót 41 tỷ USD huy động từ phát hành trái phiếu kỳ hạn siêu dài cho việc nâng cấp trang thiết bị và đổi hàng tiêu dùng cũ lấy mới. Tuy nhiên, chương trình này dường như không có nhiều tác dụng trong việc cải thiện niềm tin của người tiêu dùng. Tháng 8/2024, doanh số bán ô tô tại Trung Quốc đã giảm tháng thứ 5 liên tiếp. “Những chính sách như thế này cần thời gian để thẩm thấu, nên lạm phát do cầu kéo sẽ là điều khó xảy ra trong tương lai gần”, nhà kinh tế Junyu Tan của Công ty Coface nhận xét.

An Huy

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ap-luc-giam-phat-de-nang-kinh-te-trung-quoc.htm